Hoàn Cầu: Đừng ảo tưởng liên minh Mỹ - Nhật kiềm chế được TQ

My Lan |

(Soha.vn) - Hoàn Cầu cảnh báo rằng "Washington rồi cũng sẽ nhận ra rằng liên minh này chẳng thể giúp nó hoà nhập vào châu Á mà chỉ nuôi lớn một Nhật Bản đi trệch đường".

Trong một bài viết ngày 11/7, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã nhắc tới quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản để chỉ trích liên minh quân sự Mỹ - Nhật trong thời điểm hiện nay. Bài báo cho rằng, Nhật Bản không dại gì kích động chiến tranh, song nước này muốn sử dụng liên minh quân sự làm công cụ để giành được vị trí một quốc gia bình thường.

Hoàn Cầu tự nhận định rằng "không quốc gia châu Á nào thực tâm chấp nhận một liên minh quân sự như vậy để hỗ trợ về an ninh trong tương lai. Một liên minh thô bạo sẽ dẫn tới việc nhiều liên minh hơn nữa được thành lập hoặc gây leo thang các cuộc đối đầu quân sự".

Hoàn Cầu không ngần ngại nhận định liên minh quân sự Mỹ - Nhật đã tới hồi thoái trào và sẽ bị "sự phát triển chung của kinh tế và thương mại châu Á đẩy ra ngoài lề", và rằng "về bề nổi, liên minh giữa 2 quốc gia này sẽ phát triển một cách vững chãi hơn, song trên thực tế, nó đã bước vào giai đoạn cuối cùng của quá trình lịch sử của nó".

Đồng thời, tờ này tự tin khẳng định rằng: "Thật là ảo tưởng khi cho rằng liên minh quân sự này có thể ngăn chặn một Bắc Kinh đang phát triển. Không khó có thể dự đoán trước được hậu quả do một liên minh quân sự Mỹ - Nhật nhằm vào Trung Quốc gây ra. Không có lí do gì cho sự tồn tại của nó nếu nó chỉ nhằm bảo vệ an ninh châu Á".

Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Australia, Campuchia, Philippines, Australia... đã công khai bày tỏ sự ủng hộ của mình với việc Nhật Bản thông qua nghị quyết gỡ bỏ lệnh cấm phòng vệ tập thể, vốn được áp dụng tại nước này từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Phó Đô đốc John Kirby, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: "Chúng tôi thấy điều này rất hữu ích và quan điểm của chúng tôi là không có lý do để tin hay lo lắng rằng nó sẽ làm cho căng thẳng tồi tệ hơn. Ngược lại, chúng tôi nghĩ rằng điều này sẽ giúp cho an ninh và ổn định trong khu vực".

Đồng quan điểm này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines nhận định Nhật Bản đã có một bước đi đúng hướng và rằng Tokyo sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết thách thức an ninh chung.

Trả lời phỏng vấn báo Đức Deutsche Welle, Tiến sĩ sử học Jeremy A.Yellen từ Đại học Harvard cho rằng, một trong những lý do khiến Thủ tướng Nhật Bản diễn giải lại Điều 9 của Hiến pháp hoà bình, nới lỏng hoạt động của quân đội, là nhằm vào việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh lấn át trên các vùng biển, trong đó có cả biển Đông và biển Hoa Đông. Theo ông này, quyền tự vệ tập thể của Nhật có thể mở rộng đến một số quốc gia như Việt Nam, Philippines, Ấn Độ... trong trường hợp có các mối đe doạ từ Trung Quốc hoặc các quốc gia khác.

Xem thêm Video: Thủ tướng Nhật Bản quyết bảo vệ quyền phòng thủ tập thể (Nguồn: VTV14)

 

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại