Số phận chung của 9 quan chức Mỹ nói 'không' với Tổng thống Trump

Thùy Dương |

Trước khi Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen bị Tổng thống Donald Trump sa thải, có rất nhiều quan chức Mỹ cũng chung số phận. Điểm chung của họ là đều từng nói “không” với mệnh lệnh của ông chủ Nhà Trắng.

Cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen

Theo kênh CNN, hai tuần trước khi bị sa thải khỏi ghế Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, bà Kirstjen Nielsen đã từ chối thực hiện lệnh đóng cửa biên giới Mỹ với Mexico ở khu vực El Paso mà ông Trump đưa ra. Bà nói với Tổng thống rằng động thái đóng cửa biên giới sẽ là “một ý tưởng tồi, thậm chí là nguy hiểm và Thống đốc bang Texas là ông Greg Abbott đã rất ủng hộ Tổng thống”.

Cuối cùng, Tổng thống Trump bỏ ý định đóng cửa biên giới ở El Paso, mặc dù ngay sau đó ông đã đăng Twitter nói về việc đóng cửa toàn bộ biên giới Mỹ-Mexico. Ông cũng từ bỏ cả ý định này.

Cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson

Số phận chung của 9 quan chức Mỹ nói không với Tổng thống Trump - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: EPA/TTXVN

Ông Tillerson từng nói: “Khi Tổng thống bảo ‘Đây là điều tôi muốn làm và đây là cách tôi muốn làm điều đó’, tôi sẽ phải nói với ông ấy: ‘Thưa Ngài Tổng thống, tôi hiểu ngài muốn làm gì, nhưng ngài không thể làm cách đó. Cách đó vi phạm luật. Vi phạm hiệp ước’”.

Ông Tillerson bị Tổng thống Trump sa thải ngày 13/3 qua một thông báo trên Twitter: “Mike Pompeo, Giám đốc CIA, sẽ trở thành Ngoại trưởng mới của chúng ta. Ông ấy sẽ làm việc tuyệt vời. Cảm ơn ông Rex Tillerson vì đã phục vụ”.

Lý do sa thải là do bất đồng giữa hai người về một số vấn đề đối ngoại quan trọng như Triều Tiên, thỏa thuận hạt nhân Iran…

Cựu Giám đốc FBI James Comey

Số phận chung của 9 quan chức Mỹ nói không với Tổng thống Trump - Ảnh 2.

Cựu Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ James Comey. Ảnh: AP

Ông James Comey bị sa thải ngày 19/5/2017. Theo lý do mà Nhà Trắng đưa ra, ông Comey bị sa thải vì nhiều thành viên Cục Điều tra Liên bang không ủng hộ ông. Tuy nhiên, báo chí Mỹ phân tích một số lý do khác, trong đó có việc ông Comey thúc đẩy cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ - cuộc điều tra mà Tổng thống Trump luôn phản đối và coi là “săn phù thủy”.

Ông Comey nhớ lại một cuộc gặp riêng với Tổng thống Trump năm 2017 tại Nhà Trắng, trong đó Tổng thống Trump nói với ông Comey: “Tôi hi vọng Ngài có thể đồng ý bỏ qua chuyện này, bỏ qua cho ông Flynn. Ông ấy là người tốt. Tôi hi vọng ông có thể bỏ qua chuyện này”. Ông Michael Flynn khi đó là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và bị điều tra về việc nói dối về các lần liên lạc với phía Nga.

Khi Tổng thống Trump nói như vậy, ông Comey cho biết ông đã đồng ý rằng Flynn là người tốt nhưng không hứa chấm dứt điều tra ông này.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis

Số phận chung của 9 quan chức Mỹ nói không với Tổng thống Trump - Ảnh 3.

Ông Mattis khi còn là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Trump muốn ông Mattis thực hiện việc rút binh sĩ khỏi Syria. Tuy nhiên, ông Mattis đã từ chối và từ chức. Trong bức thư xin từ chức, ông Mattis cho biết mình rời chức vụ để Tổng thống Trump có một người đứng đầu Lầu Năm góc có quan điểm tương đồng hơn với ông.

Khi ra quyết định rút quân khỏi Syria, Tổng thống Trump đã bỏ qua khuyến cáo của nhiều cố vấn, trong đó có ông Mattis. Trong khi Lầu Năm góc và Bộ Ngoại giao cho rằng cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo chưa kết thúc thì Tổng thống Trump lại tuyên bố lý do rút quân là đã chiến thắng khủng bố tại Syria.

Ông Mattis đã thuyết phục Tổng thống Trump bỏ ý định rút quân nhưng bất thành.

Cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly

Số phận chung của 9 quan chức Mỹ nói không với Tổng thống Trump - Ảnh 4.

Ông John Kelly. Ảnh: Getty Images

Theo CNN, ông Kelly liên tục bất đồng với Tổng thống Trump. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Los Angeles Times, ông Kelly cho biết Tổng thống Trump thường hối thúc ông vượt ranh giới pháp lý để thực hiện vai trò. Ông kể: “Tổng thống thường hỏi những thứ như ‘Tại sao chúng ta không thể làm cách này?”

Theo một số nguồn tin, mâu thuẫn giữa Tổng thống Trump và ông Kelly dâng cao sau khi cuốn sách “Fear: Trump in the White House” (Nỗi sợ: Trump trong Nhà Trắng) được phát hành tháng 9/2018.

Trong cuốn sách, ông Kelly được mô tả là một trong những người ở Nhà Trắng hoài nghi năng lực điều hành của Tổng thống Trump. Ông Kelly cũng coi việc của mình là tồi tệ nhất. Sau đó, ông Kelly có phản bác lại cuốn sách nhưng cũng ra đi sau 16 tháng làm chánh văn phòng Nhà Trắng.

Cựu cố vấn Nhà Trắng Don McGahn

Số phận chung của 9 quan chức Mỹ nói không với Tổng thống Trump - Ảnh 5.

Ông Don McGahn. Ảnh: AFP

Tháng 6/2017, Tổng thống Trump đã ra lệnh cho ông McGahn sa thải công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Ông McGahn đã từ chối và cho biết ông sẽ từ bỏ vị trí nếu Tổng thống Trump làm như vậy.

Cựu cố vấn kinh tế trưởng Gary Cohn

Số phận chung của 9 quan chức Mỹ nói không với Tổng thống Trump - Ảnh 6.

Gary Cohn khi còn là cố vấn kinh tế trong cuộc họp báo ở Washington ngày 28/9/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Cohn là tiếng nói phản đối Tổng thống Trump mạnh mẽ khi ông Trump có ý định áp thuế cao với thép và nhôm nhập khẩu. Sau đó, khi Tổng thống Trump quyết định thực hiện kế hoạch, ông Cohn đã từ chức.

Cựu Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster

Số phận chung của 9 quan chức Mỹ nói không với Tổng thống Trump - Ảnh 7.

Ông McMaster. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo một nguồn tin của CNN, Tướng McMaster từng bị Tổng thống Trump chê là “cộc cằn và trịnh thượng” trong các cuộc họp cung cấp thông tin. Tổng thống Trump từng ngắt lời ông McMaster trong một cuộc họp dài lê thê: “Nhìn ông này xem, ông ấy thật quá nghiêm trọng”.

Theo Tổng thống Trump, ông McMaster cũng là người hiếu chiến và thích giảng giải.

Hồi tháng 2/2018, Tổng thống Trump từng công khai chỉ trích ông McMaster trên Twitter sau khi ông này phát biểu trước một diễn đàn tại Đức rằng việc người Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống 2016 là “rành rành”.

Tổng thống Trump cũng không thích kế hoạch triển khai thêm lực lượng tham gia cuộc chiến ở Afghanistan mà ông McMaster đưa ra. Ông Trump nói: “Ông ấy muốn đưa thêm quân tới Afghanistan, vì thế chúng ta sẽ cử ông ấy tới đó”.

Ông McMaster bị sa thải chưa đầy một tháng sau phát biểu tại Đức và ông John Bolton thay thế vị trí này.

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions

Số phận chung của 9 quan chức Mỹ nói không với Tổng thống Trump - Ảnh 8.

Ông Jeff Sessions khi còn là Bộ trưởng Tư pháp Mỹ tại phiên điều trần trước Thượng viện ở Washington, DC ngày 10/1. Ảnh: EPA/TTXVN

Ông Sessions bị sa thải ngày 7/11/2018. Ông Sessions bị Tổng thống Trump chỉ trích vì rút khỏi vai trò giám sát cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử mà công tố viên đặc biệt Robert Mueller phụ trách.

Do ông Sessions rút lui nên ông Mueller có toàn quyền phụ trách cuộc điều tra – điều mà Tổng thống Trump không thích.

Ông Sessions thường bị chỉ trích trên Twitter là yếu kém hay “ngập trong khó khăn”.

Độc giả đọc tin gốc tại đây

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại