Cuộc chiến "nhỏ" gây rắc rối "lớn" cho hai nhà lãnh đạo Anh - Pháp

Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã không may sa lầy vào các cuộc chiến quy mô nhỏ ở Trung Đông cũng như châu Phi, và cách phản ứng của họ đang bị dư luận chỉ trích.

Theo tạp chí World Politics Review của Mỹ, ban đầu, Thủ tướng Cameron ủng hộ cộng động quốc tế để cùng tham gia vào cuộc xung đột tại Libya hồi năm 2011.

Nhưng sau đó, chính Anh lại bị cáo buộc không thể giải quyết đống tồn đọng rắc rối liên quan tới hành động can thiệp này.

Còn Tổng thống Hollande thì nhận được sự tán dương vì đã điều quân tới trấn áp các cuộc xung đột tại Mali và Cộng hòa Trung Phi (CAR) hồi năm 2013.

Tuy nhiên, Pháp lại đang phải tìm cách tách mình ra khỏi những rắc rối liên quan tới các nước thuộc địa cũ. Đáng nói, trong những tuần gần đây, mọi quyết định của hai nhà lãnh đạo này đều được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Trong cuộc đua tranh cử chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sắp tới ở Anh, phe đối lập chắc chắn sẽ đưa cuộc chiến tại Libya ra để chỉ trích chính quyền đương nhiệm.

Điển hình, lãnh đạo đảng Lao động Anh Ed Miliband đã chê trách Thủ tướng Cameron trước "những thất bại trong kế hoạch hậu xung đột".

Theo ông Miliband, Thủ tướng Cameron "đã sai khi cho rằng các thể chế chính trị ở Libya không phục vụ quá trình phát triển và chuyển đổi".

Trong khi đó, hồi tuần trước, Thủ tướng Hollande đã phải đau đầu trước một số báo cáo nhấn mạnh quân đội Pháp đã lạm dụng tình dục trẻ em ở CAR trong năm 2014.

Ông Hollande cũng hứa "không khoan nhượng trước việc che giấu những hành động mờ ám". Ngay cả tình trạng bạo lực bùng phát ở khu vực phía bắc Mali cũng đang nằm trong vòng báo động.

Nhưng nhiều khả năng, việc quân đội Pháp chủ động tổ chức tấn công cũng đang đẩy dần các nhóm nổi dậy ở đây.

Nếu như các chiến dịch tại CAR và Mali được xác định không thỏa đáng, Tổng thống Hollande sẽ bị đổ lỗi phí phạm nguồn nhân lực quốc gia vốn chỉ có hạn.

Còn Thủ tướng Cameron sẽ bị cáo buộc "thất bại ở Libya" suốt nhiều năm qua cho dù kết quả của các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử trong tuần này có như thế nào đi chăng nữa.

Tuy nhiên, những lời cáo buộc trên không hẳn là công bằng và quan trọng hơn một câu hỏi đặt ra là "Anh, Pháp và các quốc gia đồng minh châu Âu muốn áp dụng cách can thiệp như thế nào để đảm bảo cơ hội chiến thắng trong tương lai?"

Thực tế, Anh không hoàn toàn thờ ơ trước kế hoạch hậu xung đột tại Libya hồi năm 2011. Bởi chính Liên Hợp Quốc đã ủng hộ kế hoạch này và cho triển khai sứ mệnh hỗ trợ người dân thời hậu chiến.

Kế hoạch này đã gặp hái được những thành công ban đầu. Song, các nhà lãnh đạo Libya lại  phủ nhận sự hiện diện của quân đội quốc tế dù là quy mô nhỏ nhất.

Trong khi đó, một số nhà quan sát bao gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra nhận định cho rằng phương Tây nên triển khai "tổng lực" để đảm bảo tình hình thời hậu chiến được ổn định.

Song không ai có thể dám chắc rằng tình hình hiện nay sẽ dẫn tới sự ổn định hay bất ổn như ở Afghanistan.

Quân nổi dậy ở Libya.

Trên thực tế, chính quyền của Thủ tướng Cameron đã không đưa thêm bất cứ nguồn lực nào tới Libya sau năm 2011. Còn hiện nay, quân đội Anh vẫn đang trong quá trình khôi phục sau một thời gian dài tham chiến tại Afghanistan.

Thậm chí, một số sĩ quan quân đội chỉ huy chiến dịch ở Afghanistan cũng phải thừa nhận rằng đây là "thất bại do lỗi quản lý yếu kém".

Sau một thời gian dài đưa quân ra nước ngoài chiến đấu, chính phủ Anh đương nhiệm đang tiến hành cắt giảm chi tiêu ngân sách quốc phòng.

Ngay cả, các chính phủ trong tương lai dường như cũng sẽ không đổ thêm tiền cho hoạt động quân sự.

Trái lại, Pháp cũng đang phải đối mặt với áp lực kinh tế nhưng lại sẵn sàng điều quân đi tham chiến.

Điển hình, trong cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học tại Syria hồi năm 2013, ông Hollande đã sử dụng quyền Tổng thống của mình để ra lệnh cho quân đội Pháp chuẩn bị sẵn sàng triển khai các cuộc không kích.

Trong khi, Thủ tướng Cameron cũng đưa chủ đề này ra bàn thảo trước Quốc hội Anh nhưng đã bị gạt bỏ.

Còn giới chức Mỹ đã âm thầm nhìn nhận Pháp đang dần "thay thế Anh để trở thành một đối tác quân sự đương nhiên của Washington tại châu Âu" mặc dù cả London và Paris đều cùng tham gia chiến dịch không kích tại Iraq chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Theo World Politics Review, Tổng thống Hollande đã rất nỗ lực trong việc tránh để quân đội nước này vướng vào những rắc rối lớn ở Mali và CAR và chỉ can thiệp vào cuộc chiến tại hai quốc gia này khi tình trạng bạo lực đã vượt ngoài tầm kiểm soát.

Ngoài ra, Paris cũng nhanh chóng chuyển giao vấn đề tại Mali và CAR cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Vừa giành được tiếng tăm khi điều quân tới can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở hai nước trên, bản thân ông Hollande cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm từ Thủ tướng Anh Cameron và tránh phải điều quân tham gia thêm các trận chiến bên ngoài.

Giải pháp dài hạn cho cả Anh, Pháp và các quốc gia đồng minh trong khối NATO là phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của Liên Hợp Quốc, châu Phi và liên minh Ả Rập để giải quyết các điểm nóng như ở Mali và Libya.

Trong năm 2011, các lực lượng không quân Ả Rập đã đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch ở Libya và gần đây là các cuộc xung đột ở Syria, Iraq và Yemen. Còn Anh đang tìm cách để yêu cầu Liên Hợp Quốc điều thêm binh sĩ tới Afghanistan trong thời kỳ hậu chiến tranh.

Tạp chí World Politics Review nhận định nếu các nhà lãnh đạo Anh và Pháp thông minh, họ có thể tận dụng các loại hình cộng tác như lực lượng đa quốc gia, cho phép Paris và Lodon đóng vai trò then chốt trong các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và châu Phi và tránh cảnh tượng sa lầy vào chiến tranh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại