Trung Quốc: Quan chức giả siêu tinh vi lộ tẩy vì ảnh nóng

Hồng Anh |

(Soha.vn) - Khoác lên mình dáng vẻ tự tin của một quan chức đứng đầu ủy ban mang danh nhà nước, sở hữu siêu xe đắt tiền, Li Guangnian đã tạo cho mình một vỏ bọc khá vững chắc, nhằm lừa tiền của những người nhẹ dạ.

“Vỏ bọc của hổ”

Dang Jinguo, một cựu nhân viên của Li cho biết: “Diện mạo và cách cư xử của ông ta rất giống một nhà lãnh đạo. Ông ta tự tin và không ai dám chống lại ông ta. Khi ông ta nói chuyện, bạn có thể đọc được uy thế của ông ta trong từng câu chữ”.

Li tự giới thiệu mình là giám đốc Ủy ban Điều tra Động lực Trung Quốc, một cơ quan nhằm hỗ trợ Đảng hiểu rõ hơn về những mối quan tâm của người dân. Cơ quan này của Li không may mảy bị người dân, hay thậm chí là một vài quan chức địa phương nghi ngờ, bởi về lý thuyết, chỉ có các tổ chức có liên hệ với chính quyền trung ương mới được sử dụng chữ “Trung Quốc” trong tên gọi của mình.

Li rêu rao rằng ủy ban của ông ta được cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân bảo trợ, và để tăng thêm phần thuyết phục, một bức thư pháp mà Li khẳng định rằng do chính cựu Chủ tịch Giang phóng bút được treo trang trọng tại trụ sở chính. Ủy ban này còn khoe rằng đích thân các lãnh đạo hàng đầu chính phủ đã viết thư chúc mừng thành tích mà ủy ban này đạt được.

	Văn phòng của Li tại Ủy ban Điều tra động lực Trung Quốc được

Văn phòng của Li tại Ủy ban Điều tra động lực Trung Quốc được "trang hoàng" bởi biểu trưng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bức ảnh chụp Li bắt tay một số người được cho là quan chức và tủ kính đựng "tài liệu mật".

Luật sư Yi Shenghua gặp Li lần đầu năm 2011 khi giúp một người bạn đòi lại nửa triệu USD. Theo ông, Li đã cầm số tiền này và hứa hẹn giúp một người đang thụ án được ra tù, song việc không thành. “Ông ta khoe khoang, nhưng không phải bằng lời nói. Thay vào đó, ông ta dựa vào những bức ảnh chụp với những người có tiếng tăm… Ông ta ẩn mình trong vỏ bọc của hổ để dọa nạt mọi người...Li luôn cố gắng để thể hiện địa vị quan chức của mình và mối liên hệ của mình với chính phủ".

Tuy nhiên, ngay lúc đó, luật sư Yi đã nhận thấy sự khoa trương ở ủy ban này có phần vô lý - những bức ảnh chụp Li cười với những người trông giống như các quan chức mà Yi chưa từng được nghe tới tên, được treo một cách nổi bật, những tập “tài liệu mật” lại được cất trong tủ kính, website phô trương quá mức so với thiết kế đơn giản của website chính phủ, Li từ chối đưa ra giấy phép hoạt động của Ủy ban khi được yêu cầu.

Thân phận của Li chỉ bị lộ tẩy khi những bức ảnh chụp Li, không mặc áo, thân mật bên cạnh một phụ nữ trẻ tuổi được đăng tải trên mạng. Trong khi người dân nước này cho rằng lại thêm một vụ bê bối tham nhũng của quan chức bị bại lộ thì chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận tư cách Đàng viên của Li và sự liên quan của ủy ban do ông ta sáng lập với chính quyền.

	Một trong những bức ảnh khiến Li lộ tẩy thân phận quan chức giả mạo của mình.

Một trong những bức ảnh khiến Li lộ tẩy thân phận quan chức giả mạo của mình.

Khó phân biệt thật – giả

Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời Giáo sư Qiao Xinsheng tại Đại học Luật và Kinh tế Zhongnan cho biết nếu chính quyền địa phương muốn nhận được thêm sự kinh phí hoặc các nguồn lực, thì sự ủng hộ của trung ương là cần thiết. Một vài chính quyền địa phương đã không kiểm tra lí lịch mà vội vàng đặt niềm tin mù quáng vào những người khẳng định mình có mối quan hệ, hoặc là đại diện của chính quyền trung ương.

Trong khi đó, các tổ chức giả mạo cũng bắt chước cơ cấu và cách vận hành của một cơ quan chính phủ thực sự, luôn tự nhận là tuân theo hướng dẫn của những quan chức cấp cao hơn. Những kẻ lừa đảo cũng rất thành thục trong việc bắt chước cách cư xử, ăn mặc, phong thái, cách nói năng của quan chức thực sự, thậm chí còn đi “vi hành” tới các vùng sâu vùng xa.

Thời báo Hoàn Cầu nhận định, với quy mô của chính phủ Trung Quốc, rất khó để phân biệt cơ quan giả và thật, đồng thời cũng khó để kiểm tra lý lịch, bởi rất ít thông tin về họ được công khai.

Lí giải cụ thể hơn, ông Wang Yukai, Giáo sư học viện Quản trị Trung Quốc cho rằng đơn giản là bởi có quá nhiều cơ quan và ủy ban. Việc quản lý, giám sát của họ chưa được chuẩn hóa, tạo kẽ hở cho những kẻ giả mạo, trong khi đó, các cơ quan cấp cao hơn lại không thể theo sát và phát hiện sai phạm kịp thời.

Trước đó, hồi tháng 3, Zhao Xiyong, 58 tuổi, cũng bị bắt vì giả danh quan chức cấp cao của chính phủ trung ương. Trong suốt 2 năm, Zhao đã sử dụng thân phận quan chức , đi công tác tại Vân Nam, Hồ Nam và được các chính quyền địa phương tiếp đón. Mọi chuyện chỉ bị bại lộ khi Cơ quan Nghiên Cứu của Hội đồng nhà nước nói rằng không có nhân viên nào tên như vậy, và cũng không cử ai tới điều tra lại Vân Nam.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về địa chỉ email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại