Syria: Tới lượt Thổ Nhĩ Kỳ điều tàu chiến đến Địa Trung Hải

Danh Tuyên |

Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần bày tỏ sự phản đối đối với cuộc tấn công của quân đội Syria nhằm vào Idlib, cho rằng nó sẽ dẫn tới thảm họa, và đang thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của mình tại khu vực.

Thổ Nhĩ Kỳ đang trong trạng thái cảnh giác cao độ ở vùng Đông Địa Trung Hải với việc Nga khởi động các nội dung tập trận, trong khi tàu khu trục Mỹ được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk đang tiến về phía khu vực này trước lo ngại quân đội Syria chuẩn bị tiến hành tấn công quy mô lớn nhằm vào Idlib – nơi các phiến quân còn tập trung đông nhất tại Syria.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hơn 25 tàu chiến nước này và tàu hộ tống cùng với khoảng 30 chiến đấu cơ, gồm cả tiêm kích và máy bay ném bom chiến lược, sẽ tham gia tập trận Địa Trung Hải kéo dài từ ngày 1 đến ngày 8/9.

Trước những diễn biến đó, Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia từng có 10 tàu chiến trong khu vực – đã điều một số tàu hải quân tới, nhưng con số chính xác vẫn chưa được tiết lộ.

Mỹ gây hấn với Syria

Ông Anatoly Antonov, Đại sứ Nga tại Mỹ, cảnh báo Washington hôm 30/8 về những hành động "gây hấn không có cơ sở và bất hợp pháp (của Washington) đối với Syria". Ông nói với giới chức Mỹ rằng Moscow thực sự quan ngại trước những dấu hiệu cho thấy Mỹ đang chuẩn bị cho những cuộc không kích mới nhằm vào Syria.

Tàu chiến đã sẵn sàng

Các đồng minh của Mỹ và khối quân sự NATO như Anh và Pháp đã đặt các tàu chiến của mình ở Địa Trung Hải trong trạng thái cảnh giác cao độ. Bộ Quốc phòng Nga nói rằng tàu khu trục Mỹ Karni và Ross sẽ sẵn sàng tấn công Syria chỉ trong vòng 24 giờ.

Hôm qua 1/9, tàu hải quân Mỹ UsNS Carson City T-EPF-7 đã tới Địa Trung Hải từ eo biển Dardanelles.

Trước đó, Mỹ đã tấn công Syria bằng những tàu chiến được triển khai ở Địa Trung Hải, Biển Đỏ và vịnh Ba Tư. Các chiến hạm đã phóng tên lửa nhằm vào các mục tiêu là cơ sở vật chất của Chính phủ Syria.

Mặc dù không liên quan trực tiếp tới các diễn biến ở Idlib song sự hiện diện rộng rãi của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải nhằm mục đích ngăn chặn những biến động tiềm tàng có thể xảy ra ở vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới các vấn đề an ninh, năng lượng.

Các quốc gia như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Israel, Ai Cập, Hi Lạp và Italy đều duy trì hiện diện quân sự ở Địa Trung Hải.

Liên Hợp Quốc đã kêu gọi Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn cuộc chiến tại Idlib vì nó có thể ảnh hưởng tới hàng triệu dân thường.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Iran hiện đang nỗ lực hỗ trợ cho các cuộc đàm phán hòa bình ở Astana, trong đó tập trung vào hình thành lệnh ngừng bắn và kết thúc cuộc chiến 7 năm tại Syria.

Cuộc nội chiến Syria khiến khoảng 400.000 người thiệt mạng, làm hơn 11 triệu người sống trong tình cảnh thiếu lương thực, nước sạch và chăm sóc y tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại