Bức tranh đáng sợ về hệ thống nhà tù Venezuela

Venezuela là quốc gia bị Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma túy Liên Hiệp Quốc (UNODC) đánh giá có tỉ lệ án mạng cao hàng thứ 5 trên thế giới.

Khói cần sa bốc lên trong lúc âm thanh bập bùng vang lên từ dàn loa trong góc căn phòng rộng, hòa lẫn với mùi nước tiểu. Trong bóng tối, âm nhạc và đám đông ồn ào, phải mất một lúc mới nhận ra rằng ai ở đây cũng mang theo một khẩu súng máy, súng trường hay súng lục - không treo trên lưng hay để trong túi quần mà luôn trong tư thế sẵn sàng “nhả đạn”. Một số người thì vừa tung hứng lựu đạn hoặc mài dao vừa uống cocktail ma túy và nghe nhạc.

Bên ngoài hộp đêm tự chế này, ánh nắng mặt trời trải xuống một sân bóng đá nhỏ. Các cổ động viên đều mang theo súng và một cầu thủ còn vừa đá bóng vừa cầm súng lục trong tay. Các hành lang của tòa nhà đều có đầy các tay súng, cười đùa, và dường như không nhận thức ra chính nỗi sợ hãi của mình.

Không thấy một bảo vệ nào ở nhà tù La Planta, một nhà tù điển hình của Venezuela nơi thường xuyên xảy ra các vụ đấu súng và bạo loạn.

“Nếu các nhân viên bảo vệ gây sự với chúng tôi thì chúng tôi sẽ bắn họ. Tôi vừa nhìn thấy một người đàn ông bị chặt đầu và mọi người ở đây lấy đầu của anh ta làm quả bóng”, một tù nhân giấu tên nói. Qua lời kể của một số người khác từng thụ án trong tù và những đoạn băng video trên mạng, câu chuyện trên có vẻ không phải là chuyện bịa.

Theo Nhóm quan sát về các nhà tù ở Venezueal, trong năm 2011, 500 người đã thiệt mạng trong các nhà tù ở nước này. Các phạm nhân thường xô xát với nhau, với bảo vệ và các binh sĩ được điều động đến duy trì trật tự khi có bạo loạn.

Và lúc này súng trong nhà tù La Planta đang nổ. Chính phủ Venezuela đang tìm cách đóng cửa nhà tù này mặc dù một nhóm phạm nhân nhất quyết không chịu rời đi và chính quyền thậm chí còn không thể tiếp cận nhà tù này trong vòng 2 tuần. Quân đội được điều động bao vây tòa nhà còn hàng trăm người nhà phạm nhân cũng xuất hiện với tâm trạng đầy lo lắng.

Một vụ việc tương tự cũng xảy ra vào tháng 6/2011 khi hơn 5.000 binh sĩ phải mất cả một tháng để dẹp cuộc bạo loạn tại nhà tù El Rodeo nằm ở ngay ngoại ô thủ đô Caracas.

“Các nhà tù ở Venezuela đang đối mặt với những vấn đề rất nghiêm trọng. Các tù nhân ở đây không làm gì cả: họ không học, không làm việc, chẳng làm gì hết. Vấn đề nghiêm trọng nhất là họ dễ dàng sở hữu vũ khí, ma túy và rượu”, Carlos Nieto, một luật sư đồng thời là chủ tịch Cánh cửa tới tự do, một nhóm nhân quyền ở Venezuela, nhận xét.

Trên cả đất nước Venezuela có 30 nhà tù được thiết kế để giam giữ 12.500 phạm nhân. Nhưng theo Cánh cửa của tự do, số phạm nhân thực tế là 50.000. Năm 1964, nhà tù La Planta chứa 350 tù nhân nhưng đến nay số tù nhân đã lên tới 2.500 – nhiều tù nhân phải ngủ ở ngoài hành lang trong lúc chuột chạy lăng xăng giữa người này và người khác.

“Các điều kiện ở đây rất tồi tệ và vô nhân đạo”, Nieto nhận xét.

Phạm nhân nam và nữ bị giam chung phòng.

Trong các nhà tù, các phạm nhân không chỉ dễ dàng sở hữu vũ khí. Điện thoại di động và máy tính kết nối Internet cũng là các đồ vật thông dụng. Do có thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài, các phạm nhân có thể kiểm soát và tham gia vào các hoạt động làm trầm trọng hơn nạn tội phạm đường phố ở Caracas – một trong những nơi có tỉ lệ giết người cao nhất trên thế giới.

Theo Cơ quan quan sát tình trạng bạo lực Venezuela, năm 2011, tỉ lệ giết người ở nước này là 67/100.000 và cơ quan này cho rằng đây là “năm bạo lực nhất trong lịch sử quốc gia (Venezuela)”.

Các khách thăm quan xếp thành hàng dài rời khỏi tù La Planta, cảm thấy tê liệt vì kinh hãi trước những gì họ vừa chứng kiến.

Trong khi đó, đi theo hướng ngược lại là 2 thanh niên mang theo túi đựng đồ và dù cho họ đã phạm tội gì đi nữa thì sự ngây thơ của hai chàng trai này chắc chắn sẽ không còn nữa nếu họ muốn tồn tại ở La Planta.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại