Soi vũ khí trên chiến hạm Trung Quốc thăm Cam Ranh

2 trong số 3 chiến hạm Trung Quốc vừa ghé thăm cảng Cam Ranh là tàu hộ vệ hạng nặng thuộc lớp Type 054A tiên tiến, 1 chiếc thuộc loại tàu bổ trợ hậu cần cỡ lớn.

Tin cho biết, ngày 22/10, biên đội tàu chiến của Trung Quốc bao gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa Type 054A là 529 “Châu Sơn” và 531 “Tương Đàm” cùng tàu bổ trợ hậu cần Type 903A mang số hiệu 890 “Sào Hồ” sẽ ghé thăm cảng Quốc tế Cam Ranh của Việt Nam.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Hải quân Trung Quốc đến cảng Quốc tế Cam Ranh, còn trước đó, mặc dù cảng Quốc tế Cam Ranh mới được đưa vào sử dụng hồi tháng 3 năm nay nhưng nó đã kịp đón hàng loạt tàu chiến của hải quân các nước Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Pháp…

Được biết, biên đội tàu này thuộc biên chế của Hạm đội Đông Hải-Trung Quốc, bao gồm 750 sĩ quan và thủy thủ, do Tham mưu trưởng hạm đội này dẫn đầu, vừa hoàn thành đợt hộ tống hàng hải lần thứ 23 ở khu vực vịnh Aden/Somalia (vùng sừng châu Phi) trở về nước.

Tên đường về, biên đội tàu Trung Quốc đã tiến hành ghé thăm hàng loạt cảng của các nước Đông Nam Á như: Myanmar, Malaysia, Campuchia, Việt Nam… Chuyến thăm cảng Quốc tế Cam Ranh của Biên đội Hộ hàng số 23 Trung Quốc sẽ kéo dài trong 5 ngày, từ ngày 22/10 đến 26/10.

Nhìn chung, 2 tàu hộ vệ thuộc Type 054A là loại tàu hộ vệ hạng nặng thế hệ mới nhất của hải quân Trung Quốc, được trang bị tuy không quá mạnh nhưng khá toàn diện. Còn tàu hậu cần lớp Phúc Trì có thể đảm bảo lượng nhu yếu phẩm cho các tàu này hoạt động viễn dương trong khoảng thời gian từ 4-6 tháng.

Tàu hộ vệ tên lửa hạng nặng Type 054A

Type 054A là loại tàu hộ vệ tên lửa thế hệ mới nhất thuộc lớp Giang Khải II của Trung Quốc. Loại chiến hạm hạng nặng này có chiều dài 134m, rộng 16m, mớn nước 5m, lượng giãn nước đầy tải 4300 tấn, tốc độ tối đa 29 hải lý/h, phạm vi hoạt động 3800 hải lý, với thủy thủ đoàn 190 người.

Soi vũ khí trên chiến hạm Trung Quốc thăm Cam Ranh - Ảnh 1.

Tàu hộ vệ tên lửa số hiệu 531 Tương Đàm thuộc Type 054A được trang bị tên lửa phòng không thẳng đứng HHQ-16

Hệ thống trang bị, vũ khí chính trên tàu bao gồm: 1 bệ pháo 100 mm, 4 hệ thống pháo bắn nhanh tầm gần AK-630, 2 hệ thống tên lửa chống hạm YJ-83, hệ thống phóng tên lửa phòng không thẳng đứng với 32 ống phóng loại HHQ-16, 1 máy bay trực thăng chống ngầm Z-9C…

Tên lửa chống hạm YJ-83, được Trung Quốc chế tạo trên cơ sở công nghệ thập niên 70 thế kỷ trước của Nga. Loại tên lửa này có chiều dài 6,392m, đường kính 0,36m, trọng lượng 715 kg, tầm bắn tối đa chỉ đạt 120km, với vận tốc cận âm, 30km cuối bay với vận tốc siêu âm 1,3-1,5Mach.

Tên lửa YJ-83 có sức công phá không cao, chỉ tính riêng tầng đẩy của nó đã nặng tới 530kg nên đầu nổ vẻn vẹn 165kg, sức công phá thấp, trong khi các loại tên lửa chống hạm hiện đại có đầu nổ thông thường ít nhất là 200kg, thậm chí có loại đầu nổ tới 450kg.

Do được chế tạo theo công nghệ cũ nên khả năng dẫn đường, điều khiển của YJ-83 được cho là kém hiện đại, kết hợp với các yếu tố tốc độ bay chậm, tầm bắn ngắn, sức công phá kém nên tên lửa này được đánh giá là hiệu quả không cao, mặc dù đang được trang bị đại trà trên các chiến hạm của Trung Quốc.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung HHQ-16 (Hải Hồng Kỳ-16) trang bị cho Type 054A là phiên bản trên hạm của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung lục quân HQ-16 (Hồng Kỳ-16).

Theo Jane's, loại tên lửa này có chiều dài 2,9m, đường kính thân 0,232m, trọng lượng 165kg, đầu nổ 17kg, vận tốc 2,8Mach (khoảng trên 3000km/h). Tên lửa có độ cao đánh chặn lý thuyết là 18km, tầm phóng tối đa là 40km với mục tiêu bay, từ 3,5-18km với tên lửa hành trình.

Tuy được mệnh danh là loại tên lửa phòng không tầm trung nhưng các chuyên gia phương Tây đánh giá độ cao đánh chặn của HHQ-16 chỉ có hiệu quả trên dưới 10km, tầm bắn hiệu quả 30km, xét thực tế thì nó chỉ nhỉnh hơn một chút so với tên lửa phòng không tầm gần.

Với những tính năng như trên, mặc dù Trung Quốc đã nhiều lần mang ra chào bán nhưng loại tàu hộ vệ này của Trung Quốc hiện vẫn chưa nhận được đơn đặt hàng chính thức nào, ngay cả một số đối tác truyền thống như Thái Lan hay Pakistan cũng từ chối 054A.

Tàu bổ trợ Hậu cần lớp Thiên Đảo Hồ (Phúc Trì)

Còn 890 Sào Hồ là tàu bổ trợ hậu cần thuộc Type 903A, lớp Thiên Đảo Hồ (NATO định danh lớp Phúc Trì). Đây là lớp tàu hậu cần viễn dương của hải quân Trung Quốc, được phát triển trên cơ sở tàu Type 908, nhằm xây dựng năng lực tác chiến viễn dương cho hạm đội hải quân “nước xanh” của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại