Trung Quốc vừa dọa vừa xoa khi thợ mỏ biểu tình đòi nợ lương

Vĩnh Thụy |

Sau vụ thợ mỏ than biểu tình đòi nợ lương ở thành phố Song Nga Sơn (tỉnh Hắc Long Giang), Trung Quốc đã có động thái vừa dọa vừa xoa, yêu cầu chủ lao động trả lương ngay nhưng...

Báo The Wall Street Journal (WSJ) đưa tin vụ biểu tình đòi nợ lương đã có phản ứng tức khắc của Bắc Kinh: Trung Quốc vừa dọa vừa xoa với lệnh buộc tập đoàn than nhà nước Longmay phải trả lương ngay, để thợ mỏ thôi xuống đường.

Nhưng nếu thợ mỏ vẫn tiếp tục biểu tình thì sẽ bị công an bắt ngay.

Nỗ lực này phản ánh nỗi lo sợ lâu nay của chính phủ: những cuộc đình công trong lúc chính phủ đang muốn tái cơ cấu các tập đoàn nhà nước làm ăn thua lỗ, cải cách doanh nghiệp nhà nước và giảm năng suất lao động dư thừa, nhất là trong ngành khai thác quặng mỏ, vào lúc kinh tế TQ lao dốc.

Theo WSJ, các quan chức TQ luôn có những cách “tháo ngòi” những cuộc biểu tình-đình công bằng chiêu thức “vừa dọa vừa xoa”: cấp tiền để trả lương, ép buộc và hứa đền bù.

Người TQ gọi đây là “chiến lược mua sự ổn định”, còn WSJ nêu “chiêu” kéo giảm sự phẫn nộ này là một phần “có ghi trong sách” của chính quyền TQ.

Tập đoàn nhà nước chỉ mải “ăn” vào tài nguyên quốc gia

Giới chuyên gia nhận định việc lao động ngành mỏ bất mãn cho thấy những thách thức mà Bắc Kinh đang đối mặt khi tái cơ cấu kinh tế,

Longmay là bài thuốc thử cho quyết tâm tái cơ cấu các tập đoàn nhà nước không quyết tâm cạnh tranh, chỉ chăm chăm “hút cạn” nguồn tài nguyên và cản trở cuộc chuyển mình thành một nền kinh tế hướng nhiều hơn về dịch vụ và người tiêu dùng.

Khi ngành than TQ bùng nổ, các mỏ nhà nước ở đông bắc TQ từng tuyển dụng hàng trăm ngàn thợ. Họ được trả lương đều nhờ giá than luôn tăng lên.

Nhưng nguồn cầu than giảm mạnh khi nền kinh tế TQ giảm tốc. Mức tiêu thụ than (để có năng lượng cho ngành công nghiệp) giảm 3,7% trong năm 2015.

Longmay đang hoạt động không hiệu quả và nợ nần, buộc chính quyền tỉnh Hắc Long Giang phải xin ngân hàng cho vay.

Khoản tiền lương trả cho thợ mỏ Longmay rất lớn đối với chính quyền Hắc Long Giang, tỉnh giáp biên giới Nga, với nhiều tập đoàn nhà nước đang chật vật tồn tại.

Theo các cán bộ tỉnh, Longmay có khoảng 224.000 lao động ở 40 mỏ. Hồi tháng 9.2015, Longmay đã lên kế hoạch sa thải 100.000 thợ.

Ông Lục Hạo, chủ tịch tỉnh Hắc Long Giang, cho biết Longmay “tốn” 48 lao động cho mỗi 10.000 tấn than sản xuất được.

Khi họp quốc hội TQ, ông Lục nói với các nhà báo: Longmay phải cắt giảm sâu số lao động, nhưng ông tin tưởng người mất việc sẽ tìm được việc làm.

Ông cho các nhà báo xem phim tư liệu về lĩnh vực bò sữa và du lịch của Hắc Long Giang, nói số thợ mỏ mất việc được cấp việc làm mới, một số sẽ chuyển qua mảng nông nghiệp, vì các nông trại nhà nước ở phương đã khai hoang thêm đất trồng trọt, còn cục lâm nghiệp nói đã tăng diện tích đất rừng để tạo việc làm.

Ông khẳng định Longmay không hề nợ lương công nhân. Ông nói: “Longmay có 80.000 nhân công làm việc dưới mỏ và nay, không người nào chưa được lãnh lương tháng, thu nhập của họ không bị giảm một xu”.

Tuyên bố của ông Lục khiến nhiều thợ mỏ ở thành phố Song Nga Sơn 1,5 triệu dân phẫn nộ. Hàng trăm nhân công bắt đầu biểu tình trước trụ sở chính quyền tỉnh và văn phòng Longmay từ ngày 9.3, trong sự kiểm soát của công an.

Thợ mỏ đòi lãnh đạo Longmay trả nợ lương nhiều tháng. Họ cũng lo bị thất nghiệp. Họ trương biểu ngữ: “Chúng tôi cần sống, phải được ăn”. Biểu ngữ khác viết: “Lục Hào nói láo trong khi mắt ông ta mở to”.

Sau đó, ông Lục thừa nhận ông nói sai về chuyện lương đã được trả, lương công nhân đang bị nợ đọng và ông giận dữ đổ lỗi cho cấp dưới làm ông tuyên bố hớ.

Ngày 14.3, cuộc biểu tình đã hạ nhiệt, khi Longmay bắt đầu trả lương nợ 2 tháng, theo các công nhân cho biết. Một sĩ quan ở ở công an thành phố xác nhận có cuộc biểu tình nhưng không giải thích chi tiết.

Đa số thợ mỏ ở Song Nga Sơn trong nhóm 1,8 triệu thợ mỏ than và thép bị mất việc trong 5 năm tới, theo kế hoạch của Bắc Kinh.

"Chính quyền địa phương không dễ bỏ rơi xác sống"

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã kêu gọi phải tái cơ cấu các tập đoàn nhà nước làm ăn lụn bại, còn quốc hội đang họp bàn cách giảm kinh phí và nhân công ở ngành mỏ và ngành công nghiệp nặng vốn đang sản xuất thừa, nạn thất nghiệp gia tăng vì ngành công nghiệp nặng thừa nhân lực lao động.

Tỉ lệ thất nghiệp của TQ hiện đứng ở mức 5,1% vào tháng 1 và tháng 2.2016.

Các nguồn tin cho Reuters hay: trong 2,3 năm tới, TQ có thể sa thải từ 5-6 triệu công nhân viên chức nhà nước, nhằm kéo giảm thừa nhân lực và giảm ô nhiễm môi trường.

Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường đã cam kết chính phủ sẽ cấp 100 tỉ Nhân dân tệ (15,48 tỉ USD) trong quỹ tái cơ cấu để trả lương thâm niên cho thợ mỏ, tái đào tạo và tái định cư cho nhân công mất việc, trong quá trình thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Đây là một phần trong kế hoạch 5 năm mà quốc hội TQ thông qua trong phiên bế mạc kỳ họp.

Các tập đoàn nhà nước đang chật vật với số nhân công thừa thải, trong khi các nhà kinh tế học nói: TQ cần cắt giảm nhân công thật sâu để rút lại khả năng công nghiệp thừa thải, chuyển hướng lao động và nguồn vốn cho các ngành công nghiệp làm ăn tốt hơn.

Nhưng TQ đang khuyến khích các doanh nghiệp giữ công nhân, thường là chấp nhận giảm giờ lao động và giảm lương, nhằm tránh các cuộc biểu tình-đình công tiếp diễn.

Cái giá phải trả là trì hoãn sự chuyển hướng kinh tế. Một số tập đoàn làm ăn lụn bại trông chờ sự hỗ trợ của chính phủ để tiếp tục tồn tại, như Longmay được giảm thuế và “bồi” thêm tiền để tập đoàn này không bị phá sản trên thị trường chứng khoán.

Jenny Huang, nhà phân tích của Fitch Rating ở Thượng Hải nói: “Chính quyền địa phương không dễ bỏ rơi những công ty xác sống”.

Các công ty, tập đoàn và các cơ quan chính phủ đang có nhiều bước để chặn nạn thất nghiệp. Năm ngoái, các doanh nghiệp có thể nộp “đơn xin” lại từ cơ quan bảo hiểm thất nghiệp nhằm giữ chân công nhân hoặc tái đào tạo tay nghề cho họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại