Taliban đối mặt nhiều thách thức, Nga nói 20 năm của Mỹ ở Afghanistan để lại “thảm kịch”

Đình Nam - Vũ Anh Tuấn |

Sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, Taliban đối mặt nhiều thách thức. Tổng thống Nga Putin hôm nay (1/9) nhận định, cuộc chiến tranh 20 năm của Mỹ tại Afghanistan đã kết thúc với kết quả là “thảm kịch và tổn thất”.

Hình ảnh chiến binh Taliban và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: AP, Reuters.

Hình ảnh chiến binh Taliban và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: AP, Reuters.

Tổng thống Nga cho rằng, các nước phương Tây cố gắng áp đặt các giá trị tiêu chuẩn của họ lên một quốc gia không thuộc phương Tây.

Kết quả của điều này là những bi kịch, tổn thất, không chỉ người Mỹ phải nhận lấy mà còn cả những người dân sống trên đất nước Afghanistan phải chịu đựng: “Hai mươi năm Mỹ hiện diện trên lãnh thổ Afghanistan.

Và trong hai mươi năm này, họ đã cố gắng đặt tiêu chuẩn văn minh của họ lên những người sống ở đó. Về bản chất, các chuẩn mực và tiêu chuẩn trong mỗi xã hội là khác nhau. Kết quả của điều này là những thảm kịch”.

Ông Putin khẳng định, Nga sẽ không can thiệp vào tình hình Afghanistan và nước này đã rút được những bài học thời Liên Xô.

Tuy nhiên, ông lo ngại các nước phương Tây đang cố gắng đưa người tị nạn Afghanistan tới các nước Trung Á – đồng minh của Nga. Hiện Nga cũng thận trọng khi đưa ra các bình luận về chính quyền mới của Afghanistan.

Hôm qua (31/8), lực lượng nước ngoài chính thúc rút quân, để lại một đất nước Afghanistan với nhiều hỗn loạn. Lực lượng Taliban cầm quyền tại Afghanistan giờ đây phải đối mặt với thách thức để điều hành một quốc gia có 38 triệu dân khi nguồn tài chính bị cạn kiệt và các tổ chức nước ngoài đa số ngừng viện trợ.

Vài giờ sau khi chuyến bay cuối cùng của quân đội Mỹ cất cánh, các thủ lĩnh Taliban đã tới sân bay Hamid Karzai như một hành động tượng trưng cho chiến thắng cuối cùng trước phương Tây.

Một thủ lĩnh Taliban khẳng định, Afghanistan cuối cùng đã được tự do. Mọi thứ đều bình yên và an toàn và rằng Taliban sẽ từ từ đưa mọi thứ trở lại bình thường kể cả việc nhanh chóng mở cửa lại sân bay.

Người phát ngôn của Taliban - Zabihullah Mujahid cho biết: "Đội ngũ kỹ thuật của chúng tôi sẽ kiểm tra về kỹ thuật và hậu cần của sân bay. Nếu chúng tôi có thể tự mình sửa chữa mọi thứ, thì chúng tôi sẽ không cần bất kỳ sự trợ giúp nào. Nếu cần trợ giúp về kỹ thuật hoặc hậu cần để sửa chữa, chúng tôi có thể nhờ đến sự giúp đỡ từ Qatar hoặc Thổ Nhĩ Kỳ."

Để sân bay hoạt động trở lại chỉ là một trong những thách thức mà Taliban phải đối mặt trong việc quản lý một quốc gia có 38 triệu dân mà trong hai thập kỷ đã tồn tại nhờ hàng tỷ đô la viện trợ nước ngoài. Phần lớn hàng tỷ USD mà Afghanistan dự trữ ngoại hối đang bị đóng băng ở Mỹ, gây áp lực mất giá lên đồng tiền của nước này. Điều này buộc các ngân hàng đã thực hiện các biện pháp kiểm soát rút tiền.

Taliban đã giới hạn số tiền rút hàng tuần của người dân ở mức 200 USD. Dù số tiền rút bị giới hạn nhưng hàng ngày, đám đông hàng trăm người vẫn tụ tập trước cửa ngân hàng trung ương để chờ được rút tiền. Đối với họ, nỗi lo nhất hiện nay là việc không thể nuôi sống gia đình.

Nhiều người trong số các công chức của Afghanistan cho biết đã bị cắt giảm lương mạnh, thậm chí không được nhận lương trong nhiều tháng: “Phải nói thật là tôi không muốn quân đội nước ngoài hiện diện tại đất nước của mình. Chúng tôi cũng rất vui vì an ninh đã được đảm bảo nhưng chúng tôi cần bánh mì và lương thực. Chúng tôi phụ thuộc vào đồng lương để lo cho gia đình mình, không có tiền làm sao chúng tôi có đủ tiền để lo cho việc ăn uống hàng ngày”.

"Kỳ vọng của chúng tôi là nhận được tiền lương. Chúng tôi còn rất nhiều khoản phải chi tiêu như tiền điện, nước và các chi phí khác”.

Ngoài đối mặt với nền kinh tế suy sụp, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Afghanistan cũng được nhận định là có nguy cơ sụp đổ do các nhà tài trợ nước ngoài ngừng cung cấp viện trợ sau khi Taliban lên nắm quyền.

Ông Filipe Ribeiro, đại diện Tổ chức bác sĩ không biên giới Médecins Sans Frontìeres, một trong những cơ quan viện trợ y tế lớn nhất tại Afghanistan cho biết:

“Một trong những rủi ro lớn đối với hệ thống y tế ở đây là dễ sụp đổ vì thiếu viện trợ. Hệ thống y tế tổng thể ở Afghanistan thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị và thiếu nguồn vốn trong nhiều năm. Và rủi ro lớn là tình trạng thiếu hụt này sẽ nghiêm trọng hơn trong thời gian tới”.

Trước đó, hôm 30/8, lần đầu tiên kể từ khi Taliban tái chiếm Afghanistan, Liên Hợp Quốc đưa được 12,5 tấn thuốc men và thiết bị y tế đến nước này.

Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc cho biết số hàng này chỉ đủ chăm lo sức khỏe cơ bản cho hơn 200.000 người, thực hiện 3.500 cuộc phẫu thuật...

Thêm vào đó, hạn hán "chưa từng thấy" đang đe dọa nguồn cung lương thực của hàng triệu người dân Afghanistan. Tuy nhiên đến nay, Liên Hợp Quốc và các đối tác mới thu được 40% trong kế hoạch 1,3 tỷ USD viện trợ khẩn cấp cho Afghanistan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại