“Thần y” thôn Dỗi

Bây giờ thì ông Hồ Sự - người dân tộc Cơ Tu ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được người dân không chỉ trong làng yêu mến, khâm phục gọi là “thần y”, với thâm niên hơn 50 năm chữa bệnh cứu người.

Với tâm niệm “nhà nhà có vườn thuốc nam, người người biết dùng thuốc nam”, ông Sự đã dày công sưu tầm và lập ra vườn cây thuốc đầu tiên và duy nhất ở huyện miền núi Nam Đông nhằm mục đích giúp đỡ người ốm đau khi họ cần.

Vóc người đậm thấp và tay chân cuồn cuộn cơ bắp, đúng chất của người miền núi, nhìn ông Sự, không ai ngờ được là năm nay ông đã 67 tuổi.

Ông Sự ở trong một ngôi nhà cấp bốn, nằm lẩn khuất giữa vườn cây sum sê. Tuy vậy, nhà ông luôn gây ấn tượng mạnh với bất kể ai ngang qua, bởi đập vào mắt người xem là những tấm bảng tên nhỏ nhắn được gia chủ gắn trên mỗi thân cây.

“Quầy thuốc” tự nhiên

Ông Sự nói vườn nhà mình là một “quầy thuốc” tự nhiên, miễn phí và lý giải về việc đeo “bảng tên” cho cây: “Già đeo bảng tên cho cây là để phòng khi mình vắng nhà, ai cần hái thuốc vẫn có thể nhìn vào đó tự hái”.

Ông Sự cho biết, mình sưu tầm cây thuốc đã lâu và chính thức lập vườn thuốc cách đây 15 năm. “Hồi đó, người dân đau ốm chỉ biết dựa vào rừng thôi chứ lấy đâu thuốc thang như bây giờ.

Thấy bà con cực khổ, mỗi lần đau lại chạy vào rừng tìm thuốc nên tôi mới tìm chúng đem về trồng giữa làng” - ông nói. Việc làm tốt bụng của ông đơn giản chỉ xuất phát từ lòng thương người đơn thuần, không chút vụ lợi.

Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn thuốc rộng hơn 500m2, ông Sự tự hào cho biết đến nay khu vườn có đến 300 cây thuốc nam khác nhau.

Theo như lời ông Sự thì “quầy thuốc” tự nhiên này thừa khả năng chữa khỏi những bệnh thông thường như: Xương khớp, hen suyễn, ho khan, đau dạ dày hay các bệnh phụ nữ, bệnh đàn ông...

Ông chỉ cho tôi từng loại cây: “Đây là cây tà vấn có tác dụng bổ máu, thông huyết; đây là cây khôi tía có tác dụng chữa đau dạ dày, điều trị khớp. Hay như cây địa liên này có tác dụng cứu sống đàn ông khi bị “thượng mã phong” bằng cách giã tươi cho uống kết hợp đả thông huyệt đạo.

Đây là lá cây khôi tía trắng, đem sắc lấy nước uống dùng chữa bệnh đau gan, viêm đường ruột, đau dạ dày. Đây là cây gà vượt có tác dụng cầm máu rất tốt. Còn đây là cây chuông, lấy vỏ ủ lên men chiết nước uống giúp sáng mắt, bổ phổi, mát gan...”.

Để có được vườn thuốc, ông đã phải lặn lội vào tận rừng sâu, đến tận thác Kazan giáp đất Lào tìm kiếm. Chuyện băng rừng sang các tỉnh bạn như Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình săn tìm cây thuốc đều như “cơm ngày ba bữa”.

Hễ nghe tiếng vùng nào có thầy lang giỏi, ông lại tìm đến xin học bằng được bài thuốc. Có những cây thuốc quý người ta không đồng ý tiết lộ, ông Sự lại dùng mẹo để “cướp bản quyền”.

Ông kể: “Mỗi lần đến nhà các thầy thuốc, già luôn tìm đủ cách nhìn khu vườn nhà họ. Đã là thầy thuốc ắt phải trồng cây thuốc. Già đặc biệt chú ý đến những cây lạ, cây nào chưa biết thì ngắt trộm vài chiếc lá về xem, sau đó vào rừng tìm hoặc hỏi các thầy thuốc khác”.

Bất chợt ông im lặng, đốt một điếu thuốc rồi nhìn tôi cười tinh ranh: “Bí quyết để săn tìm cây thuốc nam của già là tới mô cũng lân la hỏi han những bậc già làng, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi, bởi phụ nữ vùng cao thường có nhiều tài lẻ chăm sóc sức khỏe gia đình.

Đặc biệt họ biết nhiều về cây thuốc hơn so với đàn ông”.

Ông khoe nhiều năm nay, vườn cây thuốc nam của mình còn là địa chỉ thực nghiệm, tham quan của sinh viên các trường cao đẳng, đại học liên quan đến y - dược trên địa bàn Thừa Thiên - Huế.

Nhiều trường học, trạm y tế cũng đến xin đem cây thuốc từ khu vườn về trồng tại cơ sở phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy.

Ông Hồ Sự trong “quầy thuốc” tự nhiên của mình. Ảnh: T.M
Ông Hồ Sự trong “quầy thuốc” tự nhiên của mình. Ảnh: T.M

“Hồ Sự quyết tâm loại trừ bệnh tật…”

Không chỉ có “quầy thuốc” tự nhiên, ông Sự còn nổi tiếng bởi sự mát tay. Bao năm nay ở thôn Dỗi và nhiều địa phương lân cận của huyện Nam Đông, hễ đau ốm người ta lại đến nhà nhờ ông Sự chữa giúp và ông không bao giờ lấy của ai một đồng nào.

Không những không mất tiền, các bệnh nhân còn được ông Sự chăm sóc ân cần, chu đáo.

Điều mà người bệnh khâm phục nhất ở ông Sự là trước khi sử dụng bất kỳ cây thuốc nào, ông đều lấy chính thân mình làm thử nghiệm. Nếu cây thuốc có hiệu quả và không gây tác hại gì, ông mới cho người khác uống.

Ông giải thích: “Làm nghề thuốc cần đặt tính mạng người bệnh lên cao nhất, mình có mất mạng cũng không sao, chứ chữa bệnh làm người ta chết thì tội lỗi nặng lắm, Giàng (trời) sẽ quở trách suốt đời”. Bởi vậy, người thôn Dỗi ưu ái gọi ông Sự là “thần y”.

Nghe tôi nhắc chuyện này, ông Sự cười ngại ngùng: “Thần y thần yếc chi già. Già chỉ là ông lang vườn thôi”. Rồi ông kể về cơ duyên đưa mình đến với nghề y: “Bố của già làm nghề y, đến cuối đời truyền nghề lại cho già.

Trước lúc chết, bố già dặn chữa bệnh không được nhận tiền của dân bản. Bố già nói phải có đạo đức mới làm được nghề thuốc, nên già cứ rứa làm miết tới nay thôi”.

Một trong những nguyên tắc chữa bệnh của ông Sự là bệnh nhân phải có kết luận, chẩn đoán của bác sĩ. “Già căn cứ vào đó để lượng ước khả năng của mình tới đâu.

Những bệnh nan y quá tầm già thì già thẳng thắn từ chối và khuyên người bệnh đến các trung tâm y tế, bệnh viện giỏi hơn” - ông nói.

Tuy nhiên, nếu người bệnh muốn hỗ trợ điều trị bổ sung bằng thuốc nam thì ông sẵn sàng tìm giúp thuốc, hướng dẫn kỹ lưỡng cách dùng thuốc.

Những ai ở xa, chỉ cần gọi điện thoại là ông nhiệt tình tìm thuốc sao khô đem ra bưu điện gửi giúp, mỗi thang thuốc ông lấy 30.000 đồng. “Tiền đó dùng để thanh toán cước cho bưu điện. Già chỉ có công, có thuốc chứ tiền già không nhiều, lại phải nuôi con ăn học” - ông nói.

Nhắc chuyện nuôi con ăn học, bỗng nhiên giọng ông Sự chùng xuống, rồi im lặng, mắt nhìn xa xăm. Mãi lâu ông mới nói: “Già lại nhớ vợ già. Vợ già đã bị bệnh tim cướp đi mạng sống vào năm 2003, lúc mới 41 tuổi.

Vợ già bị bệnh nặng lắm, nhưng không có tiền để về bệnh viện dưới Huế chữa trị. Già đã tìm mọi loại cây thuốc, nhưng cũng chỉ giúp bà ấy sống thêm được 10 năm kể từ khi phát bệnh thôi”.

Ông Sự nói chính hình ảnh người vợ quằn quại trên giường bệnh là một trong những nguyên nhân thôi thúc ông phải lập vườn, tìm tòi các cây thuốc để chống lại bệnh tật quái ác làm khổ dân bản. “Từ khi vợ già mất, già đã dành hết thời gian, công sức cho vườn thuốc nam và chữa bệnh cho dân bản chứ không làm việc gì khác” - ông nói.

Dù đang sở hữu vườn cây thuốc nam “đồ sộ”, nhưng ông Sự vẫn chưa thể thoả lòng: “Vẫn còn hơn 200 cây thuốc nữa già biết công dụng của nó, nhưng tìm chưa ra.

Già sẽ tiếp tục tranh thủ thời gian vào rừng sâu tìm thêm vài chuyến nữa. Phải tranh thủ chứ dạo này già thấy sức mình yếu lắm rồi...”.

Tiễn tôi ra ngõ giữa trưa đứng bóng, ông Sự không vào nhà ngay mà nán lại, tranh thủ đảo lá thuốc đang phơi trước sân. Ông vừa đảo thuốc vừa cười sảng khoái, rồi nói vọng theo tôi: “Hồ Sự chỉ sợ chết chứ không sợ đau. Hồ Sự sẽ giúp dân bản loại trừ bệnh tật...”.

Chữa bệnh gút bằng củ một. Ông Hồ Sự còn có khả năng chữa bệnh gút - một căn bệnh được cho là “nan y” bây giờ.

Ông Sự nói, trong dân gian có rất nhiều bài thuốc chữa gút hoàn toàn bằng thảo dược, đem lại hiệu quả tốt và một trong những bài thuốc đó là dùng củ một (có nơi gọi là củ bình vôi vì có hình dáng giống chiếc bình vôi) thái nhỏ sắc lấy nước uống.

“Già đã chữa khỏi bệnh gút cho rất nhiều người không chỉ ở Nam Đông, dưới Huế mà còn ở nhiều địa phương khác” - ông Sự khoe.

Rồi ông hướng dẫn cụ thể về cách thức sử dụng củ một: Trước tiên phải chọn được củ lâu năm, ít nhất là củ có trọng lượng trên 2kg. Sau đó dùng dao thái mỏng củ phơi khô, đem ngâm rượu hoặc sắc lấy nước uống hằng ngày.

Mỗi thang thuốc chỉ nên sắc lấy nước tối thiểu 2 lần thì bỏ.

“Trong quá trình điều chế thuốc cần lưu ý đến nguyên tắc hạ thổ, tức sau khi sao khô thuốc bằng lửa phải rải thuốc ra nền đất đảo trộn để lá thuốc hấp thụ khí đất, hiệu quả sẽ tốt hơn gấp nhiều lần” - ông nói.

Theo ông Sự thì điều trị bệnh gút phải kết hợp cả trong lẫn ngoài. Vừa uống nước thuốc vừa phải dùng củ tươi đã giã nát xoa bóp hoặc bó lên cơ thể đều đặn mỗi ngày, kiên trì điều trị trong vòng 3 tháng sẽ khỏi dứt bệnh.

Ngoài ra trong quá trình chữa trị gút, người bệnh đặc biệt chú trọng đến chế độ ăn uống, tốt nhất là ăn nhiều rau quả, kiêng né những thức ăn giàu chất béo.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại