Siết khuyến mại, thuê bao di động vẫn thờ ơ với dịch vụ trả sau

Hồng Loan |

Thông tư 47/2017/TT-BTTTT được cho là sẽ khuyến khích người dùng trả trước chuyển sang sử dụng dạng trả sau. Tuy nhiên, khuyến mại đã cắt giảm, còn hiệu quả thì không như mong đợi.

Sau 4 tháng siết khuyến mại nạp thẻ cho thuê bao trả trước, từ mức 50% về chỉ còn 20%, nhiều thuê bao vẫn sử dụng trả trước.

Chị Lê Minh Hằng ở (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Trước đây, tôi thường chờ ngày khuyến mại nạp thẻ để được hưởng 50% cộng thêm.

Hiện nay khuyến mại chỉ còn 20% chẳng đáng là bao nên tôi chỉ nạp tiền để duy trì hoạt động hoặc gọi điện thoại khi cần thiết. Còn gọi thông thường tôi chuyển sang gọi điện thoại qua các ứng dụng của mạng xã hội cho tiết tiết kiệm, chất lượng thì đảm bảo mà lại không mất tiền".

Vẫn theo chị Lê Minh Hằng: “Chắc chắn tôi sẽ không đổi sang sử dụng trả sau vì SIM trả trước có rất nhiều ưu điểm như linh hoạt và kiểm soát tốt lượng cước sử dụng hàng tháng, hơn nữa, việc thanh toán cước trả trước cũng tiện lợi và dễ dàng hơn”, chị Hằng cho biết.

Mặc dù đã ra trường đi làm được một thời gian nhưng vì “hay nhảy việc” do vậy chỗ ở cũng thay đổi nên anh Phùng Bá Đạt ở (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chọn dịch vụ thuê bao trả trước.

“Dù khuyến mại ít nhưng tôi vẫn sử dụng dịch vụ trả trước vì nó thuận tiện, dễ thanh toán, đặc biệt là kiểm soát được cuộc gọi. Tôi sẽ không chuyển sang trả sau chỉ vì 30% giá trị khuyến mại” anh Đạt cho biết.

Theo thống kê của các nhà mạng, tính tới tháng 12/2017, tổng số thuê bao di động có phát sinh lưu lượng tại Việt Nam là hơn 120 triệu; trong đó thuê bao 2G hơn 75 triệu (gồm 70,5 triệu trả trước và gần 4,6 triệu thuê bao trả sau); thuê bao 3G là 44,8 triệu (trả trước là 40,78 triệu, trả sau là 40,65 triệu).

Đáng chú ý, số lượng thuê bao trả sau chỉ bằng một phần mười số thuê bao trả trước.

Theo số liệu từ Cục Viễn thông, sau thời điểm 1/3, có thêm 130.000 thuê bao di động chuyển từ dạng trả trước sang thuê bao trả sau.

Như vậy, kể từ sau khi Thông tư 47/2017/TT-BTTTT đi vào hiệu lực, mới chỉ có 0,1% số thuê bao trả trước chuyển thành thuê bao trả sau. Hiện cứ 10 thuê bao trả trước mới có 1 thuê bao trả sau, và nếu tốc độ chuyển đổi như hiện nay, sẽ mất tới hàng chục năm để 2 loại thuê bao viễn thông này cân bằng số lượng.

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành thông tin và truyền thông mới đây, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn VNPT, cho biết văn bản quy định khuyến mại tối đa 20% với thuê bao trả trước của Bộ TT&TT không phù hợp về quản lý doanh nghiệp, thậm chí không tuân thủ kinh tế thị trường.

Theo ông Hùng, trên thế giới, ít có cơ quan quản lý nào quy định doanh nghiệp khuyến mãi chỉ 20%. “Tôi thấy rằng cơ sở pháp lý của quy định này chưa phù hợp với thị trường. Ở nước ngoài vẫn khuyến mãi 70-80% tùy vào hàng tồn kho của doanh nghiệp để quyết định”, ông Trần Mạnh Hùng lý giải.

Trong khi đó phía Tập đoàn Viettel, ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc, cũng cho biết, các chính sách vỹ mô ảnh hưởng nhiều đến kinh doanh và môi trường viễn thông; trong đó có quy định khuyến mãi tối đa 20% đối với thuê bao trả trước, hạn chế thanh toán qua thẻ cào cho các dịch vụ nội dung số…

Chính vì thế, các nhà mạng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nên xem xét bỏ quy định này để phù hợp với thị trường và có lợi cho người dùng.

Về quy định này, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT giải thích, cơ sở pháp luật quy định tối đa khuyến mãi 20% đối với thuê bao trả trước hoàn toàn hợp lý theo Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định hướng dẫn Luật Viễn thông.

Mục tiêu của quy định này là tăng cường thuê bao trả sau, vì sử dụng thuê bao trả trước xuất hiện nhiều tin nhắn rác. Áp dụng quy định này, khách hàng sẽ chuyển từ thuê bao trả trước sang thuê bao trả sau, khi đó quyền lợi của khách hàng không đổi.

Lãnh đạo Cục Viễn thông cũng đề nghị các doanh nghiệp báo cáo số lượng thuê bao chuyển đổi từ trả trước sang trả sau, để Bộ có cơ sở báo cáo về kiến nghị bỏ quy định khuyến mãi tối đa 20% với thuê bao trả trước.

Nhà mạng chuyển hướng… khuyến mại

Có thể thấy, nhu cầu nạp thẻ khuyến mại ở mức 50% của người dùng là rất lớn. Trong khi đó, siết khuyến mại về 20%, lượng người dùng trả trước chuyển về trả sau biến động không rõ rệt, còn doanh thu thẻ nạp của các hãng viễn thông đã có sự suy giảm.

Một chuyên gia về viễn thông cho hay, mức khuyến mãi 20% hiện nay là ít, khó thu hút người dùng. Tuy nhiên, nên kiểm soát số lượng lần khuyến mãi, đối tượng khuyến mãi, thời gian khuyến mãi… để tránh hiện tượng sim rác, tin nhắn rác ồ ạt tái xuất.

Khuyến mãi là cần thiết để kích thích tiêu dùng, thị trường tuy nhiên cần hợp lý, vừa phải để tránh phát sinh tiêu cực.

Hiện việc khuyến mãi cho khách hàng trả trước chỉ 20% giá trị thẻ nạp đã tạo nên hiện tượng không thu hút khách hàng nạp thẻ, nhiều nhà mạng đã chuyển hướng tăng cường khuyến mãi sang các dịch vụ khác như 3G, 4G…

Cụ thể, trong vài tháng trở lại đây, các nhà mạng liên tục đưa ra các gói cước 3G, 4G mà khi mua, gia hạn có thể được trừ tiền trực tiếp vào tài khoản khuyến mãi. Việc này giúp các khách hàng có thể linh động sử dụng tiền khuyến mãi cho nhiều dịch vụ hơn, từ đó kích thích khách hàng nạp thẻ cào nhiều hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại