Vì sao Putin không cần dùng đến súng ống với Ukraine?

Moscow chưa bao giờ không cần tới Kiev. Với người Nga, Ukraine quan trọng với Nga như với chính người Ukraine vậy.

Trong bối cảnh phe đối lập đang giành ưu thế sau khi lật đổ được chính quyền Tổng thống Yanukovych mà Nga từng hậu thuẫn, lãnh đạo phong trào này cũng như giới quan sát nước ngoài đang phỏng đoán xem người đàn ông quyền lực nhất Nga (và cả thế giới) sẽ làm gì để đáp trả.

Một phần là vì quá bận bịu với Thế vận hội mùa đông hoành tráng ở Sochi nên Tổng thống Putin không ‘ra mặt’ nhiều trước các diễn biến liên tục thay đổi ở Kiev. Ngay cả khi Yanukovych bỏ trốn, một chính phủ lâm thời không hợp hiến tại Kiev được dựng nên, Putin vẫn kín tiếng.

Thay vào đó, ông để cho Thủ tướng Dmitry Medvedev lên tiếng và phản đối các quốc gia châu Âu đã công nhận chính quyền lâm thời ‘tự dưng’ được bầu ở Kiev. Còn phần mình, Putin chủ trì một cuộc họp an ninh cấp cao với các quan chức trong nước, và nội dung được giữ kín.

Giả thiết khiến mọi người vừa lo sợ vừa phấn khích nhất hẳn là việc Tổng thống Nga sẽ đáp trả lại bằng hành động quân sự. Thế nên Mỹ đã ngay lập tức lên tiếng cảnh báo là Nga đừng hành động ‘sai lầm’ như vậy. Nhưng một lời răn đe như vậy phải chăng đã nhầm địa chỉ nếu như ngồi suy xét các lợi ích thật sự mà Nga đang có và muốn ở Ukraine.

Thêm vào đó, một người suy tính từng câu, từng chữ như Putin sẽ không dễ dàng có hành động khinh suất hay manh động tới súng ống, đặc biệt là với Ukraine. Nhất là khi vừa nhìn lại bài học đắng ngắt mà Kremlin từng nhận được sau khi đưa quân vào Afghanistan những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước.

Về tầm quan trọng của Ukraine với Nga, chưa bao giờ Moscow không cần tới Kiev. Có thể nhiều người Ukraina muốn trở thành người châu Âu, nhưng thực tế, với người Nga, Ukraine quan trọng với Nga như với chính người Ukraine vậy.

Xét về mặt an ninh quốc gia, Ukraine đóng vai trò không khác gì Scotland với nước Anh, hay là Texas với Mỹ. Nếu rơi vào tay kẻ thù thì cả ba vùng đất này đều gây ra mối đe dọa sống còn tới ba quốc gia trên.

Xét về mặt chiến lược, Ukraina đóng vai trò là vùng đệm cho Nga. Sức mạnh của Nga được bảo toàn một phần nhờ dãy Carpathians ở Ukraine. Dãy núi này không phải là không thể thâm nhập được, mà đơn giản là không phải đội quân nào cũng dễ dàng qua đây.

Ngoài ra, Ukraine án ngữ cửa ngõ của Nga ra biển Đen và kế đó là Địa Trung Hải. Các cảng Odessa và Sevastopol vừa là nơi Nga thông thương, vừa là nơi hải quân Nga ra vào.

Với châu Âu, Ukraine chỉ có giá trị khi mà một cường quốc nào đó tính cách gây chiến và muốn đánh bại Nga, như những gì mà người Đức từng cố làm trong Thế chiến II. Còn lúc này, do cả Mỹ và châu Âu đều không nghĩ tới một cuộc chiến gần với quân đội Nga, nên Ukraine không phải là mục đích tối thượng.

Nhưng nếu là người Nga, thì Ukraine là vấn đề nền tảng, bất kể ai đó toan tính gì vào lúc này. Năm 1932, nước Đức không với được đi đâu xa xôi, nhưng tới năm 1941, Berlin đã chinh phục lục địa châu Âu và tiến sát vào trái tim nước Nga.

Từ bài học trong lịch sử lâu dài và đau thương, hơn ai hết, Moscow hiểu rằng đừng bao giờ lên kế hoạch mà chỉ dựa vào việc các nước khác có thể làm, hoặc nghĩ gì vào thời điểm hiện tại. Và cũng vì lý do đó, nên tương lai của Ukraine chưa bao giờ được coi là chuyện ngẫu nhiên với Moscow.

Ukraina, Kiev, Địa Trung Hải, Sochi, Vladimir Putin, Kremlin
Hạm đội Biển Đen của Nga tại cảng Sevastopol, Ukraina. Ảnh: BBC

Còn hiện nay, thực sự Moscow cần Kiev tới mức nào? Câu trả lời là: Không nhiều như mọi người vẫn nghĩ.

Vì nguyên nhân cơ bản là lúc này, Nga không tìm cách để trở lại làm một đế chế như xưa. Họ chỉ muốn có một vùng ảnh hưởng, và điều này hoàn toàn khác so với những gì Sa Hoàng Nga từng thèm khát. Kremlin không muốn chịu trách nhiệm về Ukraine hay bất kỳ quốc gia nào khác. Họ cho rằng trách nhiệm gánh vác người khác trên vai lúc này chỉ khiến Nga thêm nhọc sức.

Điều mà Moscow muốn lúc này là kiểm soát Ukraina ở một mức độ nhất định, sao cho không có lực lượng thù địch nào có thể kiểm soát được quốc gia này, đặc biệt là NATO và Mỹ. Nga cũng bằng lòng với Ukraine có chủ quyền của riêng họ, miễn sao Kiev không trở thành mối đe dọa trực tiếp cho Nga, và đường ống dẫn dầu tới châu Âu vẫn chảy qua đây một cách bình yên.

Do vậy, lãnh đạo Nga chẳng cần phải ‘thừa nước đục thả câu’ để hưởng lợi từ việc ai sẽ lên nắm quyền ở Ukraine khi mà các lợi ích của Nga không bị đe dọa, mà trong trường hợp này đó là an ninh của những tộc người Nga và hạm đội Biển Đen của Nga tại Crưm (Crimea).

Riêng về phần Tổng thống thất sủng Victor Yanukovich, Kremlin cũng không quá ưa chuộng nhân vật này vì ông này dù không tán thành việc gia nhập NATO, song vẫn ngả theo Liên minh châu Âu, thậm chí có lúc còn từ chối mua khí đốt của Nga. Do vậy, đây cũng không phải là gương mặt để Moscow hoàn toàn tin cậy.

Còn với lãnh đạo phe đối lập? Putin thậm chí còn có lợi hơn nếu như bà Yulia Tymoshenko lên nắm quyền. ‘Nữ hoàng tóc tết’ vừa xinh đẹp vừa tài năng Tymoshenko là người duy nhất đồng ý mua khí đốt của Putin khi bà giữ chức Thủ tướng năm 2009 với giá ‘ đắt cắt cổ’, và khiến cho nền kinh tế Kiev trở nên mong manh hơn bao giờ hết trước sức ép của Moscow.

Thay vào đó, Nga muốn nương dựa vào Ukraina thông qua sự gắn kết về mặt dân tộc, về lịch sử và văn hóa lâu đời, bành trướng kinh tế, và tất nhiên là cả các tính toán chiến lược về mặt quân sự. Kiev cổ xưa là một trong những cái nôi của văn hóa Nga. Đến nỗi, tranh cãi về chuyện Ukraina đã sinh ra Nga hay ngược lại là đề tài không bao giờ chấm dứt.

Nhưng từ đây để thấy rằng điều quan trọng hơn thảy là, khi hiểu được mối quan hệ gần gũi ruột thịt giữa hai nước cùng chung dòng máu slavơ, thì với Moscow, việc khuất phục Kiev bằng quân sự là không cần thiết.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại