Vì sao Mỹ muốn xóa bỏ chương trình tiêm kích đắt nhất hành tinh?

Bảo An |

(Soha.vn) - Theo những tài liệu rò rỉ ra ngoài từ cuộc xét duyệt ngân sách quốc phòng mới đây của Lầu Năm Góc, Mỹ đã mệt mỏi với chương trình tiêm kích tàng hình F-35 và đang cân nhắc hủy bỏ chương trình trị giá 391,2 tỷ USD này.

Các quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ đã tổ chức một cuộc họp ngắn vào ngày 1/8 để tìm cách đối phó với việc ngân sách quốc phòng bị cắt giảm 500 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Đáng chú ý trong cuộc họp là có rất nhiều tài liệu đã được đưa ra, thể hiện sự thất vọng rõ rệt của Lầu Năm Góc với chương trình tiêm kích tàng hình F-35 do Lockheed Martin thiết kế và sản xuất.

Một số người tham dự cuộc họp tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang cân nhắc hủy bỏ chương trình máy bay chiến đấu F-35, cũng như kế hoạch phát triển máy bay ném bom tầm xa và tàng hình thế hệ mới.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 1/8 phát biểu trước các phóng viên rằng Lầu Năm Góc có thể phải quyết định giữa việc duy trì một “lực lượng nhỏ hơn nhiều” và "kỳ nghỉ” 10 năm cho quá trình hiện đại hóa các hệ thống vũ khí trang bị.

Máy bay chiến đấu F-35.

Lầu Năm Góc đã quá thất vọng và mệt mỏi với chương trình tiêm kích tàng hình F-35

Hãng tin Reuters dẫn phát biểu của các quan chức của Lầu Năm Góc cho rằng quyết định duy trì một lực lượng quân đội quy mô lớn “có thể dẫn tới việc phải hủy bỏ chương trình máy bay chiến đấu F-35 hợp tác với tập đoàn Lockheed Martin và kế hoạch máy bay ném bom tàng hình tầm xa”.

Chương trình máy bay chiến đấu F-35 là hệ thống vũ khí đắt nhất của Lầu Năm Góc. Một phi đội gồm 2.443 chiếc F-35 trị giá tới 391,2 tỷ USD, tăng 68% do với chi phi ước tính năm 2001. Đầu năm nay, Giám đốc chương trình máy bay F-35, Tướng Christopher Bogdan đã chỉ trích nhà sản xuất Lockheed Martin “bòn mót từng xu” của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Mặc dù F-35 là máy bay chiến đấu đắt giá nhất trong lịch sử nước Mỹ, nhưng chất lượng của nó lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Tháng 2/2013, quân đội Mỹ đã quyết định dừng bay toàn bộ phi đội F-35 đang hoạt động sau khi dấu hiệu rạn nứt được phát hiện trên turbine của một chiếc F-35. Đây là lần thứ tư phi đội F-35 bị tạm ngừng hoạt động do lỗi sản xuất. Hồi tháng 4 năm nay, Tướng Christopher Bogdan phát biểu trước một ủy ban của Nghị viện rằng ông nghi ngờ về khả năng chống chọi của F-35 trước một cuộc tấn công mạng phức tạp.

Tuy nhiên, dù có đưa ra quyết định có dừng chương trình máy bay chiến đấu F-35 hay không thì Lầu Năm Góc cũng đã ký một số hợp đồng cung cấp và bảo dưỡng máy bay chiến đấu F-35 với Lockheed Martin. Đầu tuần này. Bộ Quốc phòng Mỹ đã ký thêm một hợp đồng mới mua thêm 71 chiến đấu cơ F-35, lý do là giá thành của chiếc máy bay đã giảm 4%. Thế nhưng, sự giảm giá này thật sự không thấm vào đâu.

Một quan chức quốc phòng giấu tên tiết lộ với Reuters rằng các tài liệu bị rò rỉ chỉ cho thấy trường hợp xấu nhất. Ông này thừa nhận Lầu Năm Góc có xem xét việc hủy bỏ chương trình nhưng khả năng này khó có thể xảy ra bởi "hủy bỏ chương trình sẽ gây phương hại đến an ninh quốc phòng của Mỹ".

Hơn nữa, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ khó từ bỏ chúng nếu không có sự chấp thuận của Quốc hội. Trong khi đó, không quan tâm tới ý định của Lầu Năm Góc, quốc hội Mỹ thường ép Bộ Quốc phòng nước này phải mua những loại vũ khí tốn kém và không cần thiết.

Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Đại tướng Ray Odierno năm ngoái đã tuyên bố nước này không cần thêm xe tăng. Mặc dù các quan chức của quân đội Mỹ đã nhiều lần khẳng định không cần thiết phải chi 500 triệu USD từ ngân sách để mua thêm 70 xe tăng Abrams, nhưng các nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều hối thúc Lầu Năm Góc chấp nhận vụ mua bán lãng phí này.

Đầu năm nay, một cuộc điều tra cho thấy tập đoàn Northrop Grumman đã tiến hành các cuộc vận động hành lang để duy trì hoạt động máy bay không người lái Global Hawk, cho dù Bộ Quốc phòng Mỹ muốn kết thúc dự án này. Sau đó, một dự luật được quốc hội thông qua yêu cầu Không quân Mỹ duy trì hoạt động 30 máy bay không người lái Global Hawk ít nhất đến năm 2014 với chi phí 260 triệu USD/năm.

Chi tiêu quốc phòng của Mỹ nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nhưng các nghị sĩ Mỹ thường yêu cầu Lầu Năm Góc tiếp tục mua thêm xe tăng, duy trì hoạt động tàu chiến và máy bay không còn cần thiết.

Vì vậy, mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ sự thất vọng về chương trình tiêm kích tàng hình F-35, nhưng họ khó thể có thể làm được gì nếu không được Quốc hội Mỹ ủng hộ.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại