Sở hữu loạt máy chạy thận, Thiên Sơn không giám sát sửa chữa mà chỉ đến "đếm tiền"

PV |

Theo bác sĩ Hoàng Công Tình, tại thời điểm xảy ra sự cố y khoa, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình có 18 máy chạy thận cho bệnh nhân và 2 hệ thống lọc nước RO, hai hệ thống này được trang bị lần lượt vào các năm 2009 và 2012.

Tại phiên tòa xét xử Hoàng Công Lương vào chiều 18/5, ông Hoàng Công Tình - bác sỹ phụ trách chung khoa Hồi sức tích cực và đơn nguyên Hồi sức cấp cứu của BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết, hệ thống lọc nước RO số 1 được lắp đặt vào năm 2009 để phục vụ lọc nước RO cho 5 máy chạy thận tại đơn nguyên Thận nhân tạo.

Trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Danh Huế (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BVĐK tỉnh Hòa Bình), ông Hoàng Công Tình cho biết các máy chạy thận này thuộc sở hữu của Công ty Thiên Sơn, theo sự hợp tác giữa Công ty Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình (việc hợp tác theo mô hình xã hội hóa, Công ty Thiên Sơn hưởng 90% doanh thu từ việc chạy thận với đơn giá 7,7 USD/1 bệnh nhân/1 lần chạy thận).

Đến năm 2012, do lưu lượng nước của hệ thống RO số 1 không đủ đảm bảo cho hoạt động của 5 máy chạy thận, Phòng Vật tư – Thiết bị đã đề xuất trang bị thêm hệ thống lọc RO số 2 (hệ thống được sửa chữa và là nguyên nhân dẫn đến sự cố y khoa ngày 29/5/2017). Sau khi lắp đặt hệ thống RO số 2, hệ thống RO số 1 được chuyển sang chuyên rửa màng lọc.

“Nguyên tắc chạy là phải chạy liên tục, nếu dừng lại chỉ 2 ngày là sẽ đọng lại các độc tố gây nguy hiểm cho bệnh nhân nên không có chuyện phải dừng hệ thống 14 ngày như đại diện của Công ty Thiên Sơn nói”, ông Hoàng Công Tình nói.Tại thời thời điểm xảy ra sự cố, bệnh viện có 18 máy chạy thận nên nếu hệ thống RO số 2 mà ngừng hoạt động thì hệ thống RO số 1 không thể đảm bảo chạy được cho hệ thống 18 máy.

Ông Tình khẳng định việc ông đưa ra nhận định hệ thống lọc RO số 1 không đủ lưu lượng nước là căn cứ vào quá trình bệnh viện chạy thận cho các bệnh nhân.

“Chúng tôi dựa vào lưu lượng nước để chạy thận cho bệnh nhân, vì lưu lượng nước không đảm bảo nên chúng tôi mới đề xuất bổ sung, sửa chữa. Còn những thông số kỹ thuật tôi không quan tâm, chúng tôi chỉ được hướng dẫn phải theo dõi lưu lượng nước và chỉ số hiển thị trên đồng hồ”, bác sĩ Hoàng Công Tình cho biết.

Luật sư Huế đặt thêm câu hỏi đối với ông Tình về việc đại diện của Công ty Thiên Sơn nói tại tòa về việc bắt buộc phải có xét nghiệm AAMI sau khi sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc RO. Ông Tình cho biết, sau khi sự cố xảy ra, ông đã nghiên cứu và tham khảo các chuyên gia, được biết "xét nghiệm AAMI là xét nghiệm định kỳ được thực hiện 6 tháng đến 1 năm, đây là xét nghiệm độc lập với việc sửa chữa trang thiết bị".

Ngoài ra, ông Tình khẳng định, trong quá trình triển khai hoạt động sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2, phía Công ty Thiên Sơn không cử bất cứ nhân viên nào đến giám sát việc sửa chữa.

Lời khai này được chính bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh - người trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc RO số 2) xác nhận với luật sư Nguyễn Danh Huế.

“Hôm qua đại diện của Công ty Thiên Sơn nói có cử nhân viên đến giám sát việc sửa chữa là không đúng. Công ty Thiên Sơn chỉ để duy nhất một nhân viên tên là cô Tiên đến để đếm số lần chạy thận, cũng có thể hiểu là họ kiểm đếm để chống thất thoát lãng phí”, ông Hoàng Công Tình nói.

Việc kiểm đếm này, theo luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương), chỉ là đến để “đếm tiền” chứ không phải có mặt để giám sát các hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng.

Trong buổi chiều nay, trả lời luật sư, bị cáo Bùi Mạnh Quốc cho biết ngay sau khi sự cố xảy ra, ông Đỗ Anh Tuấn (Giám Công ty Thiên Sơn) đã yêu cầu bị cáo chạy lại hệ thống tuần hoàn. Mục đích chạy lại để làm gì thì bị cáo không nhớ.

Thông tin này khiến các luật sư đặt nghi vấn Thiên Sơn đã cố tình làm sai lệch hiện trường, có thể là để xả hết hóa chất tồn dư.

Bị cáo Quốc trả lời: “Theo bị cáo nghĩ thì không cần thiết phải chạy lại. Việc chạy lại không ảnh hưởng đến sự tồn dư hóa chất trong hệ thống RO vì hệ thống RO tách biệt hoàn toàn với hệ thống nước tuần hoàn. Bị cáo chỉ tiệt trùng lại hệ thống đường ống nước tuần hoàn. Sau khi chạy lại trong thời gian từ 1-2 tiếng thì có lệnh dừng tất cả mọi hoạt động. Bị cáo không nhớ lý do phải dừng lại nhưng anh Sơn bên vật tư (bị cáo Trần Văn Sơn) bảo dừng lại không chạy nữa”.

Bùi Mạnh Quốc cũng khai thêm trong lúc chạy lại hệ thống tuần hoàn bị cáo đã quên không mở hai đầu van xả ở phòng số 2 và 3. Hai van này đặt trong Phòng Hành chính và từ trước đến khi xảy ra sự cố, bị cáo không biết 2 van đó nằm ở đâu.

Về hệ thống lọc RO, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng các thông số do nhà sản xuất đưa ra có thể khác với thực tế vì còn phụ thuộc vào thời gian sử dụng máy và chất lượng nước khi sử dụng.

Ông đặt câu hỏi với đại diện Công ty Thiên Sơn: Nếu tài liệu kỹ thuật là hướng dẫn sử dụng được chuyển giao công nghệ và đã được chứng nhận, vậy tại sao Công ty Thiên Sơn không đề nghị bệnh viện "vứt hệ thống lọc RO số 2 đi cho đỡ tốn tiền"?

Nếu khuyến cáo của nhà sản xuất là phải có 2 hệ thống chạy song song để đảm bảo mỗi khi hệ thống kia ngừng hoạt động thì hệ thống còn lại chạy tiếp, vậy tại sao ngay từ năm 2009 Thiên Sơn không lắp luôn 2 hệ thống lọc RO mà phải để đến năm 2012 mới lắp hệ thống lọc RO số 2?

Cũng theo luật sư Thiệp, việc Công ty Thiên Sơn chỉ cử một nữ nhân viên thường xuyên có mặt chỉ để “đếm tiền” mà không màng đến việc giám sát hệ thống chứng tỏ phía Thiên Sơn đã “vô trách nhiệm”.

Việc quy kết như vậy đối với Thiên Sơn, theo luật sư Thiệp, là bởi vì luật sư không chỉ bảo vệ cho thân chủ của mình mà còn có nghĩa vụ bảo vệ công lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại