Vì sao Nga - Trung đồng thanh phản đối hệ thống THAAD?

Hòa Sơn |

Nga vừa cùng với Trung Quốc đồng thanh phản đối kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn THAAD đến Hàn Quốc của Mỹ.

Nga khẳng định mối thâm tình với Trung Quốc

Mới đây nhất là ngày 26/11, khi đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc – Khâu Quốc Hồng đã bày tỏ phản đối về kế hoạch này của Mỹ.

Vị đại sứ này cho rằng: 'Việc làm này có thể làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul'.

Thông điệp này được ông Khâu Quốc Hồng phát biểu trong hội nghị bàn tròn khách mời đặc biệt Uỷ ban phát triển quan hệ hai miền Triều Tiên của quốc hội Hàn Quốc.

Vị đại sứ này cho rằng, phạm vi ứng dụng của hệ thống THAAD là khoảng 2000 km, phạm vi này đã vượt quá mọi cự ly cần thiết để phòng vệ Triều Tiên.

Điều này khiến cho nó trở thành thứ vũ khí không phải nhằm vào Bắc Hàn, mà nhằm vào Bắc Kinh.

Vị đại sứ này dẫn chứng thêm “nhìn từ góc độ chiến thuật, nếu như Bình Nhưỡng muốn tấn công Seoul, khả năng lớn nhất là họ sẽ sử dụng tên lửa tầm gần, chứ không phải sử dụng tên lửa tầm xa.

Do đó sử dụng hệ thống THAAD vào việc phòng vệ hạt nhân hoặc tên lửa của Triều Tiên cơ bản không hiệu quả”.

Chính vì thế, đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc cho rằng, việc bố trí THAAD không chỉ nguy hại đến an ninh của đất nước ông, mà còn ảnh hưởng không tốt đối với quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh ở mức độ rất lớn.

Hệ thống THAAD

Hệ thống THAAD

Trước khi đại sứ Khâu Quốc Hồng lên tiếng phản đối, hồi cuối tháng 8/2014, đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình và Bộ Ngoại giao Nga cũng đồng thanh lên án kế hoạch này. Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin:

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye phải cẩn thận về vấn đề triển khai các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ trên lãnh thổ của Hàn Quốc.

Yonhap dẫn nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc cho biết, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Hàn Quốc đã thảo luận vấn đề này tại một cuộc họp hồi tháng Bảy.

Tuy nhiên bà Park Geun-hye đã đáp lại nhà lãnh đạo Trung Quốc như thế nào, nguồn tin không tiết lộ.

Trước khi Trung Quốc chính thức lên tiếng cảnh báo Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã kêu gọi Hàn Quốc cân nhắc những tác động an ninh từ việc nước này cho phép Mỹ triển khai tổ hợp đánh chặn THAAD.

"Sự kiện Mỹ triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến tình hình chiến lược trong khu vực, kích động cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á...

...tạo ra những biến chứng bổ sung cho giải pháp của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trong nghĩa rộng hơn, điều này chắc chắn tác động xấu cho sự ổn định chiến lược toàn cầu...

...đang tiếp tục bị Mỹ đơn phương làm suy yếu bằng lá chắn tên lửa, cũng như các quá trình kiểm soát vũ khí," - Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Động cơ của Nga?

Việc Nga bất ngờ đồng thanh phản đối hệ thống THAAD cùng Trung Quốc cho thấy mối ‘thâm tình’ của hai bên ngày càng bền chặt.

Nhiều sự kiện trước đó được một số chuyên gia lý giải từ góc độ tài chính.

Hiện nay Nga đang tìm cách đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Bắc Kinh trong bối cảnh quan hệ Nga-Liên minh Châu Âu (EU) trở nên căng thẳng.

EU đã áp dụng một loạt lệnh trừng phạt lên các quan chức và công ty Nga nhằm đáp trả việc Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014 và những cáo buộc Nga có liên quan đến bất ổn tại Đông Ukraine.

Hãng tin tài chính Bloomberg dẫn nguồn tin từ hai quan chức cao cấp của Chính phủ Nga cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đang có kế hoạch mở cửa cho các dòng vốn từ Trung Quốc.

Thông tin này được hé lộ trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhằm vào Nga do vấn đề Ukraine đang có nguy cơ đẩy kinh tế Nga rơi vào suy thoái.

Theo nguồn tin trên, Nga sẽ rút các giới hạn không chính thức về vốn đầu tư của Trung Quốc vào nước này.

Moscow đang muốn thu hút vốn từ Trung Quốc vào một loạt lĩnh vực, từ nhà đất, xây dựng cơ sở hạ tầng tới khai thác tài nguyên.

Tuy nhiên, có một số lĩnh vực quan trọng sẽ không được tiếp nhận vốn Trung Quốc, bao gồm các ngành khai thác vàng, bạch kim và kim cương, cùng các dự án công nghệ cao.

Về năng lượng, nếu như trước đây một vài năm, Moscow và Bắc Kinh còn cò kè bớt một thêm hai về giá của một thùng dầu, thì hiện tại, vấn đề giá cả này có lẽ sẽ được thông qua một cách nhanh chóng.

Một khi họ đã là hàng xóm tốt qua thỏa thuận chung giữa hai nguyên thủ.

Nga giải quyết cho Trung Quốc cơn khát năng lượng, còn Trung Quốc dùng đồng Nhân dân tệ cứu kinh tế Nga trước đòn trừng phạt.

Trước những thông tin trên, giới phân tích cho rằng, Nga có nhiều thứ Trung Quốc thèm, còn Trung Quốc chỉ có một thứ duy nhất Nga cần, đó là Tiền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại