Vì sao Ấn Độ phải đa dạng hóa nguồn cung vũ khí?

Từng là khách hàng vũ khí lớn của Nga, tuy nhiên mối thâm tình Nga - Ấn đã bị ảnh hưởng nhiều do chính sách xuất khẩu vũ khí của Nga thời gian gần đây.

Đa dạng hóa vũ khí

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, hiện Không quân nước này đang khẩn chương đàm phán với Pháp để mua 126 tiêm kích Rafale trị giá gần 20 tỷ USD. Rất có thể bản hợp đồng này được hoàn thành trong 3 tháng tới.

Theo nguồn tin trên, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã coi dự án này là ưu tiên hàng đầu đối với Không quân Ấn Độ (IAF) để giữ thế cân bằng lực lượng đối với Pakistan và, cũng như “kiềm chế” Trung Quốc.

Công ty Dassault Aviation (nhà sản xuất tiêm kích Rafale) đã được chọn thắng thầu cung cấp cho IAF 126 tiêm kích đa năng hạng trung vào tháng 1/2012. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng đã bị trì hoãn hơn 2 năm vì nhiều lý do.

 Tiêm kích Rafale

Tiêm kích Rafale

Được biết đây không phải là bản hợp đồng đầu tiên Ấn Độ thực hiện để trang bị vũ khí có nguồn gốc ngoài Nga cho quân đội của mình. Hồi giữa năm 2013, Cơ quan Hợp tác quốc phòng và an ninh Mỹ (DSCA) đã đệ trình lên Quốc hội nước này kế hoạch cung cấp lựu pháo trọng lượng nhẹ 155mm M-777 cho Ấn Độ.

Nếu không bị bác bỏ, hợp đồng trị giá 885 triệu USD trên với phía Ấn Độ sẽ được thực hiện theo khuôn khổ chương trình Bán vũ khí cho nước ngoài (FMS).

Theo thỏa thuận của hai bên, từ năm 2010, Mỹ sẽ bán cho quốc gia Nam Á này 145 tổ hợp pháo M-777 trang bị hệ thống đo xa laser quán tính LINAPS và các dịch vụ hậu cần, cung cấp đạn dược và hỗ trợ đào tạo nhân sự kèm theo.

Các đơn vị lựu pháo M-777 mới sẽ được trang bị cho 2 sư đoàn sơn cước Ấn Độ triển khai tại khu vực biên giới. Ngoài ra, trang bị mới cũng giúp quân đội Ấn Độ phối hợp dễ dàng hơn với quân đội Mỹ và phương Tây vốn theo chuẩn vũ khí NATO.

Nếu kế hoạch này được thực hiện thì Lựu pháo M-777 sẽ bổ sung thêm kho vũ khí khổng lồ do Mỹ sản xuất hiện có trong quân đội Ấn Độ. Hợp đồng quân sự hạng nặng gần đây nhất được thực hiện giữa Mỹ và Ấn Độ là bản hợp đồng mua 10 máy bay vận tải quân sự hạng nặng C-17 trang bị cho IAF năm 2010.

C-17 sẽ bổ sung cho lực lượng vận tải cơ hạng nặng gồm 6 chiếc C-130J mà IAF đã mua từ Washington trước đó. Ngoài ra, New Delhi đang thương lượng để mua thêm 6 chiếc C-130J và triển khai loại máy bay này tại bang Tây Bengal thuộc miền đông Ấn Độ để phục vụ các đơn vị đóng gần khu vực giáp với Trung Quốc.

Nhằm tăng cường năng lực giám sát trên biển cho Hải quân, năm 2009 Hải quân Ấn Độ (INF) đã ký bản hợp đồng mua 8 máy bay do thám Boeing P-8I Poseidon săn tàu ngầm với tổng trị giá 2,1 tỉ USD.

Theo tin từ Bộ quốc phòng Ấn Độ, nước này cũng quyết định mua 15 trực thăng vận tải Chinook CH-47F và 22 trực thăng tấn công AH-64D Block-III Apache.

Mô hình tàu ngầm lớp Lada

Mô hình tàu ngầm lớp Lada

Chính sách xuất khẩu vũ khí của Nga

Hiện lực lượng Không quân của Ấn Độ chủ yếu dựa vào chiến đấu cơ MiG do Nga sản xuất. Hồi tháng 5/2013, New Delhi quyết định thành lập Phi đội "Black Panthers" trang bị trên tàu sân bay gồm 12 chiếc MiG-29K một chỗ ngồi và chiếc MiG-29KUB hai chỗ ngồi, được Nga cung cấp cho Bộ Quốc phòng Ấn Độ theo bản hợp đồng ký kết năm 2004.

Chiến đấu cơ mạnh nhất của Ấn Độ hiện nay có nguồn gốc từ Nga là loại chiến đấu cơ đa năng Sukhoi Su-30MKI thuộc lực lượng United Aircraft Corp. Hiện có khoảng 150 chiếc hiện đang hoạt động và con số này sẽ được nâng lên 272 chiếc tính đến năm 2019. Trong quân đội Ấn Độ hiện nay cũng có sự phục vụ của các trực thăng đời mới Mil-17, có tên gọi Mil-17 V-5.

Ngoài ra trong biên chế của Quân đội Ấn Độ còn có sự phục vụ của hàng loạt vũ khí có nguồn gốc từ Nga như tàu ngầm, xe tăng... Chương trình vũ khí do New Delhi và Moscow hợp tác sản xuất được cho là thành công nhất là tên lửa BrahMos.

Hiện tên lửa BrahMos được phát triển với nhiều biến thể khác nhau và đã được trang bị trên chiến đấu cơ Su-30MKI. Trang bị có nguồn gốc Nga mang ý nghĩa chiến lược với Ấn Độ là tàu sân bay Vikramaditya.

Từ chỗ là bạn hàng truyền thống của Nga, Ấn Độ đã chuyển sang đa dạng hóa nguồn cung vũ khí. Lý do cho sự thay đổi này dù không được Ấn Độ tiết lộ, tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia, xuất phát điểm của quyết định này là do chính sách xuất khẩu vũ khí của Nga.

Trong những năm gần đây, Nga còn đồng ý bán vũ khí cho tất cả những nước (không bị lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc) có nhu cầu. Một trong những khách hàng lớn của Nga khiến Ấn Độ bất an là Trung Quốc.

Đầu tiên là hợp đồng mua 2 tiểu đoàn tên lửa đối không tầm xa S-300PMU trị giá 220 triệu USD ký kết vào năm 1990. Đến năm 1994, Trung Quốc lại ký hợp đồng mua thêm 2 tiểu đoàn S-300PMU1 trị giá 400 triệu USD. Năm 2001, Bắc Kinh mua thêm 2 tiểu đoàn S-300PMU1 nữa trị giá 400 triệu USD.

Năm 2002, Trung Quốc mua 2 hệ thống S-300F biến thể trang bị trên tàu chiến trị giá 200 triệu USD để trang bị cho tàu khu trục Type-051C. Năm 2003, ký hợp đồng trị giá 980 triệu USD để mua 4 tiểu đoàn S-300PMU2.

Đến cuối năm 2008, Trung Quốc có tổng cộng 160 xe phóng S-300 các loại, trong đó có 32 xe phóng S-300PMU, 64 xe phóng S-300PMU1, 64 xe phóng S-300PMU2, số tên lửa đã chuyển giao hơn 1.000 quả. Giai đoạn 1996-2000, Trung Quốc đặt mua tổng cộng 29 hệ thống tên lửa đối không tầm thấp TOR trị giá 700 triệu USD.

Ngoài ra còn có những hợp đồng cung cấp tiêm Su-30MKK, tiêm kích Su-27 cùng nhiều hợp đồng vũ khí quan trọng khác mà Nga - Trung đã ký kết. Không chỉ dừng lại ở đó, hiện những hợp đồng tiềm năng khác đang được hai bên tích cực đàm phán như tiêm kích Su-35, tàu ngầm Lada, hệ thống phòng không S-400…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại