Nếu ngoại cảm có thật, giải thưởng 1 triệu USD đã chẳng còn?

Giải thưởng 1 triệu USD sẽ được trao cho ai chứng minh được ngoại cảm và các khả năng siêu nhiên khác của con người là có thật.

Các loại khả năng ngoại cảm

Biểu hiện của khả năng ngoại cảm rất đa dạng, tuy nhiên, chúng đều có liên quan mật thiết tới vấn đề nhận thức và tinh thần. Một số loại khả năng ngoại cảm chính, gồm có:

Khả năng đọc được suy nghĩ của người khác ( hay còn gọi là “thần giao cách cảm”).

Khả năng quan sát thấy các sự kiện hay vật thể ở nơi khác (hay còn gọi là “thấu thị” hay “thiên nhãn thông”).

Khả năng biết trước tương lai.

Khả năng nhìn vào quá khứ xa xôi.

Khả năng giao tiếp với người đã chết.

Khả năng xác định được thông tin về một người hay địa điểm bằng cách chạm vào một vật thể có liên quan tới đối tượng cần tìm hiểu.

"Nhà ngoại cảm" Vũ Thị Hòa, người bị VTV vạch mặt là lừa đảo gia đình liệt sĩ bằng các hài cốt giả

Ngay từ giai đoạn đầu trong tiến trình phát triển văn minh của loài người, các nhà nghiên cứu đã quan tâm tới những khả năng kỳ lạ trên. Họ xếp những khả năng trên vào nhóm vượt ra ngoài chức năng giác quan thông thường của cơ thể. Tuy nhiên, lại chưa có ai đưa ra một khái niệm chung để gọi tên các khả năng này.

Mãi đến nửa đầu thế kỷ 20, giáo sư J.B. Rhine của đại học Duke - một trong những nhà khoa học đứng đầu về nghiên cứu các hiện tượng huyền bí trong phòng thí nghiệm, mới khai sinh ra khái niệm “ngoại cảm” mà chúng ta sử dụng ngày nay.

Một cách lý giải về cơ chế của khả năng ngoại cảm được khá nhiều người đồng tình trước đây là những nhà ngoại cảm có bộ não bắt sóng tốt hơn những người khác. Loại sóng được nhắc đến ở đây là một loại sóng điện từ đặc biệt mà khoa học chưa phát hiện ra. Sóng này lưu giữ những ký ức, hình ảnh của một người và nếu não người bắt được những sóng này sẽ cho phép các nhà ngoại cảm thấy được ít nhiều những ký ức đó.

Cách lý giải này khá phổ biến vào đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, đến nay cách giải thích này lại bị nhiều người bác bỏ vì nó chỉ phù hợp để lý giải cho khả năng thần giao cách cảm ở con người, mà chưa đủ sức thuyết phục lý giải cho các khả năng còn lại đã được trình bày ở trên.

Hơn nữa, nếu tồn tại loại sóng điện từ trên thì lý do gì mà loại sóng này có thể tồn tại lâu như vậy trong không gian, từ khi sóng được hình thành cho đến khi có một nhà ngoại cảm dò được tần sóng này. Các chuyên gia cũng chưa phát hiện ra một bộ phận đặc biệt nào trên cơ thể con người nhận nhiệm vụ thu sóng.

Thứ hai, thực tế chứng minh rằng vị trí không đóng vai trò quan trọng trong quá trình ngoại cảm. Nói cách khác, dù không ở gần địa điểm bắt được sóng đặc biệt trên, thì các nhà ngoại cảm vẫn có thể bắt được nhiều thông tin cần thiết. Chính vì vậy, mới có nhiều trường hợp các nhà ngoại cảm dự báo từ xa qua điện thoại, chứ không hề có mặt tại hiện trường. Do vậy, vai trò của loại sóng này hẳn là không cần thiết.

Ngày nay, nhiều người tin vào lời lý giải mới của các nhà khoa học rằng ngoại cảm vượt ra ngoài thế giới vật chất thông thường. Nó tồn tại ở một không gian đặc biệt, hay còn được gọi là thế giới tâm linh - nơi vượt ra ngoài biên giới của những lý thuyết và định lý vốn có. Sự khác biệt về không gian và thời gian giữa thế giới vật chất thông thường và thế giới tâm linh cho phép con người đọc được suy nghĩ của người khác hay dự đoán về những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai ở thế giới vật chất.

Tin tưởng…

Không ai có thể phủ nhận việc đã gặp rất nhiều dẫn chứng tiêu biểu cho khả năng đoán trước tương lai hay nhìn thấy vật thể ở vị trí khác của con người. Vụ đắm tàu Titanic kinh hoàng vẫn được nhắc đến trong nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng sau khi con tàu này kết thúc chuyến đi định mệnh của nó vào ngày 14-4-1912. Nhưng không phải đợi sau khi thảm kịch này xảy ra, câu chuyện về con tàu xa hoa bậc nhất bị đắm giữa biển khơi mới được đưa vào các tác phẩm văn học.

Từ năm 1898, tác giả Morgan Robertson đã viết cuốn “Fuility” kể về chuyến hành trình vượt đại dương của con tàu mang tên Titan cực kỳ rộng lớn. Trong một đêm tháng 4 sương mù dày đặc, con tàu đâm phải khối băng trôi và bị đắm, hàng trăm người đã thiệt mạng.

Những điểm tương đồng giữa hai con tàu này giống nhau đến kinh ngạc từ cấu trúc cho tới kích cỡ, nguyên do bị chìm và ngày xảy ra bi kịch. Số người thiệt mạng trong cả cuốn tiểu thuyết của Morgan Robertson và trong vụ đắm tàu lịch sử đều rất cao do thiếu phao và tàu cứu sinh dành cho hành khách.

Cũng có rất nhiều câu chuyện khác nhắc tới khả năng ngoại cảm của con người, rất nhiều trong số đó được ghi chép đầy đủ và chi tiết. Tuy nhiên, để có thể thuyết phục tất cả mọi người về sự tồn tại của khả năng ngoại cảm, các nhà khoa học còn phải cung cấp thêm rất nhiều dẫn chứng khoa học khác, được kiểm chứng trong những điều kiện cụ thể. Bởi lẽ, những dẫn chứng được đưa ra trước đây hoàn toàn diễn ra trong điều kiện tự do, toàn bộ quá trình ngoại cảm không được các nhà khoa học kiểm soát và theo dõi chặt chẽ.

… và hoài nghi

Từ những năm 1930, các nhà tâm lý học nghiên cứu về lĩnh vực tâm linh đã chú trọng vào các điều kiện cụ thể này. J.B. Rhine - được xem là cha đẻ của tâm lý học nghiên cứu về tâm linh đã làm một thí nghiệm đối với các nhà ngoại cảm trong một phòng nghiên cứu có đầy đủ tiêu chuẩn.

Thí nghiệm có sử dụng bộ bài Zener (bộ bài mang tên của chính người thiết kế Karl Zener) gồm 25 quân bài có in họa tiết. 25 quân bài này được chia làm 5 nhóm, trong mỗi nhóm các quân bài đều được in họa tiết giống nhau. Sau đó, ông tổng hợp mỗi quân bài của từng nhóm này vào với nhau. Như vậy, trong mỗi nhóm bây giờ sẽ có 5 quân bài in họa tiết khác nhau.

Phương pháp thí nghiệm rất đơn giản: J.B.Rhine sẽ úp các quân bài xuống và yêu cầu người tham gia đoán các quân bài trong một nhóm được trang trí họa tiết nào. Với mỗi nhóm bài ,người tham gia thí nghiệm sẽ có 1/5 cơ hội để đoán đúng.

Mỗi đáp án đúng sẽ được cộng 1 điểm. 5/25 điểm sẽ là mức điểm đoán ngẫu nhiên, hay nói cách khác, nếu đoán ngẫu nhiên, thì người tham gia sẽ giành được 5 điểm. Theo ông, với độ chính xác cao và chặt chẽ như vậy, các thí nghiệm này sẽ cho kết quả chính xác, ngăn cản được bất kỳ sự gian lận nào.

 	J.B. Rhine làm một thí nghiệm đối với các nhà ngoại cảm

J.B. Rhine làm thí nghiệm kiểm chứng khả năng ngoại cảm

Cộng đồng khoa học đều rất ngạc nhiên, phần lớn là hoài nghi về kết quả mà nhà khoa học này đã đưa ra trong kết quả báo cáo “Khả năng ngoại cảm” của ông. Theo kết quả mà ông thu được thì hầu hết những người tham gia đều vượt qua ngưỡng điểm 5. Phương pháp thực hiện và kết quả của nhà khoa học này vẫn gây ra rất nhiều tranh cãi.

Một số ý kiến cho rằng, khi thực hiện thí nghiệm, rất có thể các nhà ngoại cảm đoán đúng được con bài do nhìn vào cử chỉ cơ thể của Rhine. Cũng có thể, Rhine đã biết trước các con bài và dùng ánh mắt để thông báo cho người tham gia nghiên cứu. Chính Rhine sau này cũng thừa nhận biện pháp nghiên cứu của ông vẫn chưa chặt chẽ tuyệt đối và độ chính xác của kết quả cũng bị giảm dần.

Vấn đề lớn nhất đối với các thí nghiệm này đó là chúng không được áp dụng trên diện rộng với tất cả các nhà ngoại cảm. Nói một cách khác, nếu hai nhà khoa học cùng sử dụng một phương pháp nghiên cứu nhưng áp dụng cho các nhà ngoại cảm khác nhau thì rất có thể kết quả mà họ thu được cũng khác nhau.

Đó là do mỗi nhà ngoại cảm lại đạt một mức độ ngoại cảm khác nhau và khả năng ngoại cảm của họ cũng ở những hình thức khác nhau. Chính vì vậy, chúng ta cũng không thể khẳng định độ chính xác của các thí nghiệm được thực hiện.

Những tranh cãi không hồi kết

Một trong những người đi đầu trong phong trào phản đối sự tồn tại của ngoại cảm là ảo thuật gia James Randi. Ông đã tổ chức các buổi hội thảo về phản ứng cảm xúc và đưa ra các phân tích số liệu để giải thích các hiện tượng kỳ lạ. Ông cũng là người tuyên bố sẽ trao 1 triệu USD cho ai có thể chứng minh sự tồn tại của khả năng ngoại cảm. Nhưng cả quá trình đó phải được theo dõi gắt gao và kiểm tra mức độ tin cậy.

 	James Randi, người treo giải thưởng 1 triệu USD cho ai chứng minh được ngoại cảm và các khả năng siêu nhiên khác của con người là có thật

James Randi, người treo giải thưởng 1 triệu USD cho ai chứng minh được ngoại cảm và các khả năng siêu nhiên khác của con người là có thật

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có ai giành được 1 triệu USD này - đây cũng là một trong những lý do để James Randi càng phủ quyết sự tồn tại của ngoại cảm. Một số người đã tự nhận mình là nhà ngoại cảm và tham gia vào thử thách này nhưng kết quả mà nhận được chỉ là danh tiếng bị giảm sút vì thất bại trong quá trình kiểm tra.

Tuy nhiên, theo quan điểm của một số chuyên gia, lý do họ đưa ra các kết quả nghiên cứu là vì khoa học. Họ cho rằng các nhà ngoại cảm thật sự không tham gia vào thử thách của James Randi, bởi lẽ mục đích của khoa học là sự thật, chứ không phải là tiền bạc.

Cũng theo lập luận của nhóm này thì những người phủ nhận vai trò của khoa học và mù quáng gộp những khả năng ngoại cảm của con người với các trò tiêu khiển đánh lừa thị giác đã vô tình cản trở quá trình tìm ra những điều bí ẩn mà khoa học đương đại chưa giải thích nổi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại