Tác giả bài phát biểu chấn động thế giới: "Tôi sắp chết đói rồi!"

My Lan |

(Soha.vn) - Ông Yeb Sano đã có thể trở lại cuộc sống bình thường sau 2 tuần tuyệt thực vì khí hậu và để chia sẻ với sự khốn khó của người dân Philippines sau siêu bão Haiyan.

Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP tại Sân vận động Quốc gia Warsaw (Ba Lan), ông Yeb Sano, trưởng đoàn đàm phán Philippines tại Hội nghị Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 19 (COP19), tác giả của bài phát biểu chấn động trong phiên khai mạc ngày 11/11, chia sẻ: "Tôi sắp chết đói rồi!...Bác sĩ của tôi nói rằng tôi nên ăn lại từ từ, vì thế trong vòng 3 ngày, tôi sẽ ăn thức ăn bình thường".

Trước câu hỏi về việc sẽ ăn gì vào buổi tối thứ Bảy, sau khi COP19 kết thúc, ông cười nói: "Một ít nước rau củ".

Ông Sano chia sẻ rằng ông cảm thấy yếu dần và tới ngày thứ Bảy thì đã "kiệt sức", bởi không chỉ tuyệt thực, cũng như các đại biểu khác, vị trưởng đoàn đàm phán Philippines đã không ngủ gần 3 ngày khi tham gia các phiên đàm phán cấp cao.

Mặc dù vậy, với ông, "điều này không là gì so với những đau khổ mà đồng bào tôi ở những nơi bị siêu bão Haiyan tàn phá nặng nề nhất phải chịu đựng lúc này... cũng như rất nhiều, rất nhiều người trên thế giới đang phải đấu tranh với những tác động của biến đổi khí hậu".


	Ông Yeb Sano trong những ngày tuyệt thực vì khí hậu

Ông Yeb Sano trong những ngày tuyệt thực vì khí hậu

Nói về kết quả của COP19, ông thắng thắn: "Tôi phải nói rằng COP đã không thể đi tới một kết quả mà tôi cho là có ý nghĩa".

Tuy nhiên, ông hài lòng bởi hội nghị đã có thể đi tới sự thống nhất về việc thiết lập cơ chế "tổn thất và thiệt hại" nhằm đối phó với những tác động xấu không thể tránh được trong tương lai do biến đổi khí hậu gây ra. Cơ chế này nhằm giúp đỡ các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương trước những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão cũng như những thiệt hại do nước biển dâng hay sa mạc hóa.

Ông Sano cũng tin rằng việc siêu bão Haiyan tàn phá Philippines đã góp thêm động lực cho cuộc đàm phán năm nay của Liên Hợp Quốc.

Nhà đàm phán này cũng chia sẻ rằng ông cảm thấy lo lắng khi về nước và phải chứng kiến cảnh tượng đất nước bị tàn phá. "Tôi đã dừng xem ảnh (trên các phương tiện truyền thông) từ tuần trước bởi nó thật quá sức chịu đựng".

Một thỏa thuận nhằm phân chia mục tiêu cắt giảm phát thải carbon giữa các nước giàu và nước nghèo đã được thông qua vào những phút đàm phán cuối cùng của COP19, trong đó bao gồm việc cung cấp tài chính cho những quốc gia dễ bị tổng thương bởi biến đổi khí hậu. Đây là thỏa thuận đầu tiên mang tính pháp lý ràng buộc đối với việc cắt giảm khí thải từ than đá, ga và khí đốt. Theo dự kiến, thỏa thuận này sẽ được kí vào năm 2015 và có hiệu lực sau năm 2020.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại