"Lỗ hổng chiến lược" mà TQ không thể tránh khỏi ở Trung Đông

Ngọc Minh |

Việc tăng cường hiện diện về kinh tế và quân sự tại Trung Đông sẽ khiến Bắc Kinh tất yếu bị lôi sâu hơn vào rắc rối chính trị tại khu vực này.

Lợi ích kinh tế ngày càng lớn

17 thỏa thuận hợp tác là kết quả từ chuyến thăm quan trọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới đặt chân tới Iran sau khi nước này được phương Tây dỡ bỏ cấm vận.

Tại đây, ông Tập đã nói rõ mong muốn thiết lập "một chương mới" trong quan hệ Trung - Iran. Đáp lại, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei khẳng định: "Iran sẽ không bao giờ quên sự hợp tác của Trung Quốc trong suốt thời gian chịu cấm vận".

Những chặng dừng chân của ông Tập trong chuyến công du đầu năm mới - Iran, cũng như Ai Cập và Ả Rập Xê-Út - là một phần trong nỗ lực gia tăng sự hiện diện của Bắc Kinh ở Trung Đông.

Tham vọng thương mại của Trung Quốc ở Trung Đông đang ngày càng mở rộng.

Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vượt Mỹ trở thành nhà tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới năm 2030, khi mà nhu cầu dầu mỏ nhập khẩu của nước này được dự đoán tăng từ 6 triệu thùng/ngày lên mức 13 triệu thùng/ngày vào năm 2035.

Phần lớn nguồn cung dầu mới cho Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tới từ Trung Đông. Nơi này cũng là thị trường mới mà Trung Quốc cần cho hàng hóa sản xuất trong nước cũng như hoạt động đầu tư vốn và đảm bảo thị trường lao động cho nguồn nhân lực mới.

Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc đã không ngần ngại công khai chiến lược Trung Đông của mình, tập trung vào các lĩnh vực như hợp tác năng lượng và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Hơn 60 tỉ USD là khoản tiền mà các tập đoàn năng lượng nhà nước Trung Quốc đầu tư vào Trung Đông.

Các nhà thầu xây dựng nước này cũng đang bận rộn với các dự án xây dựng đường sắt và đường cao tốc, trong đó có hệ thống đường sắt nối từ thánh địa Mecca tới Medina.

Thêm vào đó, Bắc Kinh cũng tìm cách đưa khu vực này vào sáng kiến kinh tế Một Vành Đai, Một Con Đường, kết nối Trung Quốc với Lục địa Á - Âu.

Chuyên gia người Mỹ
Michael Singh
Các mối quan hệ tốt của Trung Quốc với Israel, Iran và các quốc gia Ả Rập đã mang lại cho nước này lợi ích trong đầu tư, thương mại và công nghệ quân sự, mà không cần dính dáng tới chính trị.

Sự hiện diện của quân đội Trung Quốc ở khu vực này cũng đang trở nên thường xuyên hơn. Trung Quốc tập trận hải quân chung với Nga tại Địa Trung Hải.

Máy bay chiến đấu của Trung Quốc tiếp nhiên liệu tại Iran và trở thành đơn vị quân đội nước ngoài đầu tiên được phép hoạt động trên đất Iran kể từ sau Cách mạng Hồi giáo 1979. Tàu chiến của Trung Quốc cũng từng ghé qua cảng ở Iran và UAE.

Chính sách trung lập sẽ còn duy trì được bao lâu?

Tuy nhiên, lợi ích về kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc tại Trung Đông đã tạo ra những "lỗ hổng chiến lược", ngày càng kéo Bắc Kinh dấn sâu vào khu vực đầy bất ổn này, về cả kinh tế lẫn chính trị.

Chuyên gia chính trị người Mỹ Michael Singh chỉ ra, một ví dụ minh chứng là việc Trung Quốc có mặt trong bàn đàm phán về thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1.

Theo ông Singh, lý do cho sự xuất hiện của Trung Quốc, một phần là bởi nước này lo ngại rằng mâu thuẫn Iran-Israel và Iran-Mỹ có thể đe dọa hoạt động xuất khẩu dầu mỏ qua eo biển Hormuz. Hiện 52% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc là tới từ vùng Vịnh.

Năm 2013, Trung Quốc đã đề xuất kế hoạch hòa bình giữa Israel và Palestin khi 2 nhà lãnh đạo các quốc gia này tới Bắc Kinh.

Gần đây hơn, Trung Quốc mời đại diện các phe phái đối lập Syria tới Bắc Kinh để tham gia một cuộc họp nhằm tìm giải pháp cho xung đột ở quốc gia này.

Chuyên gia người Mỹ
Michael Singh
Cho tới nay, Trung Quốc vẫn chưa đi trệch khỏi chính sách tiếp cận trung lập, mà đã tận dụng cơ hội để chứng minh ảnh hưởng ngày càng tăng của mình trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Singh tin rằng, về lâu dài, Trung Quốc khó có thể tiếp tục duy trì lập trường trung lập của mình, khi mà khu vực này ngày càng phân cực sâu sắc.

Cây viết người Mỹ đã chỉ ra những dấu hiệu ban đầu chứng minh cho quan điểm của mình.

Bắc Kinh được cho là đã cung cấp vũ khí cho nhà lãnh đạo Libya Muammar al-Qaddafi dù từ chối ngăn chặn nghị quyết của LHQ cho phép các cuộc không kích quốc tế diễn ra ở Libya, một phần là bởi đề nghị từ phía các quốc gia Ả Rập.

Trung Quốc cũng tiếp cận với Hamas tại dải Gaza bất chấp mối quan hệ thân tình với Israel.

Ông Tập Cận Bình từng rất tức giận Ả Rập Xê-Út, tới mức hủy bỏ chuyến thăm đã định sẵn của mình tới Riyadh hồi đầu năm 2015, sau khi chiến tranh nổ ra ở Yemen.

Ông Singh gợi ý, nếu Bắc Kinh buộc phải chọn một đồng minh trọng yếu ở Trung Đông, thì nhiều khả năng sẽ là Iran, bởi những cơ hội chiến lược quan trọng mà nước này mang lại.

Tehran có thể giảm bớt lo ngại về vấn đề an ninh năng lượng của Bắc Kinh, thậm chí còn giúp được nước này mở ra tuyến đường ống cung cấp dầu mỏ xuyên Trung Á.

Thêm vào đó, Iran cũng mở ra cho Trung Quốc viễn cảnh an ninh sâu rộng hơn trong khu vực, bởi 2 nước có chung một mong muốn về trật tự thế giới mới bằng cách hạ gục sự thống trị của Mỹ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại