UAV tàng hình nhanh nhất thế giới

Trường Sơn |

(Soha.vn) - Khả năng ném bom vào các mục tiêu xa xôi là lợi thế chiến thuật rất lớn của Taranis, thậm chí ngay cả khi nó chỉ được sử dụng nhằm hù dọa đối phương.

Đó chính là lý do tại sao Quân đội Anh đã mất hơn một thập kỷ để phát triển loại máy bay chiến đấu không người lái tàng hình (UCAV) Taranis - một trong những UAV lớn nhất và bay nhanh nhất trong lịch sử không quân hiện tại.

Taranis được đặt theo tên một vị Thần Sấm Celtic, là kết quả sau 10 năm nghiên cứu trong chương trình UCAV đầu tiên của Bộ Quốc phòng Anh. Thay vì tham gia liên minh cùng phát triển trong chương trình UCAV nEURon tương tự của Pháp, Thụy Điển, Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Thụy Sỹ, Anh đã bước đi trên chính đôi chân của mình bằng cách khởi động một chương trình thí điểm phát triển máy bay không người lái chiến lược SUAV với tổng chi phí khoảng 228 triệu USD, do công ty BAE Systems phát triển cùng với các đối tác GE Aviation, Rolls Royce và QinetiQ.

Kết quả là, một máy bay ném bom tàng hình hoạt động gần như tự động với tốc độ bay siêu âm, phạm vi hoạt động xuyên lục địa và không cần phi công trên khoang lái mang tên Taranis đã ra đời.

 	Máy bay chiến đấu không người lái Taranis

Máy bay chiến đấu không người lái Taranis

Taranis được tiết lộ lần đầu tiên trong năm 2010, có chiều dài khoảng 11 mét, cao 4 mét và sải cánh tam giác dài 10 mét, trọng lượng nặng khoảng 8 tấn. Trong khi các chi tiết cụ thể về nó vẫn chưa được tiết lộ thì nhiều nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Anh suy đoán rằng, Rolls-Royce sẽ sử dụng động cơ Adour 951 có lực đẩy 29kN và thời gian hoạt động 4.000 giờ cho UCAV Taranis, giúp máy bay đạt tốc độ bay siêu âm và tuổi thọ hoạt động lớn.

Nguyên mẫu UCAV Taranis không chỉ được thiết kế để ném bom mà còn có thể thực hiện các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát. Chính vì thế, nó được trang bị hệ thống khai thác và thu thập hình ảnh (ICE) tối tân của BAE Systems, có thể tự động thu thập và phân phối các hình ảnh độ phân giải rất cao.

Sau khi hoàn tất giai đoạn thử nghiệm trên mặt đất kể từ năm 2010, hiện nay, Taranis đang trải qua giai đoạn bay thử đầu tiên của nó tại căn cứ Woomera, Australia. Quân đội Anh đã sử dụng Woomera làm nơi để thử nghiệm những thiết bị quân sự mới của họ trong vài năm qua, trong đó bao gồm cả loại máy bay không người lái Mantis trong năm 2009.

Quân đội Anh hiện đang cân nhắc khả năng đưa UCAV trở thành một bộ phận trong các thành phần tấn công của Không quân Hoàng gia. Từ lâu, nước này đã đưa ra yêu cầu về khả năng kịp thời tham gia tấn công các mục tiêu ở sâu bên trong lãnh thổ đối phương. Yêu cầu này trước nay vẫn do các máy bay có người lái đảm nhận. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh thừa nhận rằng, một UCAS (hệ thống chiến đấu không người lái) có thể cung cấp một giải pháp chi phí hiệu quả hơn trong tương lai.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại