Việt Nam "già hóa" dân số nhanh nhất thế giới, nên khuyến khích sinh đẻ

N.Huyền |

Việt Nam là một trong những nước già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực châu Á, cùng với Thái Lan…

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng đến lúc chúng ta phải điều chỉnh chính sách dân số

Đã đến lúc điều chỉnh chính sách dân số

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo Đối thoại chính sách với các đại biểu quốc hội về Dân số và Phát triển do Ủy ban các vấn đề xã hội quốc hội phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc tổ chức ngày 4/6.

Với tư cách chủ trì cuộc hội thảo, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho biết, sau 12 năm nước ta thực hiện pháp lệnh dân số đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Mức sinh tại một số địa phương đã xuống thấp.

Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, Tổng Cục Dân số đã phải kêu gọi các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, tình trạng này tiếp tục diễn ra tại một số tỉnh thành khác.

Việt Nam là một trong những nước già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực châu Á, cùng với Thái Lan… Vì thế, theo bà Mai, đã đến lúc chúng ta cần điều chỉnh chính sách dân số, đặc biệt là mức con mỗi bà mẹ được sinh.

“Kinh nghiệm Hàn Quốc, Nhật Bản giảm quá sâu không phục hồi được, giảm đến mức nào, thời điểm nào dừng lại để không lặp lại câu chuyện của Hàn Quốc, Nhật Bản” – bà Mai nói.

Thẳng thắn trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tân, Quyền tổng cục Tổng cục Dân số cho biết: Trong suốt 50 năm qua chúng ta chủ yếu tập trung xử lý quy mô dân số tăng quá nhanh, làm thế nào giảm mức sinh đang quá cao xuống thấp.

Kết quả là đã tránh sinh được gần 20 triệu người trong 20 năm.  Mục tiêu đặt ra là đạt mức sinh thay thế 2015; nhưng đến năm 2006 đã cán đích. Theo đó,10 năm qua vẫn duy trì ở mức sinh trung bình 2,1 con.

Theo ông Nguyễn Văn Tân vấn đề đặt ra là liệu chúng ta có nên tiếp tục chính sách giảm sinh mạnh như những năm vừa qua hay không? Hay thay đổi chính sách bằng cách khuyến khích mọi người sinh thêm.

“Sau nhiều cuộc thảo luận lấy ý kiến của các chuyên gia phân tích, tranh cãi đến giờ chưa ngã ngũ.

Chúng tôi tạm thời chọn phương án duy trì mức sinh như hiện nay (2,1 con) thì quy mô dân số cũng chỉ xung quanh mốc 112 triệu người vào năm 2049 như vậy tốc độ già hóa sẽ chậm lại một chút so với phương án mức sinh thấp (1,84 con)” – ông Tân nói.

Sở dĩ đưa ra phương án này, theo ông Tân là do Việt Nam là một trong số ít các nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, xử lý mức sinh thấp và già hóa dân số khó hơn nhiều xử lý từ cao xuống thấp.

Chưa có nước nào đủ sức thành công trong việc đưa mức sinh thấp lên cao. Thực tế đã chứng minh như ở Trung Quốc và Nhật Bản…khi người dân đã ý thức được lợi ích của việc sinh ít con thì việc khuyến khích sinh nhiều con là không hề dễ.

“Có ý kiến cho rằng không cần kiểm soát mức sinh, cũng không cần kiểm soát quy mô dân số, nhưng tôi nghĩ  vẫn phải tiếp tục kiểm soát nhưng làm thế nào cho phù hợp mà thôi”- ông Tân nhấn mạnh.

Việt Nam không cần phải giảm sinh

Tại hội nghị nhiều đại biểu cũng chỉ ra rằng mức sinh, mức tử và di cư là các yếu tố cơ bản có tác động đến tăng trưởng dân số và phát triển. Đặc biệt, mức sinh và mức chết tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng dân số tự nhiên.

Dường như không đồng tình quan điểm của Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số bà Ritsu Nacken, Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết số liệu từ các cuộc điều tra dân số quốc gia ở Việt Nam cho thấy mức sinh đã liên tục giảm và đạt mức dưới mức sinh thay thế trong gần 10 năm qua, kể từ năm 2005.

Điều này có nghĩa là đã đến lúc chính phủ phải chuyển trọng tâm của chính sách dân số từ kiểm soát sinh sang việc cân nhắc ở mức độ rộng hơn về dân số và phát triển.

Vị đại diện UNFPA cũng cho hay một đặc điểm nổi bật khác của nhân khẩu học Việt Nam là vấn đề già hóa dân số. Mặc dù Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng, nhưng cũng chính thức bước vào “giai đoạn già hóa” từ năm 2011.

Đây là kết quả của việc mức sinh và mức chết đều giảm và tuổi thọ cao hơn. Việt Nam là một trong số các quốc gia già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực. Năm 2013, tỷ lệ người cao tuổi trên tổng số dân số đã tăng lên tới 10.5%.

Trước những con số trên bà Ritsu Nacken cho rằng Việt Nam không cần phải tiếp tục chính sách giảm mức sinh hay kiểm soát dân số nữa.

Bởi xu hướng giảm Tổng tỷ suất sinh là rõ ràng và không thể đảo ngược lại cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.

Nếu Việt Nam cứ tiếp tục duy trì chính sách kiểm soát này thậm chí sẽ có tác động ngược lại tới sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

“Dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia khác, đã đến lúc Việt Nam cần phải chuyển trọng tâm của chính sách dân số từ kiểm soát sinh sang việc lồng ghép các biến số dân số vào quá trình lập kế hoạch phát triển”- Bà Ritsu Nacken nhấn mạnh.

Ngoài ra, bà Ritsu Nacken cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới nên cho phép mỗi cá nhân và từng cặp vợ chồng có quyền quyết định tự do và có trách nhiệm về số con.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại