Sự thật đằng sau chính sách “rút lui êm đẹp” của Mỹ

Tuệ Minh |

Các nhà chỉ trích cho rằng Hoa Kỳ đang cố gắng để tách ra khỏi những vấn đề của thế giới. Tuy nhiên, đây có phải là chính sách mới của Mỹ hay chỉ là câu chuyện “thần thoại” mà Washington đang cố tạo ra?

Có nhiều lời phàn nàn rằng ông Obama đang tìm cách “rút khỏi” hay “tránh xa” cũng như có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ đang thực hiện chính sách rút lui trong êm đẹp trước những rắc rối của thế giới. Song đó chỉ là những dấu hiệu bề nổi, nếu nhìn vào từng khu vực trọng yếu trên thế giới sẽ thấy được “chính sách rút lui” như Mỹ nói có nghĩa là gì.

Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chiến lược “tái cân bằng” của chính qu

yền Obama bao hàm một chiến lược kinh tế, quân sự và ngoại giao rộng lớn hơn so với 8 năm trước. Nó có nghĩa là củng cố mối quan hệ với các đồng minh cốt lõi như Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines, khiến chúng trở nên tốt đẹp hơn như những gì đã có từ hàng thập kỷ trước.

Điều đó cũng có nghĩa là Hoa Kỳ đang tìm kiếm các đối tác mới, như phát triển quan hệ với Ấn Độ và bao gồm cả các quốc gia Đông Nam Á.

Đối với Việt Nam, Lào và cả Myanmar, chính quyền Mỹ đã mở rộng mối quan hệ hợp tác về quân sự, chính trị và kinh tế. Ông Obama cũng đã đàm phán Hiệp định TPP, một trong những thỏa thuận thương mại tham vọng nhất trong lịch sử nước Mỹ nếu được Quốc hội thông qua, giúp tạo ra hàng nghìn việc làm cũng như một thị trường mới cho Hoa Kỳ.

Tất cả những biện pháp này là thực sự cần thiết để Mỹ có thể kiềm chế được sự trỗi dậy của Trung Quốc và xây dựng một cơ sở thực dụng, vững chắc để đối phó với Bắc Kinh.

Xem xét tất cả các chính sách trên, khó có thể nói rằng Mỹ đang thực hiện kế hoạch rút lui khỏi các vấn đề của thế giới.

Sự thật đằng sau chính sách “rút lui êm đẹp” của Mỹ - Ảnh 1.

Mỹ vẫn hiện hữu ở rất nhiều khu vực trên thế giới.  Nguồn: AP 

Ở khu vực Mỹ Latin, Hoa Kỳ đã có một vị thế mạnh hơn trên phương diện các mối quan hệ kinh tế, ngoại giao, chính trị và quân sự so với nhiều thập kỷ trước. So với 8 năm trước, Mỹ được coi là “kẻ bị ruồng bỏ” đối với nhiều quốc gia Mỹ Latin nhưng giờ đây Washington đã tăng cường được mối quan hệ với nửa bán cầu kia.

Và việc bình thường hóa quan hệ với Cuba thực sự đã tạo ra một trang mới cho vị trí lãnh đạo của Mỹ trong khu vực. Liệu đây có thể gọi là sự rút lui?

Hoặc hãy nhìn vào châu Phi, nơi ông Obama đã mở rộng chiến dịch chống khủng bố quan trọng, hỗ trợ tài chính, giúp đỡ huấn luyện quân sự và đặt “dấu chân” tới mọi nơi từ Nigeria tới Libya tới Somalia, cũng như giúp đẩy lùi nạn dịch Ebola, cứu trợ cuộc sống của hàng chục nghìn người châu Phi. Nếu điều này là gọi là sự giảm bớt thì có lẽ Mỹ đã làm “hơi quá tay”.

Còn châu Âu thì sao? Lục địa này đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức bất thường, từ khủng hoảng kinh tế, tới Brexit, khủng hoảng tị nạn, chủ nghĩa dân túy cánh hữu và một Putin hiếu chiến ở nước Nga.

Không một thách thức nào trong số đó là kết quả của việc “rút lui” của Mỹ. Thực tế, Hoa Kỳ đã có một vị thế chính trị tốt hơn tại châu Âu so với một thập kỷ trước, ông Obama là lãnh đạo phổ biến và khá có uy tín tại lục địa này, thậm chí còn có vị thế cao hơn hầu hết các lãnh đạo ngay tại chính các nước châu Âu.

Về mặt kinh tế, Mỹ cũng đang trong quá trình đàm phán một thỏa thuận thương mại mới tham vọng với châu Âu, đó là Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Và về mặt quân sự, Mỹ cũng đang nhanh chóng chuyển đổi tình hình quân sự ở châu Âu, tăng gấp bốn ngân sách quốc phòng tại đây, chuyển các lực lượng mặt đất sang Trung và Đông Âu để đối phó với mối đe dọa từ Nga, lắp đặt các hệ thống phòng vệ tên lửa. Những hành động này không có nghĩa là Mỹ đã làm ít đi.

Đề cập đến các vấn đề rộng lớn hơn như biến đối khí hậu hoặc mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân. Hiệp định về biến đổi khí hậu tại Paris năm ngoái hay các biện pháp tại Hội nghị An ninh hạt nhân sẽ không thể thực hiện được nếu Mỹ “rút lui” khỏi các vấn đề này.

Thực tế, vai trò lãnh đạo của Washington là một chất xúc tác không thể thiếu để đi đến thành công. Như ông Obama đã chỉ ra, khó có thể hình dung được một cuộc họp quốc tế lại thành công nếu Hoa Kỳ không phải là nước đứng ra thiết lập chương trình nghị sự, lên khung kế hoạch hay đi đầu trong các khoản đóng góp.

Trong những khoản này, sẽ không một nước nào tìm đến Moscow hay Bắc Kinh.

Và không thể không nhắc đến Trung Đông, khu vực trọng tâm của sự vô lý trong chính sách rút lui mà Mỹ tuyên bố. Việc Hoa Kỳ xác nhận sẽ rút quân khỏi Trung Đông có thể là một “báo động giả”.

Ví dụ, dấu ấn quân sự của Mỹ ở khu vực lớn hơn rất nhiều so với trước sự kiện 11/9, bao gồm hơn 35.000 binh lính, hàng trăm máy bay chiến đấu, tàu chiến và những loại vũ khí hiện đại nhất thế giới. Sự hợp tác an ninh của Mỹ với các đồng minh Trung Đông ngày càng mạnh hơn.

Washington đã tăng cường hợp tác tình báo và quân sự với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) trong thế kỷ 21 bằng cách nâng cao năng lực chống lại các mối đe dọa hiện đại cũng như khả năng tác chiến cùng nhau. Hoa Kỳ cũng cung cấp cho Israel những trang thiết bị quân sự tối tân nhất và hỗ trợ tài chính hào phóng nhất.

Ngoài ra, Mỹ cũng duy trì mối quan hệ đối tác quân sự độc nhất với Ai Cập bất chấp những chỉ trích từ phía lực lượng cánh tả, cánh hữu kêu gọi Mỹ cắt bỏ mối quan hệ này.

Trong cuộc chiến chống IS, Mỹ lại càng khó có thể thực hiện chính sách rút lui của mình. Hoa Kỳ hiện có 5.000 lính ở Iraq và vài trăm lực lượng đặc nhiệm mặt đất ở Syria. Hoa Kỳ cũng cung cấp hàng trăm tấn đạn dược và vũ khí quân sự hạng nặng cho chính phủ Baghdad và lực lượng người Kurds cũng như tham gia huấn luyện các lực lượng Syria.

Từ tháng 9/2014, dưới thời ông Obama, các lực lượng Mỹ đã tiến hành hơn 11.000 cuộc không kích ở Iraq và Syria, tiêu diệt gần 25.000 phiến quân IS. Liệu đây có được gọi là sự rút lui quân sự?

Vậy tại sao câu chuyện về việc rút lui của Mỹ vẫn còn tồn tại? Có hai lý do có thể kể ra ở đây. Thứ nhất, nó phản ánh những mối lo ngại hợp lý của các đồng minh Mỹ trên khắp thế giới về sự thay đổi mà họ đang phải đối mặt và những mối lo ngại này được phản ánh như thế nào trong phòng hội nghị của Washington.

Các đối tác của Mỹ ở châu Á, châu Âu và Trung Đông đều cảm thấy lo lắng về sự gia tăng bất ổn an ninh trong khu vực và những thách thức liên tiếp từ Trung Quốc, Nga và Iran. Các nước này đều muốn Hoa Kỳ làm nhiều hơn và tất cả đều thể hiện những tham vọng tối đa về những gì Washington có thể làm được và nên làm.

Tuy nhiên, dù Mỹ có những lợi ích to lớn ở tất cả các khu vực này thì Hoa Kỳ cũng không thể làm được tất cả mọi thứ. Vì vậy, theo lý thuyết, Washington sẽ phải khiến cho các đồng minh hiểu ra rằng Mỹ đã cố gắng làm nhiều hơn thế và việc phân phối lợi ích chung giờ đây cần phải được giải quyết một cách khác đi.

Lý do thứ hai nằm ở những bất đồng trong chính sách ngoại giao tại Nhà Trắng. Trong gần 8 năm qua, phe bảo thủ luôn vẽ lên một bức tranh biếm họa cho thấy ông Obama là một người yếu ớt, vô tích sự và ngoại lai.

Đây cũng là một phần trong các chương trình tranh luận của đảng Dân chủ (GOP) suốt một thập kỷ qua khi đảng này bị các học giả miêu tả là “kẻ đứng ngoài nổi loạn”. GOP dường như đã trở thành một cỗ máy tạo ra những câu chuyện “thần thoại” về nước Mỹ.

Quay trở lại thực tế, đối với ông Obama, sức mạnh quân sự vẫn là một yếu tố hết sức cần thiết. Hãy xem xét lại những gì mà Hoa Kỳ đang triển khai ở châu Á, châu Âu và Trung Đông ngày nay. Dưới thời ông Obama, Mỹ đã cách mạng hóa việc sử dụng máy bay không người lái, các lực lượng đặc nhiệm hay vũ khí điện tử như thế nào.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến trong các cuộc tranh luận chính sách ngoại giao cho rằng, khái niệm “tham gia” với tư cách lãnh đạo có nghĩa là Mỹ luôn phải là người đi đầu, một mình và có thể cho nổ tung mọi thứ nếu muốn.

Hay trong lĩnh vực quân sự, sự can thiệp có nghĩa là phải dùng một số lượng lớn binh lính trên mặt đất và mọi gánh nặng sẽ dồn cho 1% dân số Mỹ phục vụ trong quân đội.

Vì vậy, cuộc tranh luận này không phải thực sự là giữa việc “tham gia” hay “không tham gia”, mà đó là việc liệu chính sách nào phù hợp nhất với Mỹ để theo đuổi lợi ích và vai trò lãnh đạo trong tương lai.

Tổng thống Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cùng chia sẻ một quan điểm và phe chỉ trích vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế đứng ở phe còn lại.

Và cộng đồng thế giới cũng bày tỏ sự lo ngại rằng nếu ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump trở thành Tổng thống, thì thế giới sẽ phải theo sau chính sách “nước Mỹ là trên hết” của ông, theo đó sẽ xây dựng những bức tường ngăn cách cao hơn và dài hơn. Nếu điều đó xảy ra, chắc chắn Hoa Kỳ sẽ thực sự rút lui khỏi chính trường quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại