Tại sao Avangard biến các lá chắn tên lửa thành vô nghĩa?

TUẤN SƠN |

Trước những thành tựu vượt trội của Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm mới, Mỹ đã tìm nhiều cách, trong đó có cả việc sử dụng truyền thông, để hạ thấp sự nguy hiểm của các loại vũ khí nói trên. Lầu Năm góc từng tuyên bố, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có đủ khả năng ngăn chặn các loại vũ khí siêu vượt âm mới.

Tuy nhiên, tuyên bố này đã tạo ra sự hoài nghi trong giới chuyên gia quân sự. Những phân tích, đánh giá về năng lực phòng thủ tên lửa của Mỹ cho thấy, Quân đội Mỹ có rất ít cơ hội để ngăn chặn vũ khí siêu vượt âm như Avangard của Nga.

Điều này càng trở nên rõ ràng trong chiến lược phòng thủ tên lửa mới của Mỹ được Tổng thống Donald Trump công bố mới đây. Hiểu rõ việc ngăn chặn các loại vũ khí siêu vượt âm mới là không thể, Mỹ đã chuyển hướng sang phát triển kho vũ khí hạt nhân để làm đối trọng.

Hệ thống phòng thủ tên lửa đầy tham vọng trong quá khứ của Mỹ được chuyển mục tiêu sang các quốc gia có năng lực hạn chế là Iran và Triều Tiên.

Truyền thông Mỹ không thể phủ nhận sức mạnh của Avangard

Với sức mạnh của truyền thông, Mỹ đang làm nhiều cách để hạ thấp sức mạnh của vũ khí siêu vượt âm như Avangard trong bối cảnh hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Washington đang dậm chân tại chỗ.

Tuy nhiên, những bài viết của truyền thông Mỹ vốn không thể tiếp cận được công nghệ lõi được áp dụng trên loại vũ khí tân tiến như Avangard không có sức thuyết phục được giới chuyên gia quân sự thế giới. Việc không nắm được thông tin, khiến các thông tin về Avanguard do phía Mỹ đưa ra có nhiều sai sót và thậm chí là trái ngược nhau.

Bên cạnh đó, các chuyên gia quân sự Mỹ tính toán khả năng ngăn chặn Avangard dựa trên cơ sở "lá chắn tên lửa" vẫn còn trên giấy của Lầu Năm góc là hoàn toàn không có cơ sở và logic.

Tại sao Avangard biến các lá chắn tên lửa thành vô nghĩa? - Ảnh 1.

Không giống như vũ khí đạn đạo thông thường, Avanguard là thiết bị lượn có thể hoạt động ở vận tốc siêu vượt âm. Nó là khái niệm vũ khí tấn công hoàn toàn mới và khiến việc ngăn chặn là không thể.

Trước những thông tin sai lệch từ phía Mỹ, các thông tin có độ tin cậy cao về Avanguard thông qua nhiều nguồn đã được công khai với giới chuyên gia và tạo ra một cái nhìn khác biệt về loại vũ khí siêu vượt âm đi trước thời đại này.

Về mặt bản chất, Avanguard được phát triển để đối phó với việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) và triển khai lá chắn tên lửa ở phạm vi toàn cầu.

Avangard thực tế là một thiết bị lượn siêu vượt âm, được thiết kế là một phần cấu thành trong tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Không giống như các đầu đạn bay theo đạn đạo truyền thống, Avangard được tên lửa đẩy mang lên độ cao 1.500km và sử dụng thế năng để lượn theo quỹ đạo bất đẳng với vận tốc gấp 20 lần tốc độ âm thanh (Mach 20).

Điều này đạt được là nhờ công nghệ vật liệu chịu nhiệt và ổn định khí động cực kỳ phức tạp. Theo thông tin từ Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga, thiết kế cánh lượn và thân của Avangard chịu được ngưỡng nhiệt độ 1.600 độ C.

Ở một vài vị trí, ngưỡng này lên tới 2.000 độ C. Không chỉ chịu được nhiệt độ cao, thiết kế của Avangard cho phép nó trượt trên các dòng khí và bằng cách nào đó duy trì được kết nối với trung tâm chỉ huy để cơ động quỹ đạo. Đây là bước đột phá về công nghệ hàng không quân sự, mà chưa có nước nào sở hữu.

Khả năng của Avangard đã được minh chứng qua các vụ thử nghiệm trong năm 2018. Những hình ảnh và thông số về các lần thử đã làm truyền thông Mỹ và phương Tây "cứng miệng" và thừa nhận, Avanguard rất khó, thậm chí là không thể bị bắn hạ.

Avangard – vũ khí siêu vượt âm của tương lai

Tốc độ bay lớn, quỹ đạo bay bất đẳng, khiến mọi tính toán về đường bay của Avangard để đưa phương án đánh chặn trở nên vô nghĩa. Giới chuyên gia Mỹ tính toán, để ngăn chặn được một phương tiện bay siêu vượt âm như Avangard cần khoảng hơn 100 đạn tên lửa đánh chặn SM-3 với giá thành hàng triệu USD cho mỗi đạn.

Tuy nhiên, tỷ lệ đánh chặn thành công không phải đạt mức 100%. Chưa nói về vấn đề kỹ thuật, chỉ riêng việc đảm bảo nguồn lực tài chính cho các hệ thống phòng thủ tên lửa khổng lồ để đối trọng với Avangard là không khả thi, kể cả với siêu cường như Mỹ.

Tại sao Avangard biến các lá chắn tên lửa thành vô nghĩa? - Ảnh 2.

Cơ cấu hoạt động của Avangard được phía Nga công bố.

Một điểm quan trọng thứ 2 là các bệ phóng ICBM mang Avangard đều đặt ở các vị trí nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Việc bí mật tấn công phủ đầu vào các bệ phóng mà không bị phía Nga phát hiện và đánh trả tức thì là vô vọng. Ngoài ra, lớp vật liệu chịu nhiệt đặc biệt của Avangard thừa đủ khả năng chịu được các đòn tấn công gia nhiệt bằng vũ khí la-de hiện có của Mỹ.

Một điểm đặc biệt nữa của Avangard là khả năng cơ động quỹ đạo trong quá trình bay. Trái với các tổ hợp phòng thủ tên lửa cồng kềnh, chỉ phát huy hiệu quả ở một khu vực giới hạn, Avangard có thể chủ động cơ động để thoát khỏi vòng kiểm soát và tìm được hướng tiếp cận mục tiêu hiệu quả nhất.

Với gia tốc ở pha tiếp xúc tới Mach 20, về cơ bản không có loại vũ khí nào có thể đánh chặn được vật thể bay như Avangard.

Với những thông tin được công bố, giới chuyên gia quân sự thế giới đánh giá, Avangard là vũ khí siêu vượt âm của tương lai. Ở thời điểm hiện tại, không có loại vũ khí phòng thủ tên lửa nào, thậm chí ở mức khái niệm được thiết kế có đủ khả năng ngăn chặn dòng vũ khí siêu vượt âm trên của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại