“Cuộc đua” giải phóng Raqqa: Tại sao Mỹ muốn “về đích” trước Syria?

Trần Khánh |

Quân đội Syria và liên quân do Mỹ đứng đầu đang cạnh tranh gay gắt trong việc giải phóng Raqqa bởi cái giá nếu thất bại đối với 2 bên là rất đắt.

Quân đội Syria tiến như vũ bão

Theo Sputnik News, trong vòng vài ngày qua, Lữ đoàn 555 của Sư đoàn Cơ giới số 4 thuộc quân đội Syria đã tiếp tục chiếm được ưu thế tại khu vực Đông Bắc nước này và đang tiến vào Sân bay Quân sự Tabaqa- địa điểm mang tính chiến lược tại Raqqa.

Ngày 12/2, quân đội Syria đã lần đầu tiên tiến được vào Raqqa kể từ tháng 8/2014 - thời điểm Sân bay quân sự Tabaqa bị IS chiếm đóng và trở thành căn cứ quân sự và trại huấn luyện quan trọng nhất của chúng Syria.

Hãng tin Al-Masdar của Syria nhận định: “Với việc tuyến đường Khanasser-Ithriyah sạch bóng IS, quân đội Syria có thể tập trung binh sĩ của mình dọc tuyến đường nối liền Raqqa và Hama mà không sợ bị chúng tấn công bất ngờ trong quá trình vận chuyển hàng hóa đến Aleppo.

Hiện Raqqa và một số thành phố ở phía Đông Syria dọc sông Euphartes vẫn nằm trong quyền kiểm soát của IS.

Cả Damascus và liên quân do Mỹ đứng đều đều coi việc chiếm lại được “thủ phủ” Raqqa của IS là nhiệm vụ hàng đầu của họ.

Mỹ sẽ làm gì nếu “về đích” trước?

Tuy nhiên, blogger có tên Moon of Alabama [tạm dịch là Mặt trăng Alabama-ND] nhận định, tình hình trên chiến trường cần phải được nhìn nhận “trong một bối cảnh rộng hơn”.

“Nếu Mỹ và các đồng minh có thể chiếm được Raqqa hay Deir ez-Zor hay những vùng đất khác ở phía Đông Syria, họ có thể sử dụng chúng như “những lá bài” để “mặc cả” với Syria và những nước ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Bashar al- Assad về tương lai của nước này”, blogger này viết.

Trong khi đó, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc John Bolton nhận định trên tờ New York Times hồi tháng 11/2015 rằng, nếu chiếm được Raqqa, Mỹ và các đồng minh có thể tạo dựng một nhà nước của người Sunni ở Đông Bắc Syria và Tây Iraq.

“Thay vì cố tìm cách thiết lập lại các vùng lãnh thổ như bản đồ tại thời điểm sau Chiến tranh Thế giới thứ 1, Mỹ có thể sẽ công nhận những thực thể địa- chính trị mới.

Một nhà nước độc lập của người Sunni sẽ là sự thay thế tốt nhất cho tổ chức IS tại Đông Bắc Syria và Tây Iraq”, ông Bolton nêu rõ.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ toan tính như vậy. Hồi tháng 9/2013, phóng viên các vấn đề quốc tế kỳ cựu của Mỹ Robin Wright cũng đã nêu quan điểm rất giống với ông Bolton.

Trước đó, năm 2006, Trung tá lục quân Mỹ đã nghỉ hưu Ralph Peters cũng đã trình bày quan điểm của mình về việc Trung Đông cần phải được “vẽ lại” như thế nào.

Blogger Moon of Alabama cũng gợi ý, Mosul của Iraq cũng có thể trở thành một phần của cái gọi là “nhà nước của người Sunni” mới và nhà nước này cần phải được đặt dưới sự bảo hộ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ đang rục rịch động binh

Không chỉ toan tính, có nhiều dấu hiệu cho thấy liên quân do Mỹ đứng đầu cũng đang chuẩn bị tiến về khu vực Đông Bắc Syria.

Lầu Năm Góc gần đây đã mở rộng căn cứ không quân Rmeilan tại khu vực phía Bắc tỉnh Hasakah, trực thăng của Mỹ đã nhiều lần cất và hạ cánh tại căn cứ này.

Thông tin trên cũng được Tập đoàn Tình báo Stratfor xác nhận thông qua những hình ảnh vệ tinh mà Tập đoàn này cung cấp về căn cứ không quân Rmeilan.

Hình ảnh vệ tinh của Tập đoàn Strafor cho thấy Mỹ đang mở rộng quy mô căn cứ không quân Rmeilan ở phía Bắc tỉnh Hasakah.
Hình ảnh vệ tinh của Tập đoàn Strafor cho thấy Mỹ đang mở rộng quy mô căn cứ không quân Rmeilan ở phía Bắc tỉnh Hasakah.

Ngày 12/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sau cuộc gặp với người đồng cấp UAE tại Brussels cho biết, UAE đã đồng ý điều động lực lượng đặc nhiệm nước này sang Syria để hỗ trợ các chiến binh người Sunni chiến đấu trên bộ nhằm tái chiếm lại Raqqa.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Saudi Arabia cũng tuyên bố sẽ tiến hành một chiến dịch trên bộ tại Syria dưới sự hậu thuẫn của Mỹ.

Trước đó, hồi giữa tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố Sư đoàn Không vận số 101 của Mỹ đã được điều đến Iraq để cố vấn và hỗ trợ lực lượng quân đội Iraq đánh chiếm lại Mosul.

Blogger Moon of Alabama đã dự đoán trước những bước tiến của liên quân do Mỹ đứng đầu vào Raqqa như sau: “Binh sĩ Saudi Arabia sẽ được điều đến Syria thông qua một sân bay do Mỹ điều hành tại phía Tây Iraq trong khi Sư đoàn Không vận số 101 có thể sẽ đến phía Tây Bắc Syria từ khu vực do người Kurd kiểm soát tại phía Bắc Iraq.

Chính vì thế, Raqqa có thể sẽ bị tấn công theo 2 hướng từ Đông Bắc và Đông Nam.

Trong khi đó, mục tiêu chính của quân Chính phủ Syria là duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Việc mất đi Raqqa có thể coi là một tổn thất nghiêm trọng đối với Syria.

Tuy nhiên, việc Mỹ và liên quân tiến vào Raqqa có thể gây ra một làn sóng bạo lực mới trong khu vực và dẫn đến một cuộc chiến lâu dài và sâu rộng hơn”.

Binh sĩ đặc nhiệm Saudi Arabia được cho là sẽ đến Syria từ phía Tây Iraq. Ảnh: AP
Binh sĩ đặc nhiệm Saudi Arabia được cho là sẽ đến Syria từ phía Tây Iraq. Ảnh: AP

Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ nhật báo Handelsblatt của Đức ngày 11/2, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh: “Một chiến dịch trên bộ [tại Raqqa- ND] cũng sẽ khiến tất cả các bên tại Syria bị kéo vào vòng xoáy của một cuộc chiến.

Chính vì thế, Mỹ và các đồng minh Arab cần phải cân nhắc thật kỹ liệu họ có muốn cuộc chiến này kéo dài liên miên hay không.

Sẽ là sai lầm nếu họ nghĩ rằng họ có thể nhanh chóng giành chiến thắng trong cuộc chiến này, đặc biệt là ở thế giới Arab nơi mà mọi lực lượng đều chiến đấu với nhau”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại