Su-34 đánh úp khi F/A-18 tiếp nhiên liệu tại Syria

Tuấn Vũ |

Theo Daily Mail, máy bay Su-34 và F/A-18 vừa có màn đối đầu nảy lửa trên không phận Syria thuộc khu vực At-Tanf, gần biên giới với Jordan.

Mỹ bị bất ngờ

Cuộc đối đầu ra giữa các chiến đấu cơ F/A-18 của Mỹ và cường kích Su-34 sau khi các máy bay Nga ném bom căn cứ At-Tanf của lực lượng đối lập Syria do Mỹ ủng hộ, gần biên giới Jordan, Daily Mail dẫn nguồn tin quân sự Mỹ.

Tại thời điểm diễn ra sự cố, một số chiến đấu cơ F/A-18 áp sát và buộc máy bay Nga rời khỏi khu vực nói trên. Nhưng, ngay lập tức các máy bay này lại xuất hiện trở lại và oanh tạc căn cứ trên một lần nữa trong khi các chiến đấu cơ của Mỹ dừng để tiếp nhiên liệu.

Sau vụ việc này, phía Mỹ đã lên tiếng cáo buộc không kích Nga đã làm bị thương nhiều nhân viên y tế đang chăm sóc cho những người bị thương từ lượt không kích thứ nhất.

"Hành động nguy hiểm này cần phải được giải thích. Chính phủ Nga đã mất quyền kiểm soát với lực lượng của họ hoặc đây là sự khiêu khích có chủ ý và chúng tôi muốn có một câu trả lời thích đáng", đại diện quân đội Mỹ tại Trung Đông tuyên bố.

Su-34 đánh úp khi F/A-18 tiếp nhiên liệu tại Syria - Ảnh 1.

Cường kích Su-34 hoạt động tại Syria.

Trước cáo buộc từ phía Mỹ, đại diện quân đội Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết, họ hoàn toàn không tấn công vào lực lượng do Mỹ hậu thuẫn vì Washington không nói phải tránh ném bom tại khu vực đó.

Tướng Konashenko đã chỉ trích Mỹ về việc không chia sẻ thông tin về nơi đóng quân của các lực lượng khác nhau tại Syria bất chấp những lời đề nghị của Nga trong nhiều tháng qua.

Cán cân sức mạnh

Được biết, chiến đấu cơ Su-34 và F/A-18 đều là những chiến đấu cơ mạnh nhất hiện nay của Không quân Nga và Mỹ. Tuy nhiên, công năng thiết kế của chúng lại khác nhau. Trong khi Su-34 mạnh về tấn công mặt đất thì F/A-18 thuộc dòng chiến đấu cơ đa năng. Nhưng không phải vì vậy mà Su-34 chịu lép vế.

- Theo giới thiệu của Không quân Nga, dù nhiệm vụ chính của Su-34 là tấn công mặt đất nhưng dòng máy bay này sở hữu khả năng không chiến cực mạnh. Cụ thể, kể từ cuối năm 2015, khi Su-34 tham gia không kích IS tại Syria, máy bay này đã được lắp tên lửa đối không cực mạnh cho Su-34, và quyết định này khiến Mỹ lo lắng.

"Các máy bay ném bom Su-34 cất cánh làm nhiệm vụ tại Syria không chỉ mang bom OFAB-500 và bom chỉnh hướng trên không KAB-500, chúng còn mang cả tên lửa đối không tầm ngắn và tầm trung", phát ngôn viên lực lượng Không quân – Vũ trụ Nga, Đại tá Igor Klimov cho biết.

Dù phát ngôn viên Igor Klimov không tiết lộ loại tên lửa nào bắt đầu được lắp đặt trên Su-34 nhưng căn cứ vào chủng loại vũ khí được trang bị cho dòng chiến đấu cơ này cho thấy, đây chính là tên lửa đối không R-73 và R-77.

R-77 có thiết kế khí động học rất đặc biệt với 4 cánh dạng chữ nhật vát đầu cùng với 4 cánh nhỏ hơn dạng "mắt cáo" phía đuôi tên lửa.

Về cơ chế tìm diệt, trong pha đầu sau khi được phóng, R-77 bay theo quán tính với dữ liệu về mục tiêu được cập nhật từ radar của máy bay phóng (như vị trí thay đổi hay G-load của mục tiêu). Đến pha cuối, R-77 sẽ chuyển sang dùng radar chủ động của chính nó.

Khi tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách ngắn, R-77 sẽ kích hoạt chế độ "chủ động", radar của tên lửa sẽ lưu giữ thông tin mục tiêu đã được tính toán để sử dụng phòng trường hợp mục tiêu thoát khỏi "khóa chết". Nếu đầu dò bị gây nhiễu, R-77 lại chuyển sang chế độ thụ động và lần tìm theo nguồn phát nhiễu để tiêu diệt.

Khi công kích các mục tiêu không có khả năng cơ động tốt bay ở độ cao lớn trong trạng thái đối đầu, R-77 (RVV-AE) có thể bắn từ cự ly 100 km, đầu dò radar chủ động của tên lửa có tầm hoạt động 20 km. Ở tầm ngắn, R-77 tiêu diệt được mục tiêu có khả năng cơ động kinh hoàng.

Ngoài 2 dòng tên lửa R-73 và R-77, cường kích Su-34 có thể mang được hầu hết các loại tên lửa đối không hiện có trong Không quân Nga.

- Với khả năng không chiến của Su-34, chiến đấu cơ này có thể chiến đấu sòng phẳng với bất cứ dòng tiêm kích đánh chặn nào mạnh nhất hiện nay, kể cả F/A-18 của Mỹ với kho vũ khí lên tới 8 tấn.

Tiêm kích F/A-18 Hornet (gồm các phiên bản A/B/C/D), trong đó A/B chính thức đưa vào sử dụng trong quân đội Mỹ vào năm 1978, còn phiên bản nâng cấp F/A-18 Super Hornet (tức F/A-18 E/F) bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ năm 1999 và hiện vẫn là xương sống của lực lượng hải quân Mỹ.

F/A-18 Super Hornet được thiết kế cho khả năng tấn công cả ngày lẫn đêm với hệ thống dẫn đường chính xác, có thể thực hiện các nhiệm vụ giành ưu thế trên không, hộ tống, hỗ trợ mặt đất, tấn công tiêu diệt hệ thống phòng không đối phương, tấn công trên biển, do thám…

Về hỏa lực, F/A-18 Super Hornet sở hữu kho vũ khí khổng lồ, với 11 giá treo trên cánh và giữa thân (F/A-18 Hornet có 9 giá treo) cho phép F-18 mang tải trọng 8 tấn vũ khí bên ngoài. Nó có thể sử dụng được nhiều loại bom, tên lửa cho đủ các nhiệm vụ đối không, đối hải và đối đất, tác chiến điện tử…

Trong nhiệm vụ đối không, F-18 được trang bị một khẩu pháo 6 nòng 20mm ở mũi máy bay cùng các tên lửa không đối không như AIM-9 Sidewinder, AIM-120 AMRAAM... Trong nhiệm vụ chống tàu mặt nước nó có thể mang tên lửa chống hạm AGM-84 và có thể cả tên lửa chống radar AGM-88 HARM.

Trong tác chiến tấn công mặt đất, F-18 có thể được lắp đặt tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick, AGM-154 JSOW, AGM-158 JASSM, AGM-84 SLAM-ER và mang được nhiều loại bom, từ "bom ngu" tới "bom thông minh".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại