Vì sao tham chiến ở VN, lính Mỹ hiếm khi dùng mặt nạ phòng độc?

Quyết Thắng |

(Soha.vn) - Mỹ mất nhiều công sức để có được chiếc mặt nạ phòng độc hữu ích nhưng nó không mấy khi được dùng trong thời gian tham chiến ở Việt Nam.

Trước 1960, Quân đội Mỹ sử dụng mặt nạ M9. Đây là loại mặt nạ phòng độc nổi tiếng nhất của Mỹ. Chúng được sử dụng trong quân đội từ khoảng năm 1949.

Mặt nạ M9 có phần mặt bao trùm được làm từ cao su đen hoặc trắng dẻo, bộ lọc có thể thay mới được, tuy nhiên, nó lại làm cho chiếc mặt nạ trở nên hài hước, cồng kềnh và khá nặng nề. Chính vì điều đó, người Mỹ đã quyết định phải có một loại mặt nạ khác. Năm 1960, mặt nạ phòng độc M-17 chính thức thế chỗ M9 trong quân đội Mỹ.

Từ lúc đó, loại mặt nạ M9 chỉ còn phục vụ cho dân sự và lực lượng cảnh sát. Cho đến năm 1970, gần như tất cả mặt nạ phòng độc M9 đã được thay thế hoàn toàn bởi M-17 với thiết kế gọn nhẹ mà hiệu quả hơn. Năm 1964, khi chính thức kéo quân sang Việt Nam, lính Mỹ đã được trang bị loại mặt nạ phòng độc này.

Mặt nạ phòng độc M-17 lính Mỹ dùng trong chiến tranh Việt Nam

Mặt nạ phòng độc M-17 lính Mỹ dùng trong chiến tranh Việt Nam

Đối với mặt nạ M-17, bộ lọc, hình dáng, vị trí kính mắt, van thở và nơi phát ra giọng nói đều được thay đổi. Tuy nhiên, nhiều người phàn nàn rằng M-17 gây khó khăn cho việc uống nước, đồng thời cũng không dễ dàng khi cấp cứu.

Bởi vậy, sau 8 năm sử dụng, M-17 đã được tân trang lại lần đầu tiên với tên gọi mới là M-17A1, khắc phục hai nhược điểm nói trên. Hơn nữa, hệ thống uống nước của M-17A1 cũng thành công bất ngờ, trong đó sử dụng một cái ống gắn liền với mặt nạ, không cần những thao tác để gắn ống vào mỗi khi sử dụng. Điều này làm giảm nguy cơ bị trúng độc từ môi trường.

Khi cần uống nước, chiếc ống này sẽ được cắm vào bình toong. Chiếc nắp của bình toong cũng được thiết kế hết sức đặc biệt với cơ cấu lò xo giúp cho nước không tiếp xúc với môi trường bên ngoài.

Nắp bình toong được cấu tạo đặc biệt giúp tránh nhiễm độc

Nắp bình toong được cấu tạo đặc biệt giúp tránh nhiễm độc

Ống hồi sức-cấp cứu cũng được gắn trực tiếp vào mặt nạ. Nó được thiết kế để các binh sĩ có thể hô hấp nhân tạo cho binh sĩ khác khi người kia không may trúng độc. Tuy nhiên, hệ thống này dường như không phát huy được tác dụng. Nó thậm chí còn làm cho người cấp cứu cũng bị nhiễm độc theo.

Về cơ bản, lúc đầu M-17A1 tưởng như hoàn hảo nhưng lại không được như mong đợi. Sau một thời gian dài sử dụng, một lần nữa nó lại cần được thay thế. Đầu những năm 80, chiếc M-17A2 ra đời, là một trong những phiên bản cuối của loại mặt nạ M-17. M-17A2 được Quân đội Mỹ sử dụng trên toàn thế giới thời điểm bấy giờ.

M-17A2 đã có sự thay đổi trong hệ thống uống nước và chính thức loại bỏ hệ thống cấp cứu như M-17A1. M-17A2 có thiết kế đòn bẩy cho các ống uống nước. Các ống này có thể quay quanh một điểm tựa gắn trên mặt nạ. Mục đích của chiếc đòn bẩy này là xác định miệng của một người dùng để cung cấp nước từ bên ngoài mặt nạ. Khi người đó đã uống nước xong, đòn bẩy sẽ tự nghiêng về phía sau, ống sẽ di chuyển lên, tự động ra khỏi miệng của người uống.

Hệ thống cung cấp nước uống này mới đầu có vẻ hữu ích nhưng nó lại có thể gây mất tập trung cho một số binh lính. Lí do là với cơ chế cấp nước tự động như vậy thì đối với một người có miệng môi rõ rệt, khi miệng ống cấp nước nhận dạng đc, nó sẽ cấp vô tội vạ, khiến cho họ không khát cũng phải uống nước, thậm chí là cấp nước khi đang ở tình thế hết sức nguy hiểm, chẳng có tâm trạng đâu mà uống, dễ bị đối phương tiêu diệt!

Nói chung, với tất cả các loại mặt nạ phòng độc M-17, mặc dù người Mỹ đã rất cố gắng để tìm ra một giải pháp tốt nhất nhưng nó vẫn rất khó có thể sử dụng được như ý. Ngoài đặc điểm cồng kềnh, nặng, khó sử dụng, thì đeo mặt nạ làm cho việc di chuyển cũng như quan sát là cực kỳ khó khăn.

Nếu ai đã từng sử dụng mặt nạ phòng độc sẽ biết cảm giác cực kỳ khó chịu này, đường hô hấp như luôn thiếu dưỡng khí, đặc biệt khi vận động mạnh, lại ở trong thời tiết nóng ẩm như ở Việt Nam. Cảm giác thiếu dưỡng khí khiến người dùng luôn muốn há miệng để lấy thêm dưỡng khí nhưng điều này khiến hơi nước trong miệng thoát ra nhanh chóng, lấp đầy khoảng không gian bên trong mặt nạ. Lượng hơi nước này nhanh chóng đọng lại trên mặt kính khiến người đeo mặt nạ không thể quan sát bất cứ thứ gì.

Kể cả nếu đã quen với cảm giác thiếu oxy và hít thở bằng mũi mà không dùng miệng thì việc bị bít kín đầu bằng mũ cao su, bị cái nắng gần 40 độ C của thời tiết miền Nam Việt Nam hâm nóng cùng với các trang bị nặng nề kèm theo vận động mạnh, mồ hôi chảy ra nhễ nhại thì cảm giác cũng không hề dễ chịu chút nào.

Chất độc màu da cam: nỗi đau qua nhiều thế hệ

Mặc dù hữu ích nhưng hầu như các loại mặt nạ phòng độc M-17 không mấy khi được dùng. Lính Mỹ chỉ sử dụng mặt nạ phòng độc khi tiếp xúc với kho chất độc hóa học khổng lồ của họ.

Tuy nhiên nguyên nhân chính khiến một sản phẩm tiêu tốn nhiều công sức, chi phí chế tạo như mặt nạ M-17 lại không có cơ hội thể hiện trong chiến tranh Việt Nam không phải bởi cảm giác khó chịu khi sử dụng mà bởi Quân đội nhân dân Việt Nam trong tôn chỉ hoạt động của mình không bao giờ sử dụng những loại vũ khí có mức độ sát thương hàng loạt như vũ khí hóa học, sinh học hay hạt nhân… Dù trong tổ chức lực lượng của ta có hẳn một binh chủng hóa học nhưng đây thực sự là những người lính phòng hóa đảm bảo phòng chống tập kích hóa học và tiêu tẩy, khử độc môi trường không chỉ cho quân đội mà cả nhân dân.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ngoài những vũ khí như súng đạn, tên lửa, máy bay… mặt nạ phòng độc cũng là một khí tài mà bộ đội ta được viện trợ. Tuy nhiên, rất ít hình ảnh bộ đội ta sử dụng loại khí tài này. Một phần do sự phức tạp, phần vì không đủ số lượng để cấp cho tất cả. Mỹ đã sử dụng rất nhiều loại vũ khí hóa học ở miền Nam Việt Nam như đạn pháo, đạn cối, lựu đạn, bom, hơi ngạt chứa chất độc hóa học. Riêng đối với chất độc màu da cam mà Mỹ độc ác rải xuống rừng Trường Sơn thì tất cả các loại mặt nạ phòng độc hầu như không thể ngăn được ảnh hưởng của chúng. Loại chất độc này có thể thẩm thấu qua da, qua đường hô hấp, tiếp xúc, thậm chí nằm yên trong đất, thấm vào nước ngầm, cây trồng và gây ra những di chứng nặng nề sau hàng chục năm, qua nhiều thế hệ.

Lính Mỹ tập kết chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam

Lính Mỹ tập kết chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam

Vì vậy, trong trường hợp khẩn cấp, cách phòng chống quen thuộc của bộ đội ta vẫn là chiếc khăn tay thấm nước tiểu, đó là loại “mặt nạ” phổ biến nhất. Biện pháp này có lẽ là tiện lợi và phù hợp nhất với chúng ta thời đó, trong điều kiện trong nước còn hạn chế. Cách phòng độc thủ công này cũng chỉ có tác dụng tránh bị tử vong do hô hấp ngay lúc đó nhưng không thể tránh khỏi các di chứng. Hàng triệu nạn nhân chất độc da cam trên khắp nước ta đang ngày đêm phải chịu những di chứng nặng nề của chiến tranh.

Hiện nay những người lính hóa học của Việt Nam cũng được trang bị các loại mặt nạ phòng độc tiên tiến, chúng ta cũng đã sản xuất được mặt nạ phòng độc MV-5 để tự chủ trong trang bị cho toàn quân. Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, hình ảnh những người lính hóa học với chiếc mặt nạ phòng độc vẫn đang ngày đêm đối mặt với tử thần để xử lý chất độc màu da cam ở sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa… trả lại sự bình yên cho nhân dân thực sự khiến mọi người cảm động.

Rà phá bom mìn phục vụ việc xử lý chất độc màu da cam ở sân bay Đà Nẵng

Rà phá bom mìn phục vụ việc xử lý chất độc màu da cam ở sân bay Đà Nẵng

Ngày nay, mặt nạ phòng độc đã được dùng phổ biến cho không chỉ quân đội mà còn ở những người lao động trong môi trường độc hại. Thậm chí để đảm bảo an toàn trong phòng cháy chữa cháy đặc biệt ở những chung cư cao tầng, người cẩn thận cũng đã tự sắm cho mình những chiếc mặt nạ phòng độc.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại