Quy chuẩn xả thải ra môi trường: Càng ô nhiễm càng được ưu ái

Nguyễn Hoài |

Trong khi phần lớn các ngành công nghiệp ở Việt Nam phải xả thải theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp - QCVN 40/2011-BTNMT (gọi tắt là quy chuẩn chung) thì một số ngành công nghiệp ở Việt Nam được xả thải theo quy chuẩn riêng. Đáng lưu ý, đây hầu hết là ngành gây ô nhiễm nhất nhưng quy chuẩn xả thải lại được nới lỏng hơn so với quy chuẩn chung, dẫn đến thực tế ngành càng gây ô nhiễm lại càng được ưu ái.

Formosa được xả thải gấp 6 lần quy chuẩn chung

Các ngành có quy chuẩn riêng về xả thải ở Việt Nam gồm ngành sản xuất thép, ngành công nghiệp giấy và bột giấy, ngành chế biển thủy sản, sơ chế cao su thiên nhiên, ngành dệt nhuộm, kho và cửa hàng xăng dầu, nước thải chăn nuôi và ngành sản xuất cồn nhiên liệu.

Về mức độ ưu ái, có thể lấy ví dụ ở ngành sản xuất thép, trong khi quy chuẩn chung về nước thải công nghiệp yêu cầu nước thải đảm bảo 33 chỉ tiêu kỹ thuật trước khi ra môi trường thì ngành thép chỉ có 12 chỉ tiêu theo Quy chuẩn 52:2013/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải ngành sản xuất thép.

Đáng lưu ý, trong 12 chỉ tiêu ấy thì chỉ tiêu xyanua (một trong hai độc tố gây ra hiện tượng cá chết ở 4 tỉnh miền Trung) lại được phép xả thải gấp 5 lần mức cho phép của quy chuẩn chung.

Nếu quy chuẩn chung cho phép hàm lượng 0,1mg/l khi xả thải vào nguồn nước không được dùng vào mục đích cấp nước sinh hoạt thì ngành thép được thải với hàm lượng 0,5mg/l, cao gấp 5 lần.

Trong trường hợp Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa, có thể thấy rõ điều này.

Nhà máy này được phép thải với hàm lượng xyanua là 0,585mg/l, tức là gần 6 lần mức cho phép của quy chuẩn chung, do môi trường tiếp nhận là biển.

Tương tự với ngành công nghiệp giấy và bột giấy, nếu quy chuẩn chung là 33 tiêu chí thì QCVN12-MT: 2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải ngành giấy và bột giấy chỉ quy định 8 chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu về dioxin đến 1/1/2018 mới áp dụng, có nghĩa là nước thải của cơ sở đang sản xuất giấy, bột giấy hoặc liên hợp giấy và bột giấy nước thải chỉ có 7 chỉ tiêu.

Trong số đó, chỉ tiêu về BOD, COD, độ màu được nới lỏng hơn so với quy chuẩn chung.

Cụ thể, nếu các cơ sở công nghiệp chỉ được phép xả thải COD hàm lượng 150mg/l thì cơ sở sản xuất bột giấy được xả thải với hàm lượng 300mg/l (gấp 2 lần), còn liên hợp sản xuất giấy và bột giấy thì được phép xả thải 200mg/l (gấp gần 1,4 lần).

Đó là với cơ sở sản xuất sau ngày 1/6/2015 còn với các cơ sở sản xuất từ trước đó và đang hoạt động thì mức độ ưu ái còn cao hơn.

Cụ thể là hàm lượng COD của cơ sở sản xuất bột giấy cao hơn 2 lần mức cho phép còn cơ sở sản xuất liên hợp giấy và bột giấy cao hơn gần 1,7 lần mức chung.

Có thể lấy ví dụ ở dự án tổ hợp Nhà máy giấy Lee and Man (Hậu Giang)- đây là cơ sở liên hợp sản xuất giấy và bột giấy.

Nếu đi vào sản xuất, cơ sở này được phép thải ra nguồn nước không dùng vào mục đích sinh hoạt hàm lượng BOD gấp 2 lần mức cho phép, độ màu gần 1,4 lần mức cho phép và hàm lượng COD gấp gần 1,4 lần mức cho phép.

Ngoài ra, các quy chuẩn riêng của một số ngành khác cũng có biệt đãi.

Đã đến lúc rà soát lại quy chuẩn

Tại sao một số ngành lại được ưu ái? Một lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, việc ban hành quy chuẩn xả thải ngành là cần thiết vì không phải ngành nào cũng thải tất cả 33 thông số theo quy chuẩn chung.

Ví dụ, một ngành sản xuất không thải ra Tổng hoạt độ phóng xạ anpha, bêta mà yêu cầu họ xử lý thì làm khó doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đặt vấn đề, việc cho phép một số ngành xả thải với số lượng chỉ tiêu ít hơn là hợp lý nhưng việc cho phép xả thải một số chỉ tiêu với hàm lượng cao hơn nhiều lần quy chuẩn chung là sự ưu ái.

Theo GS Trần Hiếu Nhuệ, chuyên gia hàng đầu về xử lý nước thải, cơ quan quản lý cho phép một số ngành có quy chuẩn riêng dựa theo đặc thù sản xuất, năng lực về kinh tế để xử lý nước thải.

Một số ngành nhiều nước thải, nếu áp theo quy chuẩn chung thì kinh phí xử lý sẽ cao lên nên được nới lỏng một chút.

Việc nới lỏng này dựa trên quan điểm về mặt kinh tế, nhằm khuyến khích tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, cũng có thể hiểu là ưu tiên sự thuận lợi cho doanh nghiệp hơn là đảm bảo an toàn cho môi trường. GS Nhuệ cũng cho rằng, sau sự cố Formosa vừa qua, cần xem xét lại vấn đề quy chuẩn xả thải.

Là người phản đối việc áp dụng các quy chuẩn ngành, TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ, thời kỳ làm Trưởng ban tiêu chuẩn KHCNMT của Bộ, ông kiên quyết phản đối việc ban hành quy chuẩn ngành.

"Trong trường hợp áp dụng quy chuẩn ngành thì phải đi cùng quy hoạch, tức là tôi cho phép anh xả thải cao hơn một số doanh nghiệp khác thì anh phải chọn những nơi có sức chịu tải môi trường cao để xả thải chứ không phải xả thải chỗ nào cũng được", TS Kinh nói.

Ông cho biết thêm, các quy chuẩn ngành được ban hành nhưng lại không có quy hoạch là một sự ưu ái, dẫn đến hệ quả ở cùng một vùng, nhà máy này được xả thải theo một quy chuẩn, nhà máy kia một quy chuẩn, dẫn đến bất bình đẳng.

Theo TS Trần Thế Loãn, nguyên Phó cục trưởng Phụ trách Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, việc xây dựng và ban hành quy chuẩn môi trường phụ thuộc vào 3 yếu tố là nhu cầu phát triển kinh tế, khả năng kinh tế của các doanh nghiệp và yêu cầu bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư.

Ba yếu tố này có khi mâu thuẫn với nhau nên phải điều chỉnh hài hòa. Theo TS Loãn, người làm quy chuẩn chịu nhiều sức ép từ phát triển kinh tế, từ nhà đầu tư và từ cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, Việt Nam đã qua giai đoạn phát triển bằng mọi giá nên cần có sự rà soát, điều chỉnh lại đối với các quy chuẩn môi trường.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, quy chuẩn môi trường ở Việt Nam có thể phù hợp với giai đoạn thu hút đầu tư mạnh.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới, không đánh đổi đầu tư bằng mọi giá thì cần phải rà soát, xem xét lại các quy chuẩn môi trường.

Thủ tướng yêu cầu rà soát quy chuẩn môi trường trong 2017

Trong Chỉ thị số 25 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phải rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hoàn thành trong năm 2017.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại