Quốc gia này đang vô tình rót tiền cho tên lửa Triều Tiên chỉ vì... đặt đóng 1 con tàu

QS |

Chiến hạm tiên tiến Lauge Koch của Đan Mạch được cho là đang được thi công ở Ba Lan, sử dụng nguồn lao động cưỡng bức từ Triều Tiên.

Theo hãng tin Sputnik (Nga), chỉ 1 tuần sau khi Đan Mạch triệu tập Đại sứ Triều Tiên và chỉ trích về các vụ thử hạt nhân, một bộ phim tài liệu do Danish Radio (DR) phát sóng tiết lộ rằng Copenhagen có thể đã gián tiếp tài trợ cho tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Cụ thể, trong bộ phim tài liệu "Bí mật của tàu chiến" phát sóng ngày hôm qua (26/9), chiến hạm tiên tiến Lauge Koch của Đan Mạch được cho là đang được thi công ở Ba Lan, sử dụng nguồn lao động cưỡng bức từ Triều Tiên. Các cáo buộc này được chứng minh bằng hợp đồng, giấy biên nhận và qua lời của các nhân chứng.

Trong dự án đóng tàu Lauge Koch, với chi phí hơn 500 triệu DKK (80 triệu USD), công ty đóng tàu Đan Mạch Karstsensens Skibsværft đã thuê một nhà thầu phụ ở Ba Lan. Nhà thầu này đã sử dụng các công nhân Triều Tiên được thuê qua công ty Rungrado. Đây là công ty nhà nước của Triều Tiên, hiện đang phải hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt vì buôn lậu công nghệ tên lửa.

Cho tới thời điểm này, chưa rõ bao nhiêu tiền thuế của người dân Đan Mạch đã đổ vào Triều tiên. Tuy nhiên, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, Bình Nhưỡng hiện thu được 2 tỷ USD thông qua các lao động ở nước ngoài. Kể từ thời ông Kim Jong-un lên nắm quyền, số lượng công nhân Triều Tiên ở nước ngoài đã tăng lên, ước tính vào khoảng 100.000 người.

"Công nhân Triều Tiên ở nước ngoài là một nguồn lực quan trọng mang lại ngoại tệ mạnh, số tiền này được dùng để phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều tiên" - Đại sứ Hàn Quốc tại Đan Mạch Jai-chul Choi nói trong phim tài liệu của DR.

Một số đảng phái chính trị tại Đan Mạch đang yêu cầu lời giải thích từ Bộ trưởng Quốc phòng Claus Hjort Frederiksen.

Ban đầu, lực lượng vũ trang Đan Mạch và công ty Karstsensens Skibsværft đã phủ nhận việc lao động Triều Tiên tham gia thi công tàu Lauge Koch. Tuy nhiên, chuẩn tướng Anders Mærkedahl từ Ủy ban mua sắm và trang thiết bị quốc phòng Đan Mạch đã thừa nhận rằng không thể loại trừ hoàn toàn sự tham gia của lao động Triều Tiên.

Trong thước phim tài liệu, nhiều công nhân tại nhà máy ở Ba Lan đã khẳng định rằng một số công nhân Triều Tiên đã đến làm thợ hàn cho con tàu của Đan Mạch.

Những công nhân Triều Tiên này được cho là đã bị thu hộ chiếu và không được di chuyển tự do, họ phải sinh hoạt dưới sự giám sát liên tục, làm việc đến 20 giờ một ngày và chỉ được giữ lại một phần nhỏ tiền lương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại