Saffron không tự nhiên mà đắt, cách người ta sản xuất ra nó cầu kì đến thế này cơ mà

J.D |

Saffron hay còn gọi là nhụy hoa nghệ tây - là một thứ gia vị đắt đỏ thuộc hàng đỉnh thế giới. Nhưng mọi chuyện đều có lý do của nó.

Nhụy hoa nghệ tây, hay còn được biết đến với cái tên quen thuộc "saffron" là một loại gia vị vô cùng đắt đỏ. 500g saffron có giá khoảng 5500$ (gần 130 triệu đồng tiền Việt), thuộc vào hàng những nguyên liệu có giá trị nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, dù đúng là loại nhụy hoa này có rất nhiều công dụng đáng mơ ước, từ ngăn chặn bệnh tật cho tới chăm sóc sắc đẹp, chúng vẫn không phải thần dược. Vậy tại sao giá của nó lại cao tít tận mây xanh thế nhỉ?

Hóa ra, việc sản xuất ra saffron vốn đã tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền bạc, mà có lẽ trước tiên phải kể đến quá trình thu hoạch thủ công vô cùng tỉ mỉ và công phu.

Mỗi bông hoa có 3 đầu nhụy dài từ 2,5 – 3 cm và rất mảnh. Do vậy, thật khó nếu muốn kiếm được một loại máy móc nào đủ khéo léo và nhẹ nhàng để lấy nhụy hoa mà không làm nát chúng hay gây tổn thương cho những bộ phận còn lại của cây.

Saffron không tự nhiên mà đắt, cách người ta sản xuất ra nó cầu kì đến thế này cơ mà - Ảnh 1.

Và thế là việc này phải được đảm nhận 100% bởi con người, kéo theo là chi phí nhân công đội lên. Không những vậy, lượng nhụy hoa thu được trên một đơn vị diện tích cũng rất thấp. Theo thống kê của những người trồng saffron chuyên nghiệp, trung bình ta chỉ thu được hơn 4,5kg nhụy từ... 1.700.000 bông hoa, tức là chỉ 4,5kg trên 1 hecta hoa.

Chưa hết, do đặc tính của các thành phần hóa học trong cây mà loài nghệ tây vô cùng nhạy cảm với môi trường và thời tiết. Trời lạnh và độ ẩm quá cao có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng của saffron. Ngoài ra, ánh nắng mặt trời có thể phá vỡ cấu trúc phân tử trong nhụy, nên mỗi ngày công nhân đều phải hoàn thành việc thu hoạch từ sáng sớm, trước khi Mặt trời lên cao.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng hoa nghệ tây sau khi nở rất nhanh tàn nên hoa nở hôm nào là phải lấy nhụy ngay hôm đó, không được để tới hôm sau.

Saffron không tự nhiên mà đắt, cách người ta sản xuất ra nó cầu kì đến thế này cơ mà - Ảnh 2.

Việc thu hoạch còn phải tuân thủ quy tắc về giờ giấc nghiêm ngặt

Sau đó, nhụy nghệ tây tươi còn phải qua rất nhiều công đoạn phơi khô, đóng gói, vận chuyển,... cũng đòi hỏi không ít công sức rồi mới đến được đưa ra bán.

Việc phơi khô cũng không thể làm tùy tiện, mà thường được thực hiện bằng 1 trong 4 phương pháp chính: phương pháp truyền thống của Iran (phơi khô ở nhiệt độ phòng), sấy bằng lò nướng điện, sấy bằng lò chân không hoặc sấy bằng lò vi sóng. Mỗi phương pháp đều yêu cầu cao về kĩ thuật.

Đóng gói và bảo quản cũng phải thật tinh tế

Tiếp sau đây là công đoạn đóng gói – cũng là một vài lưu ý để bảo quản saffron cho các bạn đây. Thật ra thì saffron hiếm khi bị hỏng đến mức không uống được, nhưng nếu giữ gìn không đúng cách thì cả hương vị lẫn giá trị y học của nó đều sẽ "xuống dốc không phanh". 

Trong một hộp saffron, bạn có để ý rằng hộp đựng vốn đã rất kín lại thường được bọc thêm (bằng giấy thường hoặc giấy bạc) không? Điều này tất nhiên là có ý nghĩa của nó: saffron khô rất nhạy cảm với 4 thứ: độ pH, độ ẩm, chất oxi hóa và ánh sáng.

Vậy nên, cách đóng gói của nhà sản xuất – cũng như cách chúng ta bảo quản saffron sau này đều cần tuân thủ một vài quy tắc như sau: để ở nơi khô ráo (độ ẩm khoảng 40%), mát (15 – 20 độ C), kín sáng và ít tiếp xúc với không khí nhất có thể.

Một mẹo nhỏ là không nên bảo quản trong tủ lạnh, đặc biệt là khi bạn không thể dùng hết chúng trong thời gian ngắn. Việc lấy ra rồi cất lại vào tủ lạnh rất dễ gây ra ngưng tụ hơi nước, làm ảnh hưởng đến chất lượng của saffron.

Lí tưởng nhất thì nên chia thành nhiều hộp nhỏ để hạn chế saffron tiếp xúc với oxi và hơi nước mỗi lần mở hộp. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng liên tục thì cũng không cần phải quá khắt khe như vậy.

Nếu được đóng hộp và bảo quản đúng cách, saffron có thể giữ được nguyên giá trị trong vòng 2 năm.

Hơi phức tạp nhỉ? Nhưng có lẽ với ngần ấy công dụng thì vất vả một chút cũng đáng đấy chứ. Ở Iran – nơi được coi là quê hương của "vàng đỏ", nơi cho ra 90% sản lượng saffron của thế giới hàng năm, chúng được dùng như một loại gia vị không thể thay thế mỗi ngày bởi màu sắc, hương thơm và mùi vị đặc trưng cho mỗi món ăn.

Saffron không tự nhiên mà đắt, cách người ta sản xuất ra nó cầu kì đến thế này cơ mà - Ảnh 4.

Còn với những phần còn lại của thế giới, nơi mà saffron được coi là thứ tương đối xa xỉ để dùng thường xuyên vào việc nấu ăn, chúng lại giống như một loại thuốc bổ hơn.

Việc uống trà saffron có thể giúp tinh thần phấn chấn, chữa mất ngủ, điều hòa nội tiết, an thần, hỗ trợ chữa Alzheimer, trầm cảm, hen, hội chứng tiền kinh nguyệt... và ngăn chặn các bệnh ung thư, tiêu hóa hoặc tim mạch.

Saffron cũng đặc biệt nổi tiếng với các chị em nhờ công dụng làm chậm sự lão hóa, dưỡng ẩm và làm sáng da, trị sẹo, trị nám, làm mọc tóc...

Bạn biết gì thêm về saffron? Hãy chia sẻ hiểu biết của mình ở bình luận phía dưới nhé!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại