Giấc mơ trở thành nữ bác sĩ từ cơn đau quằn quại của cha

Thu Lê (ghi) |

(Soha.vn) - Từ khát vọng được chữa bệnh cho người cha thân yêu cùng những vết thương và cơn đau khác trong cuộc đời, Duyên đã nguyện gắn bó và dành hết tâm huyết để theo đuổi ngành Y.

Lê Thị Duyên, lớp Y3E, ngành bác sỹ Đa khoa - ĐH Y Hà Nội đến với nghề Y như một “cơ duyên”. Trải qua 3 năm gắn bó học tập miệt mài dưới mái Trường ĐH Y Hà Nội giàu truyền thống, cái cơ duyên đã bắt đầu trở thành “duyên nợ” với cô gái trẻ.

Với Duyên, học Y vất vả không chỉ bởi thời gian học kéo dài, khối lượng kiến thức lớn, mà ngành Y còn đòi hỏi những kĩ năng thực tế và phải có “nghệ thuật sống”. Y học không chỉ là một ngành khoa học mà còn là một ngành nghệ thuật. Nghệ thuật giao tiếp, nghệ thuật trong thăm khám, chữa bệnh, nghệ thuật đối nhân xử thế,…

Cùng lắng nghe những trải lòng thú vị của nữ bác sĩ tương lai nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. 

Lê Thị Duyên, lớp Y3E, ngành bác sỹ Đa khoa - ĐH Y Hà Nội

“Em đến với nghề Y như một cái “duyên”. Có “duyên” thì ắt sẽ có “nợ”. Ngày bé, ai hỏi,“sau này lớn lên con sẽ làm gì?” em đều trả lời rất nhanh không cần suy nghĩ, “lớn lên con làm bác sĩ, để chữa bệnh…đau bụng cho bố!”

Ngày đó, em cũng không có biết bố bị đau dạ dày, chỉ biết bố đau bụng và thấy thương bố vô cùng trong những cơn đau quằn quại. Em lớn lên cùng những cơn đau của bố và ước mơ trở thành bác sĩ lại càng mãnh liệt, cháy bỏng hơn.

Lại cũng là “duyên” khi em học khối A nhưng lại được thầy giáo chọn đi thi học sinh giỏi môn Sinh học. Có lẽ, em  bắt đầu “bén duyên” với ngành Y từ ngày đó.

Quyết định theo học Y, em đã suy nghĩ rất nhiều, vì ngày đó em không có được mạnh mẽ bằng bây giờ. Sự động viên của gia đình, thầy cô, bạn bè đã làm em mạnh mẽ và có niềm tin để theo học cái ngành mà không ai nghĩ con gái phù hợp. Và giờ đây, khi đã theo học được gần 3 năm, em nghĩ quyết định của mình là không sai lầm.

Điều khác biệt nhất của một nữ sinh viên Y khoa với các nữ sinh trường khác là không có chải chuốt, không có nhiều thời gian để làm đẹp cho bản thân. Con gái trường Y không mang nét dịu dàng, nữ tính như con gái trường Sư phạm hay Luật, không năng động như con gái trường Kinh tế, Ngoại thương,…nhưng các bạn có nét đẹp của sự “thánh thiện”.

Mọi người thường bảo nữ sinh trường Y già hơn so với các nữ sinh trường khác, nhưng em thì thấy ngược lại. Ngày mới vào đại học, các bạn nữ sinh trường khác đã rất ra dáng một sinh viên đại học, nhưng sinh viên trường Y thì vẫn còn trẻ trung như học sinh cấp 3.

3 năm gắn bó, miệt mài học tập dưới mái trường ĐH Y Hà Nội, em mới đi được 1/2 quãng đường phải đi trong khi đó bạn bè cùng trang lứa sang năm đã ra trường, rục rịch tìm việc làm, lo lắng chuyện chồng con. Ai đó vẫn nghĩ, nữ sinh y khoa thô thiển và khô khan lắm nhưng thực chất lại không phải như thế. Dù có “đặc thù” như thế nào, chúng em vẫn là con gái, cũng biết nhí nhảnh và cũng vô cùng trong sáng, đáng yêu…

Vất vả lớn nhất mà bất cứ nữ sinh Y khoa nào cũng phải đối diện đó là phải biết tự chăm lo sức khỏe cho bản thân, cả về thể chất và tinh thần. Lịch học của chúng em lúc nào cũng dày đặc. Sáng sáng ở Viện học lâm sàng, chiều về trường học lý thuyết, thứ 7, chủ nhật đi trực bệnh viện,… Vì vậy, nếu không có đủ sức khỏe chúng em sẽ không thể đi học đều và vượt qua những căng thẳng, stress của các kỳ thi. Hơn nữa, công việc của 1 bác sĩ tương lai là chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Vậy nên mình phải khỏe trước đã!

Học Y vất vả không chỉ bởi thời gian học kéo dài, khối lượng kiến thức lớn, mà còn đòi hỏi những kĩ năng thực tế và cần có “nghệ thuật sống”. Ngành Y không chỉ là một ngành khoa học mà còn là một ngành “nghệ thuật”. Nghệ thuật giao tiếp, nghệ thuật trong thăm khám, chữa bệnh, nghệ thuật đối nhân xử thế…

Nữ sinh Y khoa dù có đăc thù đến đâu vẫn là con gái, trẻ trung, nhí nhảnh, đáng yêu và biết yêu nghề say đắm

Khó khăn lớn nhất của một sinh viên Y khoa trong quá trình thực hành, trải nghiệm là phải chuẩn bị cho mình một tinh thần đủ vững và luôn có nghị lực vươn lên. Em còn nhớ bạn thân của em lần đầu tiên nhìn thấy máu trong một ca tiểu phẫu đã bị choáng ngã. Thế nhưng bạn ấy không chịu khuất phục mà tìm cho mình cách giải quyết bằng năng đi xem tiểu phẫu, đại phẫu hơn, để có thể quen dần và bây giờ thì bạn đã làm được.

Em nghĩ đó là tâm lý chung của hầu hết các bạn sinh viên Y khoa khi mới bước đầu tiếp xúc với những ca bệnh trong thực tế. Bệnh nhân mới là người đang phải chịu đau và cần sự giúp đỡ của bác sĩ. Đó là lý do để chúng em cố gắng vượt qua mọi trở ngại trong quá trình học tập và thực hành, thực tế tại các bệnh viện.

Hay khi gặp những trường hợp bệnh nhân nặng hoặc tử vong, thầy thuốc luôn phải là người đủ vững ý chí và kìm nén cảm xúc của mình để còn động viên và tạo niềm tin cho người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân. Nhưng thay vào đó, người ngành Y có được niềm hạnh phúc riêng. Đó là niềm vui khi mình chẩn đoán đúng, bệnh nhân được điều trị đúng và kịp thời, là niềm vui chung với niềm vui sum họp của gia đình người bệnh, là niềm hạnh phúc thiêng liêng khi nâng trên tay sinh linh bé nhỏ mới trào đời,...

Mới đi học Lâm sàng ở viện được 2 tháng, em đã nhận thấy thực trạng là một số bác sĩ, y tá tay nghề còn chưa vững. Tuy nhiên em nghĩ, bệnh nhân vào viện đều muốn được chăm sóc tận tình, chu đáo bởi những bác sĩ, y tá có tay nghề cao, nhưng nếu bệnh nhân không dám để cho y sinh có cơ hội thực tập, thăm khám, thì làm sao sinh viên có thế có điều kiện học tập, rèn luyện kĩ càng, chu đáo?

Em mong sao Y học có thể phát triển ở mọi miền trên Tổ quốc, vì không chỉ ở thành phố lớn hay đô thị mới có bệnh nhân nặng, bệnh nhân cần cấp cứu, mà ở nông thôn, miền núi, cũng có rất nhiều bệnh nhân cần đến người thầy thuốc có trình độ cao, có tài và có tâm.

Hè vừa rồi em có đi tình nguyện ở Văn Chấn, Yên Bái, và thấy được sự hạnh phúc, mừng vui, sự đón tiếp niềm nở như nào của bà con khi có đội ngũ y, bác sĩ ở Hà Nội lên tổ chức thăm khám, chữa bệnh. Bà con tâm sự rằng, ở trên đó, muốn đi khám bệnh cũng rất khó khăn vì đường xá xa xôi, cũng không có phương tiện đi lại. Sau này ra trường, nếu có cơ hội, em sẽ về quê hương của mình để công tác và phục vụ nhân dân.

Nhân ngày mùng 8/3, em xin gửi lời chúc tới tất cả các bà, các mẹ, các chị luôn vui vẻ, hạnh phúc, thành công trong cuộc sống. Đặc biệt, chúc các bạn nữ sinh trường Y học tập, rèn luyện tốt, có nhiều niềm vui trong cuộc sống và luôn nở nụ cười trên môi!...”

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại