Samsung mất gì sau vụ triệu hồi lịch sử Note7?

Quang Huy |

2,5 triệu chiếc điện thoại sẽ về lại kho, 1 tỷ USD chi phí thu hồi và 10 tỷ USD giá trị thị trường của công ty sẽ bay hơi sau chiến dịch triệu hồi sản phẩm lỗi lịch sử của Samsung.

Tháng 7/2016, một trong những phiên bản smartphone được chờ đợi nhất lên kế hoạch ra mắt. Nhà phát triển Samsung trong thư mời gửi cho giới truyền thông vào đầu tháng 7 đã gọi sự kiện ra mắt Samsung Galaxy Note7 cùng là dấu mốc là "sáng tạo công nghệ di động mới nhất năm 2016".

Dù ra mắt cùng 2 sản phẩm cao cấp khác nhưng hãng điện thoại Hàn Quốc khi đó đặt nhiều kỳ vọng nhất vào Note7, bởi đây "là một siêu phẩm mang đậm dấu ấn thành công cá nhân dành cho những ai luôn mong muốn trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất". Thậm chí, cái tên Note7 được đặt như một hashtag cũng cho thấy tham vọng của Samsung.

Sự kiện ra mắt được ấn định vào ngày 2/8. Ngày 19/8, Samsung chính thức lên kệ trên 10 thị trường khắp thế giới. Là sản phẩm của Samsung được đặt hàng nhiều nhất trong lịch sử, không khó hiểu khi 2,5 triệu máy Note7 đã được xác nhận tẩu tán khỏi nhà máy của Samsung cho đến ngày 2/9.

Samsung mất gì sau vụ triệu hồi lịch sử Note7? - Ảnh 1.

Galaxy Note7 là bước nhảy vọt của Samsung từ Note 5, tuy nhiên, kết quả lại khiến cả thế giới phải bất ngờ.

Ra mắt trước iPhone 7 tới nửa tháng, lẽ ra, Note7 và những người anh em của nó sẽ có bước đi trước thắng lợi so với đối thủ đến từ Apple, nhưng niềm vui của Samsung "ngắn chẳng tày gang".

Ngày 2/9, trong cuộc họp báo bất thường, chủ tịch Samsung Electronics thừa nhận lỗi pin của Note7, khởi động chiến dịch thu hồi lịch sử, đánh dấu giai đoạn "đen tối" của ông lớn di động.

Theo đó, khoảng 2,5 triệu chiếc Note7 đã đến tay người dùng hoặc được đưa tới kho của các đại lý hay đang trên đường vận chuyển sẽ trở lại đại bản doanh của Samsung. Giới chức hàng không của các quốc gia đã lần lượt từ chối vận chuyển cả hành khách lẫn Note7 trong các chuyến bay của mình. Nhưng những hệ lụy tồi tệ vẫn chưa dừng ở đó.

Công ty phân tích Strategy Analytics ước tính Samsung có thể kết thúc năm 2016 với doanh thu smartphone bị thu hẹp khoảng 5 tỷ USD trong kịch bản xấu nhất. Trong khi đó, Bloomberg và Credit Suisse cùng nhận định mức độ thiệt hại trong khoảng 1 tỷ USD.

Chưa hết, 10 tỷ USD giá trị thị trường tập đoàn này bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán 5 ngày sau cuộc họp báo. Và việc giá cổ phiếu giảm cũng ngay lập tức ảnh hướng đến tài sản của những người giàu nhất Hàn Quốc. Gia đình tỷ phú Samsung Lee Kun-Hee đã mất khoảng 1 tỷ USD tài sản cá nhân sau sự cố của Note7.

Không phải lần đầu gặp lỗi trong phát triển sản phẩm, nhưng chưa khi nào Samsung gặp vấn đề lớn như vậy. Trong 35 lần xảy ra sự cố trước đây, Samsung chưa từng phải thực hiện thu hồi và đổi sản phẩm trên toàn thế giới.

Hơn nữa, năm 2015, chiếc Galaxy S6 màn hình cong thiệt hại doanh số do năng lực sản xuất hạn chế đã khiến Samsung mang tiếng không ít. Lịch sử có thể lặp lại với Note7, nhất là khi Samsung không chỉ phải đền bù lại cho khách hàng sản phẩm mới, mà còn phải đảm bảo nó không lặp lại bất cứ sai lầm nào giống như phiên bản tai tiếng đầu tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại