Quy định "quái đản" của trại hè: Phân đẳng cấp và bài học để đời dành cho các học viên!

Trần Quỳnh |

Điều gì tạo nên giá trị của mỗi chúng ta? Đẳng cấp của bạn trong xã hội được quyết định bởi yếu tố nào? Câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi ấy.

Bắt đầu từ câu chuyện đẳng cấp tại một trại hè…

Trên bức tường phòng khách tại nhà mình, tỷ phú người Mỹ George Soros từng treo một câu danh ngôn như sau: "Ta tuy sinh ra đã nghèo khó, nhưng tuyệt đối không chết đi trong nghèo khó!"

Vậy, điều gì khiến mỗi người chúng ta sinh ra giống nhau, nhưng lại mang những giá trị khác nhau? Đâu là mấu chốt quyết định một người sẽ trở nên nghèo khó hay giàu có?

Đáp án có trong câu chuyện đẳng cấp tại một trại hè mang tính thí nghiệm dưới đây.

Ngày đầu tiên đi vào hoạt động, người tổ chức yêu cầu phân chia đẳng cấp của những người tham gia bằng cách chia nhóm bốc thăm.

Cụ thể, trại hè có 3 đẳng cấp bao gồm: Cao cấp, trung cấp và hạ cấp. Ban tổ chức sẽ chia tổng số người tham gia thành 9 nhóm. Mỗi nhóm sẽ cử ra một người đại diện để bốc thăm.

Trong hộp bốc thăm có 1 thẻ cao cấp, 2 thẻ trung cấp và còn lại là hạ cấp. Những nhóm rút được thẻ cao cấp và trung cấp sẽ được hưởng quyền lợi cấp độ vào ngày đầu tiên.

Những ngày sau đó, đẳng cấp của họ sẽ được quyết định dựa vào biểu hiện của mỗi người trong vai trò của mình.

Quy định quái đản của trại hè: Phân đẳng cấp và bài học để đời dành cho các học viên! - Ảnh 1.

Tại trại hè đẳng cấp trong câu chuyện, thái độ mới là chìa khóa quyết định giá trị đẳng cấp sau cùng của những người tham gia. (Ảnh: nguồn Internet),

Quyền lợi về đẳng cấp được thể hiện rõ ràng nhất thông qua chất lượng bữa ăn của các nhóm.

Người cấp cao chỉ chiếm số lượng rất ít. Họ được phục vụ tận tình, ăn uống xa hoa với những dụng cụ đắt tiền cùng các món ăn thượng hạng. Họ sử dụng dao dĩa, ăn cơm Tây, thái độ rất nho nhã, lịch thiệp như những quý ông, quý cô thực thụ.

Người trung cấp chiếm 1/3 tổng số người tham gia trại hè. Họ phải tự cầm bát đũa và xếp hàng chọn thức ăn. Bữa ăn của nhóm người này không có canh, chỉ có bình nước, càng không có món tráng miệng.

Người ở tầng lớp hạ cấp chiếm số đông và phải chịu rất nhiều vất vả. Họ buộc phải đợi những người cao cấp ăn xong, sau đó làm các công tác phục vụ trong nhà ăn, thậm chí phải thực hiện nhiều yêu cầu khác từ nhóm người cấp cao.

Quản lý trại hè giải thích:

"Đẳng cấp của mọi người vào ngày đầu tiên được quyết định bằng cách gắp thăm. Sau đó, sự lên xuống về cấp bậc sẽ phụ thuộc vào thái độ thể hiện của họ.

Điều này đồng nghĩa với việc mỗi người sẽ nhận được thân phận khác nhau, nhưng thân phận đầu tiên có thể sẽ không phải là thân phận cuối cùng. Bạn phải dựa vào năng lực của chính mình để thay đổi và nâng cao giá trị bản thân."

Lần đầu nghe phổ biến về quy luật trại hè, những người tham gia đều im lặng không nói. Sau đó, họ bắt đầu tự chia tổ và tiến hành rút thăm, cũng đồng nghĩa với việc họ đồng ý với quy tắc tại đây.

Tuy nhiên, đó chỉ là sự đồng thuận ở vào thời điểm đầu. Sau khi 3 đẳng cấp được phân chia, những nhóm người này đều mang trên mình những cảm xúc khác biệt.

Số ít người cấp cao vừa vui mừng, vừa dè dặt đi lên nhà ăn ở tầng hai. Những người thuộc tầng lớp trung cấp thì ở lại tầng 1 rầu rĩ lấp đầy bụng bằng thức ăn.

Còn phần đông nhóm người hạ cấp lại bao hàm nhiều thái độ tiêu cực. Thức ăn dành cho họ chỉ là phần cơm với cà dầm tương. Một số ít người còn từ chối thẳng thừng việc phải ăn chúng, chứ chưa nói tới việc đội mũ hồng làm nhân viên tạp vụ.

Họ ngồi ở bãi cỏ bên ngoài, đưa mắt nhìn về phía bữa tiệc thịnh soạn trên tầng hai. Vào lúc này, giữa những tầng lớp ấy giống như xuất hiện một bức màn thủy tinh vô hình ngăn cách giữa những con người ấy...

Quy định quái đản của trại hè: Phân đẳng cấp và bài học để đời dành cho các học viên! - Ảnh 2.

Bữa tối ngày thứ nhất cứ thế kết thúc một cách qua loa trong tâm trạng phức tạp của những người tham gia trại hè. Tối hôm ấy, rất nhiều người đều lén giấu quản lý, dùng tiền của mình ra ngoài mua bánh quy để lót dạ.

Tuy nhiên, ban tổ chức của trại hè không vì thái độ của bất kỳ cá nhân nào mà thay đổi kế hoạch.

Tới ngày thứ hai sau, như đã phổ biến từ trước, họ lại chọn ra 3 cấp người dựa vào thái độ biểu hiện để quyết định chất lượng bữa tối.

Lần này, nhóm người cấp cao của ngày đầu tiên không may trở thành một trong những nhóm có đẳng cấp thấp nhất vào ngày thứ hai. Mỗi người trong số họ đều được "nếm trải"cảm giác của sự chênh lệch, sự rớt hạng.

Đến ngày thứ ba, một nhóm người liên tục 2 ngày phải làm tầng lớp hạ cấp cuối cùng cũng đã leo được lên ngôi vị cấp cao. Họ nhảy cẫng lên vì vui sướng, thậm chí có người chỉ một lát sau đã trở nên hống hách.

Sau nhiều ngày xếp hạng, mọi người đều trở nên quen thuộc với cách phân chia đẳng cấp tại nơi này và giữ được sự bình thản khi tiếp nhận thứ hạng mới.

Những ngày sau đó, người được nhận hạng cấp cao không còn quá vui mừng, mà những người không may ở cấp thấp cũng không còn ủ rũ, chán nản.

Khi trại hè kết thúc, người tổ chức tặng cho mỗi thành viên tham gia một cuốn sổ tay ghi chép về lịch sử thứ hạng của họ cùng thông điệp:

"Dù bạn ở bất cứ nơi nào trên thế giới này, bạn đều sẽ phải đối mặt với một xã hội văn hóa đa nguyên.

Bước vào xã hội ấy, bạn không những phải tìm thấy vị trí của riêng mình, mà còn phải thấu hiểu rằng, chỉ khi chấp nhận tính đa nguyên của xã hội, bạn mới có thể dùng tư tưởng cởi mở và thái độ bình thản để đối mặt với những công bằng hay bất công trong cuộc sống."

... đến những triết lý về giá trị con người

Bằng việc phân chia mọi người thành 3 đẳng cấp, mỗi người tham gia trại hè đều được cảm nhận những cảm giác sắm vai trong những vai trò khác nhau, cũng trải qua những ngày tháng ý nghĩa với những người không cùng văn hóa, mức thu nhập hay điều kiện xuất thân.

Câu chuyện từ trại hè đẳng cấp dạy cho chúng ta một chân lý: Nếu không vừa lòng với vị trí hiện tại của mình, hãy ra sức nỗ lực để thay đổi nó.

Trong xã hội hiện đại, bạn khó có thể trở thành một anh hùng đơn độc.

Bởi thế giới của chúng ta là một quần thể lớn được cấu thành từ nhiều nhóm nhỏ, nên bạn cần học được cách giao tiếp, hòa nhập với những người xung quanh, cần chú ý tới tinh thần đoàn đội, thuyết phục họ chấp nhận được giá trị quan văn hóa của bạn để cùng nhau thực hiện mục tiêu chung, cùng nhau nâng cao giá trị của mình.

Đương nhiên, cũng có không ít người thực sự hài lòng với thân phận vốn có. Họ không hiểu được rằng, mỗi giai cấp trong xã hội này đều có những vui vẻ và muộn phiền riêng.

Hãy mang một trái tim bình thản để tiếp nhận tất cả những đắng cay ngọt bùi của cuộc sống này. Bởi làm điều mình thích là tự do, yêu việc mình làm mới là hạnh phúc.

Quy định quái đản của trại hè: Phân đẳng cấp và bài học để đời dành cho các học viên! - Ảnh 3.

Điển hình cho nhóm người thuộc hàng "tinh anh" trong xã hội chính là Lý Gia Thành – tỷ phú Hồng Kông đi lên từ hai bàn tay trắng. (Ảnh: nguồn Internet).

Thực tế cuộc sống cho chúng ta thấy rằng, xuất thân tốt không phải là chìa khóa quyết định của những người ở đẳng cấp cao.

Để đạt được, hoặc duy trì thân phận ấy, họ không nhất thiết phải sở hữu chỉ số IQ cao, nhưng chắc chắn EQ của họ không bao giờ ở mức thấp.

Họ nắm rõ được cách hợp tác đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, hiểu được lúc nào nên bao dung những người bất đồng quan điểm để thu về lợi ích cho đôi bên.

Trong khi đó, người thuộc tầng lớp trung cấp nếu sở hữu IQ cao, xuất thân tốt thì không chỉ giữ được vị trí hiện tại mà còn có cơ hội vươn lên cấp cao hơn.

Còn những người cấp thấp lại ít nhiều mang tâm lý đố kỵ với các giai cấp cao hơn mà không hề hiểu rằng, sự đố kỵ ấy không giúp họ tiến thân trong xã hội mà trở thành gánh nặng khiến họ mãi mãi thuộc về "tầng đáy".

Quy định quái đản của trại hè: Phân đẳng cấp và bài học để đời dành cho các học viên! - Ảnh 4.

Thay vì đem mình ra so sánh và đố kỵ với người khác, hãy nỗ lực không ngừng nghỉ để nâng cao giá trị của chính bản thân mình. (Ảnh: nguồn Internet).

Từng có một câu chuyện kể rằng, người dưới địa ngục và người trên thiên đàng khi ăn cơm đều giống nhau, mỗi người dùng một đôi đũa 3 thước để gắp thức ăn. Người dưới địa ngục thì tranh cướp thức ăn của nhau, những chiếc đũa quá dài khiến ai trong số họ cũng không thể gắp được.

Còn người trên thiên đàng đều gắp thức ăn cho người khác ăn, vì vậy tất cả mọi người đều dùng bữa trong no say và vui vẻ.

Từ những câu chuyện trên, liệu bạn đã có đáp án cho câu hỏi "điều gì quyết định giá trị của một con người" hay chưa?

Kỳ thực, xuất thân không phải là yếu tố quyết định đẳng cấp, mà thái độ và năng lực chân chính mới là chìa khóa tạo nên giá trị con người của chúng ta.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại