Vì sao Trung Quốc quyết trừng trị “con hổ” Chu Vĩnh Khang?

Chu Vĩnh Khang được mệnh danh là “trùm an ninh” của Trung Quốc vì từng giữ chức Bộ trưởng Công an và là Chủ tịch Hội đồng chính trị và pháp luật Trung ương Đảng.

Hồi cuối tháng Tám, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời từ các nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc cho hay Đảng Cộng sản đã mở cuộc điều tra đối với Chu Vĩnh Khang, một trong những chính trị gia quyền lực nhất Trung Quốc trong thập kỷ qua hiện đã nghỉ hưu.

Từ hồi tháng Tư, đã có tin đồn rằng Chu Vĩnh Khang sẽ bị giới lãnh đạo mới của Trung Quốc “sờ gáy”, đặc biệt sau vụ “ngã ngựa” của Bạc Hy Lai, người có mối quan hệ thân thiết với ông Chu. Ông Chu đã từng đề xuất ông Bạc lên thay vị trí Ủy viên thường trực Bộ chính trị của ông. Ông Chu cũng được cho là một trong số ít ỏi lãnh đạo Đảng Cộng sản bảo vệ Bạc Hy Lai cho tới cùng.

Gần đây, chính phủ Trung Quốc tiến hành chống tham nhũng trong ngành công nghiệp dầu khí và đã bắt giữ nhiều lãnh đạo của ngành này. Đáng chú ý là ông Chu có mối quan hệ mật thiết và được cho là đã thu được những khoản tiền lớn bằng cách lạm dụng chức vụ của mình.

Mặc dù cuộc điều tra đối với ông Chu khác về bản chất so với vụ “ngã ngựa” của ông Bạc, nhưng ở một góc độ nào đó, vụ của ông Chu lại có tầm quan trọng lớn hơn đối với chính trường Trung Quốc.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng khẳng định: “Không một ủy viên thường trực Bộ chính trị nào – dù đã nghỉ hưu hay còn đang đương chức – bị điều tra vì các tội danh kinh tế (một cụm từ dùng để ám chỉ tham nhũng) kể từ khi Cách mạng văn hóa chấm dứt cách đây gần 40 năm”.

Do đó, nếu Chu Vĩnh Khang bị truy tố, rất có khả năng vụ án sẽ gây những tác động sâu sắc về vấn đề chuyển giao quyền lực trong tương lai. Một số nhà quan sát nhận định rằng, việc chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc ngày càng được thể chế hóa hơn do đó diễn ra trôi chảy hơn trước đây.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Đảng mãn nhiệm vẫn tìm cách “gài” đồng minh của mình vào các vị trí then chốt để bảo vệ bản thân và gia đình lúc về hưu. Động cơ trên sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn sau khi một cựu Ủy viên thường trực Bộ chính trị bị bắt và truy tố vì những hành vi của mình trong quá khứ.

Trong trường hợp xấu nhất, một số nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc có thể sẽ tìm mọi cách để tại vị do lo sợ những hậu quả họ phải gánh chịu khi không còn nắm quyền lực trong tay. Nếu kịch bản đó trở thành hiện thực, chế độ nghỉ hưu bắt buộc sẽ bị gián đoạn.

Đảng Cộng sản Trung Quốc hiểu rất rõ điều này và có thể sẽ tìm cách trấn an rằng vụ của ông Chu chỉ là trường hợp ngoại lệ và các ủy viên thường trực Bộ Chính trị sẽ vẫn được miễn truy tố suốt đời.

Theo tác giả Zachary Keck trên tờ Diplomat, điều đó sẽ không quá khó do vụ của ông Chu về bản chất là vụ án chính trị mặc dù bề ngoài ông sẽ bị xét xử về các tội danh tham nhũng. Chắc chắn vì đã ủng hộ Bạc Hy Lai nên ông Chu bị “chọn” làm “vật thế mạng” cho chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình.

Chu Vĩnh Khang có mối quan hệ mật thiết với Bạc Hy Lai.

Theo Thời báo tài chính (Financial Times), sau khi ông Bạc “ngã ngựa”, ông Chu bị buộc phải tiến hành một buổi “thú tội” rất bẽ mặt với các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Quyền lực của ông Chu cũng bị giảm đáng kể ngay trước khi ông rời bỏ vị trí Chủ tịch Hội đồng chính trị và pháp luật trung ương Đảng. Ngoài ra, do ủng hộ Bạc Hy Lai, ông Chu cũng bị các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tước quyền chọn lựa người kế vị làm Ủy viên thường trực Bộ chính trị.

Để hạn chế tầm ảnh hưởng của vụ Chu Vĩnh Khang đối với các nhà lãnh đạo trong tương lai, có khả năng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ “nhẹ tay” đối với ông Chu và người thân. Vấn đề then chốt ở đây là Đảng Cộng sản sẽ làm sao hành động vừa đủ để xoa dịu dư luận mà không khiến các nhà lãnh đạo cấp cao hiện nay và trong tương lai thấy hoang mang.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại