Tại sao gỗ nu lại đắt gấp nhiều lần gỗ sưa, dù nó chỉ là phần "dị tật xấu xí"?

Hoa Hướng Dương |

Nhiều đại gia sẵn sàng trả gần 23 tỷ VNĐ cho một thân gỗ nu hương đỏ ở Thanh Hóa nhưng vẫn không mua được. Vậy vì sao gỗ nu lại có giá "khủng" như vậy?

Gỗ sưa đã quý và đắt, ấy vậy mà vẫn chưa là gì so với gỗ nu! Bạn muốn hiểu tại sao ư, bài viết này sẽ tìm ra câu trả lời.

Gỗ nu thực ra là phần "dị tật xấu xí"

Nếu bình thường các loại gỗ quỹ như hương, sưa, đỏ, hoàng đàn... đã rất quý rồi thì phần bướu "dị tật xấu xí" tưởng chừng làm giảm giá trị của những loài cây này thì lại càng quý hiếm hơn gấp bội, phần gỗ dị tật đó được gọi chung là nu.

Tại sao gỗ nu lại đắt gấp nhiều lần gỗ sưa, dù nó chỉ là phần dị tật xấu xí? - Ảnh 1.

Một thân gỗ nu được trả gần 23 tỷ VNĐ mà người chủ vẫn không bán! Ảnh Gia đình & Xã hội.

Như vậy gỗ nu thực chất lại không phải là một loại gỗ nhất định, mà là tên gọi phần gỗ dị tật hay bướu trên thân một cây gỗ quý. Nó có thể là gỗ nu sưa nếu mọc trên cây sưa, là gỗ nu hương nếu mọc trên thân cây hương...

Như vậy cũng không có nghĩa là con người có thể tạo ra nu nhân tạo bằng cách chặt chém hay làm thân cây quý bị tác động vì tỷ lệ thành công bằng phương thức này chỉ khoảng 1%. Hơn nữa, thời gian tạo nu thường cũng mất tới hàng trăm năm.

Vậy tại sao lại có phần "dị tật xấu xí" này?

"Dị tật xấu xí" này có thể là một vết thương trên cây do bị chặt, chém, sét đánh, mối mọt đục vào hay có thể là "dị tật bẩm sinh" của cây gỗ quý, nhưng lâu ngày theo quá trình phát triển của cây, chúng dần lớn to ra thành bướu do nhựa và dinh dưỡng bị gián đoạn tích tụ. Cây càng lâu năm, cái bướu ấy càng lớn và càng có giá trị.

Lý thuyết là vậy nhưng thực tế không dễ bắt gặp một dị tật trên cây gỗ, nhất là cây gỗ quý hiếm. Vì thế, nu của các loại gỗ quý lại càng có giá trị gấp bội so với bản thân chính loại gỗ quý giống như cái cây đã tạo ra nó.

Ví dụ, người ta ước tính trong cả trăm cây gỗ sưa - vốn đã quý hiếm - thì chỉ có thể thấy ở 1, 2 cây là có nu, và phần nu này thường... rất bé!

Trong các loại nu mọc trên cây quý thì nu nghiến hay còn gọi là ngọc nghiến (phần bướu của cây nghiến) là loại gỗ được ưa chuộng nhất. 

Tại sao phần gỗ xấu xí này lại được ưa chuộng như vậy?

Tại sao gỗ nu lại đắt gấp nhiều lần gỗ sưa, dù nó chỉ là phần dị tật xấu xí? - Ảnh 2.

Một bộ bàn ghế được giới thiệu làm từ gỗ nu. Ảnh: Internet.

Đối với các loại gỗ thì vân gỗ chính là một điểm nhấn không thể không nhắc đến làm tăng giá trị của loại gỗ đó, và nu cũng không ngoại lệ. Mặc dù bề ngoại xấu xí sần sùi nhưng bên trong lại rất cứng và có nhiều vân uốn lượn rất đẹp không theo quy luật nào.

Màu sắc của nó cũng rất đa dạng và đẹp tùy thuộc địa điểm và điều kiện sinh trưởng như: Màu mạch nha, vàng chanh, màu mật ong hay vàng cẩm, màu hổ phách... Ngoài ra mùi hương của cây cũng là yếu tố góp phần làm tăng giá trị của gỗ nu.

Ví dụ: Gỗ Nu Sưa có giá 1 kg khoảng hàng trăm triệu vì gỗ rất thơm và có vân đẹp.

Nếu gỗ nu bị chôn dưới đất như một phần bướu gần gốc chẳng hạn, giá trị của nó thậm chí còn tăng lên gấp nhiều lần vì chịu sự tác động của độ ẩm, ăn mòn nhưng không bị mục nát, thể hiện tính chất tuyệt vời của gỗ quý.

Giá trị của gỗ nu so với một số loại gỗ quý

Các loại gỗ quý hay gỗ nu do độ hiếm của nó nên thường không được mua như các loại gỗ thông thường (tức là tính bằng mét khối), chúng sẽ được tính bằng kg!

Lấy ví dụ gỗ sưa. Theo một trang web có tên Thư viện gỗ, giá thị trường cập nhật đến ngày 21/06/2017 thì trên thị trường Việt Nam có 3 loại gỗ sưa: Sưa tím, sưa đỏ, sưa vàng.

- Giá sưa thấp nhất là 1 triệu rưỡi/ 1 kg.

- Loại trung bình (có thể làm được pho tượng nhỏ) thì khoảng 3 triệu rưỡi tới 5 triệu rưỡi/ 1 kg .

- Nếu lớn hơn (đường kính 30 cm trở lên) thì giá có thể ngoài 30 triệu/1 kg.

Tại sao gỗ nu lại đắt gấp nhiều lần gỗ sưa, dù nó chỉ là phần dị tật xấu xí? - Ảnh 3.

Gỗ nu sưa giá 50 triệu VND/kg. Ảnh chụp từ màn hình một trang web bán gỗ sưa.

Đó chỉ là giá gỗ sưa thông thường, nếu là gỗ nu sưa thì giá trị có thể nhiều hơn thế nhiều lần. Theo một trang web về gỗ sưa đỏ, giá của loại gỗ nu sưa khoảng 50 triệu/kg. Các sản phẩm từ loại gỗ này như bàn ghế, lục bình hay tượng phật thì giá trị còn được nhân lên gấp bội.

* Bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại