Tác giả "thuyết TQ sụp đổ" dự đoán xung đột trên Biển Đông

Hải Võ |

Tác giả của "thuyết Trung Quốc sụp đổ" mới đây dự đoán Biển Đông có thể là điểm bùng phát Thế chiến III, trong khi Đối thoại Shangri-la được cho là sẽ thành "đấu trường Trung-Mỹ".

Đối với thái độ cứng rắn của Mỹ trên Biển Đông thời gian gần đây, Trung Quốc cũng tỏ ra không hề kém cạnh và luôn ngang ngược tuyên bố "sẽ không dừng các hoạt động xây dựng phi pháp tại các đảo đá ở Biển Đông".

Tờ Washington Post hôm 27/5 bình luận, hành động của Mỹ là để "đối phó với sự bành trướng trên biển của Bắc Kinh" và tái khẳng định, máy bay Mỹ "hoàn toàn hợp pháp và đúng đắn" khi tiếp cận không phận các đảo đá bị Trung Quốc xâm chiếm phi pháp trên Biển Đông.

Tờ báo Mỹ bình luận, Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra vội vã trong việc thiết lập bá quyền ở khu vực, nhưng Bắc Kinh cũng không dám quá mạo hiểm và vẫn mong tránh được xung đột với Mỹ cũng như các bên liên quan.

Trước đây, mỗi khi những biện pháp "ỷ lớn bắt nạt bé" của Trung Quốc vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các nước láng giềng, Bắc Kinh đều bị buộc phải "rút lui chiến thuật".

Vì vậy, Washington Post cho rằng, Mỹ và đồng minh nên liên kết chặt chẽ để giáng đòn vào "thành trì cát" mà Trung Quốc đang ra sức xây cất một cách phi pháp trên Biển Đông.

Hoàn Cầu: "Biển Đông có trở thành khởi nguồn của Thế chiến III?"

Thời báo Hoàn Cầu cho hay, luật sư người Mỹ gốc Hoa Gordon G. Chang (Trương Gia Đôn) đã dự đoán - "Biển Đông sẽ trở thành khu vực tiếp theo bùng phát đối đầu quân sự nghiêm trọng".

Chuyên gia về Trung Quốc
Gordon G.Chang
Ông Gordon Chang là một chuyên gia về Trung Quốc, tác giả cuốn sách "Trung Quốc sắp sụp đổ" (2001). Chang luôn kiên trì với dự đoán "Trung Quốc sụp đổ" của mình và vẫn thường bị báo chí Trung Quốc đưa ra chế giễu.

"Từ nay đến khi Mỹ tung ra những hành động mạnh mẽ hơn có lẽ không còn xa nữa. Đó là điều mà Washington phải làm, bởi Trung Quốc đã xâm phạm đến những lợi ích của Mỹ (tại châu Á-Thái Bình Dương - PV)" - ông Chang nhận xét.

Thời báo Hoàn Cầu "tố", trong bài phát biểu hôm 27/5 tại Viện Brookings (Mỹ), phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "lôi Trung Quốc vào vấn đề Ukraine".

"Vấn đề Ukraine có liên quan tới phòng thủ tập thể, cũng như năng lực đối đầu với xâm lược (tức việc Mỹ cáo buộc Nga 'xâm lược' Ukraine - PV) của Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng sẽ quan tâm chặt chẽ đến tình hình Ukraine. Bọn họ muốn học tập kinh nghiệm từ đây" - ông Biden cho biết.

Nghị sĩ Michael Turner thì phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban quân sự Hạ viện Mỹ dự đoán - "Trung Quốc có khả năng dùng vũ lực giải quyết mâu thuẫn với các quốc gia láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông".

Viện nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam
Phó GS Lý Minh Giang
Khả năng xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp Trung-Mỹ trên Biển Đông là không lớn.Trung Quốc chưa tỏ rõ ý định sử dụng vũ lực để giữ các đảo đá mà nước này đã chiếm đoạt trái phép trên Biển Đông mà mới chỉ quyết liệt trên phương diện "võ mồm", xâm chiếm tài nguyên...

Shangri-la 14: "Đấu trường" Trung-Mỹ?

Trang Đa Chiều cho hay, Hội nghị diễn đàn an ninh châu Á thường niên hay còn được biết đến với tên gọi Đối thoại Shangri-la lần thứ 14 (2015) sẽ được diễn ra từ hôm nay (29/5) tới 31/5.

Theo trang này, đoàn đại biểu của Mỹ và Trung Quốc sẽ có những màn "đấu khẩu nảy lửa" về vấn đề Biển Đông vốn ngày càng trở nên nghiêm trọng, đồng thời song phương cũng sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của các bên liên quan.

Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), trước khi lên đường bay sang Singapore, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 28/5 đã tuyên bố cứng rắn, yêu cầu Trung Quốc "dừng vĩnh viễn hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông".

Trong khi đó, Đa Chiều cho biết, đoàn đại biểu tới Shangri-la của Trung Quốc năm nay đã trở nên "đáng gờm" hơn năm ngoái với sự dẫn đầu của Thượng tướng Hải quân, phó Tổng tham mưu quân giải phóng Trung Quốc Tôn Kiến Quốc.

Trước thềm Đối thoại Shangri-la, Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng nhiều lần lên tiếng tỏ thái độ hằn học và giận dữ trước việc Mỹ đưa máy bay do thám vào thực thi nhiệm vụ trinh sát ở các đảo đá mà Bắc Kinh chiếm đoạt phi pháp ở Biển Đông.

Tim Huxley - giám đốc điều hành về Châu Á  thuộc Viện nghiên cứu An ninh Quốc tế (IISS) - nói với VOA:

Viện nghiên cứu An ninh Quốc tế (IISS)
Tim Huxley
Tôi không kỳ vọng đối thoại lần này có thể giảm bớt căng thẳng trên Biển Đông, nhưng mong rằng Trung-Mỹ có thể nhân cơ hội này tỏ rõ lập trường và triển khai đối thoại đa phương.

Ông Huxley cho hay, tham gia Đối thoại Shangri-la 14 có các đại biểu đến từ châu Á, châu Mỹ và châu Âu cùng các khu vực khác, với tổng cộng 18 Bộ trưởng quốc phòng, 10 Tổng tham mưu quân đội và 4 Thứ trưởng quốc phòng.

Báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo hôm 28/5 đưa tin, tại Đối thoại Shangri-la, đoàn đại biểu Trung Quốc sẽ tham gia tất cả các hội nghị toàn thể cũng như phân nhóm, đồng thời tiến hành đối thoại với các lãnh đạo quân đội, quốc phòng của nhiều nước.

Nhân dân Nhật báo tuyên bố, tại Singapore, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh tuyên truyền chiến lược quân sự, chính sách quốc phòng, chủ trương đối với an ninh khu vực của Bắc Kinh.

Theo giới quan sát, Đối thoại Shangri-la được cho là khó có đột phá bởi những gì Trung Quốc thể hiện cho thấy họ sẽ chỉ đến Singapore để huênh hoang và tuyên bố ngông cuồng về cái mà nước này gọi là "chủ quyền" đối với các đảo đá bị Bắc Kinh chiếm đoạt phi pháp trên Biển Đông.

Những thông điệp "cửa miệng" mà Trung Quốc phát đi như "mong muốn tăng cường hợp tác đối thoại về an ninh, cống hiến cho việc thúc đẩy hợp tác an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương" hầu như không nhận được bất cứ sự quan tâm nào từ truyền thông quốc tế.

Trong một bài phân tích khác của Đa Chiều hôm 26/5, trang này nhận định Đối thoại Shangri-la 2015 rất có khả năng là cơ hội để Mỹ chính thức tuyên bố những chuyển biến trong chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Washington.

Theo Đa Chiều, các tuyên bố về chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ trước đây vốn đã được xem như "chuyện thường ngày ở huyện".

Trang này nhận định Bộ trưởng Ashton Carter cần phải thể hiện được tư duy lãnh đạo mới để đưa các quốc gia trong khu vực xích lại gần nhau trong một mối quan hệ phòng thủ mật thiết hơn.

Chuyên viên nghiên cứu John Schaus thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) nhận định:

TT nghiên cứu chiến lược & quốc tế Mỹ
John Schaus
Tại Đối thoại Shangri-la năm nay, chúng tôi kiến nghị Mỹ "định vị lại" chính sách đối với châu Á-Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đã có nhiều quốc gia và đồng minh lên tiếng hy vọng Mỹ và cộng đồng quốc tế đóng vai trò tích cực hơn trong việc gìn giữ hòa bình và tự do hàng hải tại khu vực này, thì Mỹ nên chuyển sang chú trọng đến vấn đề "làm với ai" (doing with), sau đó mới là "làm cho ai" (doing for).

Theo ông Schaus, các đồng minh và đối tác của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương "có đầy đủ năng lực cũng như sự tình nguyện giúp Mỹ thực hiện lợi ích quốc gia của mình", và các quốc gia này cũng là một phần quan trọng để Mỹ đạt được mục tiêu.

"Đồng thời, việc tăng cường mối liên kết giữa lợi ích của Mỹ và đối tác tại châu Á-Thái Bình Dương cũng góp phần giúp quá trình thực hiện mục tiêu chiến lược của Mỹ trở nên minh bạch và được tin tưởng hơn" - John Schaus bình luận.

Chuyên gia này cũng kiến nghị Bộ trưởng Carter tiến hành nhiều cuộc hội đàm song phương và đa phương, với trọng tâm đặt ở 3 chủ đề lớn: An ninh trên biển; quan hệ đối tác song phương chặt chẽ hơn; hợp tác mang tính chất kết cấu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại