Su-35 chưa thể về Trung Quốc vì... tham lam

Tuấn Vũ |

Thương vụ tiêm kích Su-35 giữa Nga và Trung Quốc vẫn chưa có cái kết có hậu dành cho khách hàng khi 2 bên tiếp tục lộ thêm những khúc mắc mới.

Trang RIA dẫn nguồn tin quốc phòng Nga cho biết, việc nước này chưa thể thực hiện hợp đồng là bởi dòi hỏi quá cao từ phía khách hàng Trung Quốc. Lý do được đưa ra là mỗi chiếc Su-35 được bàn giao, Nga phải kèm theo tới 6 động cơ.

Đây là thông tin khá bất ngờ, tuy nhiên thương vụ Su-35 này còn gây sốc hơn bởi tuyên bố mới đây của Nga rằng, bản hợp đồng chính thức giữa nước này với Trung Quốc vẫn chưa chính thức được ký kết.

Tạp chí National Interest dẫn lời ông Evgeny Buzhinsky, vị tướng về hưu và hiện là Chủ tịch Trung tâm PIR của Nga cho biết:

"Cần phải nói rõ rằng Nga vẫn chưa bán loại vũ khí trên. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực đàm phán với Trung Quốc về thương vụ này. Về cơ bản, Nga và Trung Quốc đã đồng ý một số điều kiện nhất định trong thương vụ mua vũ khí, nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất hợp đồng".

Dù ông Evgeny Buzhinsky không nói cụ thể những khúc mắc khiến 2 bên chưa chính thức ký hợp đồng nhưng theo Vyacheslav Dzirkaln, Phó Giám đốc Cục Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga (FSVTS) bế tắc của hợp đồng chính là việc Trung Quốc yêu cầu thay đổi tham số kỹ thuật Su-35 trước khi chuyển giao.

Trong khi Nga không có ý định thực hiện bất kỳ sự thay đổi lớn nào từ hình dáng tới kỹ thuật của phiên bản Su-35 xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Vyacheslav Dzirkaln cũng khẳng định, các cuộc đàm phán giữa Nga và Trung Quốc về Su-35 sẽ tiếp tục được thực hiện.

Trong khi đó hãng thông tấn TASS dẫn nguồn tin quân sự Nga cho biết, sở dĩ quá trình đàm phán dài như vậy do Nga cũng chưa trang bị đủ loại máy bay tiên tiến này cho không quân nước mình và một vài khúc mắc về giá cả.

Được biết, Nga và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán hợp đồng mua sắm này từ cuối năm 2012, tuy nhiên đến nay việc đàm phán vẫn chưa có hồi kết. Mặc dù vậy, điện Kremlin và chính phủ Trung Quốc đã ký kết một văn bản nhằm bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ nhằm ngăn tình trạng Bắc Kinh sao chép công nghệ trên Su-35.

Việc ký kết này theo nhận định của Buzhinsky, Nga ý thức rõ được việc ký thỏa thuận bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ này có thể không đủ để ngăn tình trạng sao chép công nghệ.

Chính vì vậy, ông này khẳng định Nga sẽ không chuyển giao những công nghệ tối tân nhất của mình cho Trung Quốc mà không đề phòng, trong đó phiên bản Su-35 bán cho Trung Quốc sẽ khác với phiên bản không quân Nga sử dụng.

Ông Buzhinsky nói: "Chúng tôi có phiên bản xuất khẩu và phiên bản dành cho quân đội. Trung Quốc rất giỏi sao chép mọi thứ". Mặc dù vậy, Nga rất tự tin khi cho rằng công nghệ của họ sẽ an toàn, đặc biệt là động cơ quan trọng Saturn AL-41F1S trên Su-35 bán cho Trung Quốc.

"Họ không thể sản xuất các động cơ này. Việc sao chép công nghệ động cơ trên tiêm kích Su-35 gần như không thể bởi họ không có khả năng nắm bắt được công nghệ này", Buzhinsky khẳng định.

Và mặc dù còn đang nhiều khúc mắc, nhưng cả Nga và Trung Quốc từng tuyên bố, hợp đồng bán 24 chiếc Su-35 cho Bắc Kinh đã được 2 bên ký kết. Su-35 là chiến đấu cơ siêu cơ động của Nga, do Viện thiết kế Sukhoi phát triển. Tiêm kích này có năng lực chiến đấu vượt trội so với các thế hệ trước nhờ động cơ và hệ thống điện tử tối tân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại