Tiết lộ chiếc máy bay đặc biệt chuyên chở bệnh nhân Ebola

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Chi phí vận chuyển bác sĩ người Mỹ nhiễm Ebola về nước tốn hàng triệu USD. Sau khi bệnh nhân đã rời máy bay, phần lồng nhựa cách ly sẽ được đốt bỏ.

Khi 2 bệnh nhân Ebola người Mỹ, bác sĩ Kent Brantly và tình nguyện viên Nancy Writebol, được đưa về nước từ Liberia đầu tháng này, họ di chuyển trong 1 chiếc Gulfstream III đặc biệt, chuyên dùng cho công tác vận chuyển, của hãng hàng không tư nhân Phoenix Air.

Chiếc Gulfstream III này, cùng với 2 chiếc khác cùng loại, bắt đầu phục vụ cho không quân Đan Mạch cách đây 32 năm, chủ yếu cho các nhiệm vụ tuần tra hàng hải và ngư nghiệp quanh đảo Greeland và quần đảo Faroe. Mang số hiệu F-313, nó cũng từng nhiều lần được dùng để chở Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe Đệ nhị.

Với tầm hoạt động 6700km, tốc độ tối đa 930km/h, Gulfstream III là một mẫu máy bay bền bỉ, có sức mạnh vượt trội so với những máy bay cùng kích cỡ. Đại úy Lars Bo Jensen thuộc không quân Đan Mạch cho biết: “Gulfstream III rất phù hợp cho những loại nhiệm vụ như vậy, nó có độ ổn định cao khi chúng tôi bay ở độ cao thấp. Chúng tôi cũng nhiều lần hạ cánh xuống những đường băng đầy sỏi đá, băng tuyết.”

Chiếc máy bay khi còn thuộc biên chế không quân Đan Mạch

Không quân Đan Mạch sau đó thực hiện nâng cấp, gắn một cửa hông lớn để di chuyển bệnh nhân từ đảo Greenland sang Đan Mạch. Tháng 1/2005, hãng Phoenix Air của Mỹ mua lại cả 3 chiếc Gulfstream III này và tiếp tục dùng chúng cho dịch vụ vận chuyển bệnh nhân liên lục địa. Nhờ vào cửa hông rất rộng của mình, chúng còn thích hợp để vận chuyển những kiện hàng  hay thiết bị y tế lớn.

Cửa hông lớn được gắn thêm cho công tác vận chuyển y tế
Bên trong máy bay

Phoenix Air cũng là một đối tác quen thuộc của quân đội Mỹ. Họ có những chiếc Learjet, với sọc vằn đen đặc trưng, được thuê để giả lập những vụ tấn công vào tàu chiến trong các cuộc tập trận, huấn luyện.

Một chiếc Learjet của Phoenix Air

Thiết bị cô lập mà Phoenix Air dùng khi vận chuyển 2 bệnh nhân Ebola người Mỹ cũng là sản phẩm phát triển chung giữa hãng này và Lầu Năm Góc cách đây 5 năm. Khi đó nó được dự tính dùng cho những bệnh nhân mắc bệnh hô hấp như H1N1, SARS…

Được gọi là Hệ thống cách ly sinh học hàng không (ABCS), thiết bị này cô lập hoàn toàn bệnh nhân trong suốt chuyến bay. Những nhân viên y tế đi cùng máy bay không cần phải mặc đồ bảo hộ chuyên dụng. Áp suất không khí bên trong chiếc lồng nhựa của ABCS được duy trì thấp hơn áp suất bên ngoài, để nếu bị thủng thì không khí bên trong không thoát ra ngoài được. Các cảm biến áp suất cũng sẽ báo động nếu phát hiện lồng cách ly bị thủng lỗ.

Không khí vào và ra ABCS đều đi qua bộ lọc, sau đó được cho thoát ra ngoài ở đuôi máy bay. Bên trong lồng cách ly có sẵn các thiết bị y tế cần thiết. Sau khi bệnh nhân đã rời máy bay, phần lồng nhựa cách ly sẽ được đốt bỏ. Còn máy bay sẽ được tẩy trùng qua nhiều giai đoạn, kéo dài 6 giờ đồng hồ.

Thiết bị ABCS

Toàn bộ chi phí di chuyển do tổ chức từ thiện nơi bác sĩ Brantly cộng tác chi trả. Phoenix Air từ chối tiết lộ con số chính xác, nhưng theo ước tính có thể lên đến hàng triệu USD. Các chuyến bay còn có sự hỗ trợ từ nhiều cơ quan thuộc chính phủ Mỹ như Bộ ngoại giao, Bộ quốc phòng, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh…

Trên đường tới Liberia, máy bay dừng lại tại một căn cứ không quân, do Mỹ và Bồ Đào Nha cùng vận hành, trên quần đảo Azores ngoài khơi Tây Phi. Điểm cuối trên hành trình trở về, nơi các bệnh nhân được đưa xuống máy bay, là căn cứ không quân Dobbins.

Xe cứu thương chở Nancy Writebol từ căn cứ Dobbins về bệnh viện

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại