Ukraine: 5 lý do Mỹ mạnh miệng mà không thể mạnh tay hơn với Nga

Mạnh Thành |

(Soha.vn) - Cựu Đại sứ Mỹ ở Ukraine John Herbst cho rằng thật đáng "xấu hổ" khi Mỹ không áp đặt những biện pháp trừng phạt tài chính mạnh tay hơn nữa với Nga.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chịu nhiều chỉ trích sau khi công bố các biện pháp trừng phạt Nga vì những động thái mạnh mẽ của nước này ở Ukraine. Nhiều chính trị gia và các nhà phân tích Mỹ cho rằng Obama đang tỏ ra yếu thế, còn các biện pháp trừng phạt này lại quá nhẹ tay để khiến Nga phải lùi bước. Trong khi Nga tiếp tục có những bước đi cương quyết trong vấn đề Ukraine thì Mỹ vẫn chỉ liên tục đưa ra cảnh báo Nga sẽ phải "trả giá", đồng thời đe doạ tăng trừng phạt.

Theo tờ Businessweek, có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ nên thôi chờ đợi châu Âu mà hãy cứ tiếp tục hành động, áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn ngay bây giờ. Tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ đã nhắm vào ngân hàng lớn thứ 17 của Nga, Bank Rossiya, cũng được cho là ngân hàng được các quan chức hàng đầu điện Kremlin hay sử dụng nhất. Tuy nhiên, ông Dov Zakheim, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Bush trong chiến dịch tranh cử năm 2000, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đặt câu hỏi "Vì sao không phải là nhắm vào ngân hàng lớn thứ 10?. Chúng ta đang tiến từng bậc quá chậm chạp và điều đó làm tổn hại uy tín của chúng ta". Ông này gợi ý rằng mỹ có thể ngăn các chuyến bay thương mại từ Nga tới Mỹ, đồng thời triển khai 2 lữ đoàn quân sự tại Ba Lan, "điều này sẽ bắt họ phải chú ý".

Về phần mình, cựu Đại sứ Mỹ ở Ukraine John Herbst cho rằng thật đáng "xấu hổ" khi Mỹ không áp đặt những biện pháp trừng phạt về tài chính mạnh tay hơn nữa với Nga, ví dụ như cấm các công ty năng lượng nhất định của Nga không được tiếp cận thị trường vốn của Mỹ hay phối hợp với Anh ngăn chặn các ngân hàng Nga làm ăn ở London.

Lực lượng ủng hộ Nga tại Kramatorsk, Ukraine

Lực lượng ủng hộ Nga tại Kramatorsk, Ukraine

Trong một bài phân tích mới đây được đăng trên tờ Businessweek, biên tập viên Matthew Philips nhận định rằng, "Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu đang tiến gần hơn tới việc áp đặt trừng phạt kinh tế nghiêm khắc đối với Nga, thì Mỹ lại đang thấy mình bị mắc kẹt lại". Tác giả này cũng đưa ra 5 lý do vì sao Mỹ không thể mạnh tay với Nga về vấn đề khủng hoảng ở Ukraine.

Dưới đây là 5 lý do mà biên tập viên Matthew Philips đưa ra trên từ Businessweek:

Mỹ thiếu những bằng chứng rõ ràng để có thể tăng cường trừng phạt Nga. Sau khi Crimea sáp nhập vào Nga, nếu các lực lượng của nước này tiến vào miền Đông Ukraine thì điều đó đồng nghĩa với việc Nga đã vượt "lằn ranh đỏ", và Mỹ có quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt sâu rộng và mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên tình hình lại trở nên nên không rõ ràng: Chính quyền của Tổng thống Obama tin chắc rằng điện Kremlin đã chỉ đạo những cuộc biểu tình ở miền Đông Ukraine nhưng lại không thu thập được nhiều bằng chứng về việc đó.

 

Biên tập viên Matthew Philips của tờ Businessweek, trực thuộc hãng tin Bloomberg.

Biên tập viên Matthew Philips của tờ Businessweek, trực thuộc hãng tin Bloomberg.

Có những báo cáo rằng một số lượng nhất định những chiến binh ủng hộ Nga ở miền Đông Ukraine đã tự giới thiệu mình là binh sĩ quân đội Nga, còn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đưa ra các thông cáo báo chí nhằm chứng minh sự hỗ trợ của Nga trong việc gây bất ổn ở Ukraine. Tuy nhiên, tới bây giờ, việc thiếu các bằng chứng thuyết phục hơn về sự liên quan trực tiếp của Nga, cùng với việc Putin đã gọi điện cho Obama và các lực lượng của Nga vẫn tập trung khá đông tại bên kia biên giới Ukraine, rất khó để Mỹ gia tăng áp lực và áp đặt biện pháp trừng phạt toàn diện trên toàn ngành.

Châu Âu vẫn cần phải đồng lòng. Cho tới khi Thủ tướng Đức Angela Markel có thể thuyết phục được những người bạn Châu Âu của mình cương quyết hơn trong việc chống lại Nga thì Mỹ có lẽ vẫn phải chờ đợi. Cựu cố vấn an ninh của Phó Tổng thống mỹ John Biden, Julianne Smith cho rằng: "Mỹ giờ đây đang ở thế bí. Nếu chúng ta không thể có được sự hợp tác của Châu Âu thì những biện pháp trừng phạt thêm nữa sẽ không có tác dụng mạnh. Chúng sẽ không thể phát huy đủ tác dụng nếu châu Âu không tham gia với chúng tôi".

Sẽ có rủi ro nếu hành động một mình, và hiện không rõ liệu rủi ro đó xứng đáng với những thành quả hạn chế mà nó sẽ mang lại. Mặc dù chính quyền Mỹ đang được khuyến khích bởi những thành công của các biện pháp trừng phạt khắc khổ đối với Iran, song Nga lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Iran vốn đã khá cô lập và các biện pháp trừng phạt đầy khắc nghiệt có hiệu lực vào năm 2012 đối với nước này là sự kết hợp giữa các sắc lệnh của Tổng thống, nghị quyết của Liên Hợp Quốc cùng luật pháp của Quốc hội. Trong khi đó, Nga là nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới.

Mỹ thậm chí không nắm trong tay biện pháp trừng phạt quan trọng nhất. Châu Âu đang có mối quan hệ về kinh tế chặt chẽ hơn rất nhiều, và các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với một bộ phận rộng lớn của nền kinh tế Nga sẽ có hiệu quả hơn so với của Mỹ. Thương mại giữa Mỹ và Nga chỉ đạt tới con số 40 tỉ USD vào năm ngoái, tức là khoảng 1% tổng giá trị thương mại của Mỹ, theo số liệu từ Bộ Thương mại nước này.

Còn có những tác động ngược trở lại khác cần phải xem xét. Nếu Mỹ nhắm vào lĩnh vực năng lượng của Nga, cắt đứt giao thương hoặc cấm các công ty Mỹ làm ăn ở đây thì việc này có thể gây nên những thiệt hại nhất định cho một số tập đoàn lớn của Mỹ. Ví dụ, tập đoàn Boeing vẫn đang phải phụ thuộc vào Serbia về titan và đã đầu tư 7 tỉ USD vào Nga kể từ đầu những năm 1990. Công ty này cũng lên kế hoạch đầu tư 18 tỉ USD để mua titan của Nga trong thập kỉ tới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại