Tướng Lê Kế Lâm nói về thái độ của TQ khi VN có tàu ngầm Kilo

Hồng Chính Quang |

(Soha.vn) - “Khi về đủ 6 chiếc tàu ngầm Kilo, nếu ta luân phiên thì lúc nào cũng có 2 chiếc ở trên biển. Đó cũng là sự cảnh báo đối với bất kỳ đối tượng nào có ý đồ gây chiến..."

LTS: Như vậy, chiếc tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên mang tên HQ-182 Hà Nội trong tổng số 6 chiếc do Nga sản xuất cho Việt Nam theo hợp đồng đã ký vào năm 2009 đã về đến cảng Cam Ranh. Sự kiện này đang được các nhà phân tích quân sự và chính trị trong và ngoài nước quan tâm đặc biệt. Đó cũng là chủ đề cuộc trao đổi của chúng tôi với Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm - nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, Bộ Quốc phòng.

Phần 1: "Việt Nam không cần tàu sân bay nhưng rất cần tàu ngầm"

PV: Với vùng biển rộng lớn của Việt Nam, có người cho rằng chúng ta mới chỉ có 6 tàu ngầm là quá ít, nhất là so với nước láng giềng Trung Quốc. Ông có quan điểm như thế nào về việc này?

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Thực ra, tất cả mọi so sánh đều khập khiễng và tất nhiên ta không so sánh với các nước có diện tích rất lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 8 tàu ngầm nguyên tử, 60 tàu ngầm diesel. Ta chỉ có 6 chiếc nên so với họ ta chỉ bằng 1/10 nhưng với mục đích của chúng ta là xây dựng lực lượng tàu ngầm để bảo vệ Tổ quốc nên tôi nghĩ rằng chúng ta cũng đã có đủ sức. Tất nhiên có nhiều hơn nữa thì càng tốt.

Khi về đủ 6 chiếc tàu ngầm, nếu ta luân phiên thì lúc nào cũng có 2 chiếc ở trên biển. Đó cũng là một sự cảnh báo đối với bất kỳ đối tượng nào có ý đồ gây chiến, đe dọa chúng ta. Ngày trước trong Đại chiến thế giới thứ 2, Đức chỉ có một tàu ngầm mà trên Đại Tây Dương, họ cũng đã làm mưa làm gió và đánh chìm nhiều tàu vận tải của Anh, Mỹ.

Lợi thế của tàu ngầm là đi trong lòng biển, nghe được tiếng của các phương tiện khác từ rất xa mà các phương tiện truy tìm nó lại rất khó để phát hiện ra nó. Bây giờ khoa học đã phát triển, có nhiều cách để tìm ra tàu ngầm nhưng việc tìm ra và khuất phục tàu ngầm Kilo như của chúng ta là không đơn giản.

Tàu ngầm Kilo Hà Nội bơi trong lòng biển quê hương hôm 3/1, sau khi được chuyển ra khỏi tàu vận tải Rolldock Sea.

Tàu ngầm Kilo Hà Nội bơi trong lòng biển quê hương hôm 3/1, sau khi được chuyển ra khỏi tàu vận tải Rolldock Sea.

PV: Liên quan đến sự kiện Việt Nam nhận tàu ngầm Kilo, theo đánh giá của giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc thì khi Việt Nam nhận tàu ngầm hiện đại lớp Kilo từ Nga, cán cân sức mạnh hải quân tại Biển Đông sẽ thay đổi. Ông đánh giá cán cân sức mạnh tại Biển Đông giữa Việt Nam với các quốc gia khác trong Đông Nam Á như thế nào?

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Đông Nam Á có nhiều nước nhưng liên quan đến Biển Đông thì chỉ có 5 nước. Hiện nay, các nước như Malaysia, Indonesia và Singapore đều có lực lượng tàu ngầm nhưng họ cũng không có nhiều.

Sức mạnh của các nước Đông Nam Á có thể là tương đương với nhau. Nhưng cái chính là làm sao đến 2015, các nước Đông Nam Á trở thành cộng đồng có ý chí chung và có tư duy để bảo vệ vùng biển, vùng trời của tất cả các nước trong khu vực. Đông Nam Á nếu đoàn kết được sẽ tạo ra sức mạnh lớn lao giúp Biển Đông ổn định hơn.

PV: Thưa ông, liệu việc chúng ta sắm tàu ngầm và dự định sẽ mua thêm khi có điều kiện có làm cho việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC trở nên khó khăn?

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: COC chủ yếu là giữa ASEAN với Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng cái chính là ở sự thiện chí của Trung Quốc và thực chất ý đồ của Trung Quốc có muốn cho Biển Đông ổn định hay không.

Nếu họ muốn Biển Đông thực sự hòa bình để phát triển, họ sẽ giải quyết với ASEAN về COC một cách nhanh chóng chứ không phụ thuộc vào việc Việt Nam có mua tàu ngầm hay không. Thực ra, chúng ta ở thế yếu hơn nhiều so với Trung Quốc. Việt Nam hiện đại hóa không quân và hải quân là để tự vệ, chứ không hề đe dọa hay xâm lược ai.

PV: Theo Thiếu tướng, khi Việt Nam có tàu ngầm, Trung Quốc sẽ thay đổi cách ứng xử với Việt Nam như thế nào?

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Cái này khó có thể nói trước được, chúng ta phải quan sát rất thận trọng. Tư tưởng nước lớn và bá chủ toàn cầu của Trung Quốc rất bao quát và xuyên suốt trong thời kỳ kéo dài.

Chúng ta có lực lượng tàu ngầm, tất nhiên họ theo dõi chúng ta và có nhiều lúc họ có những lời bình luận mang tính chất khiêu khích nhưng đó chỉ là những từ ngữ từ báo chí chứ không có phát ngôn chính thức nào từ các chính khách. Trong những lúc như thế, chúng ta cần bình tĩnh để có cách ứng xử phù hợp, xem họ nói và làm như thế nào.

PV: Thưa ông, trong 2 năm gần đây, Trung Quốc có khá nhiều hành động gây hấn với Việt Nam trên Biển Đông như mời các đối tác đấu thầu khai thác dầu khí trên vùng biển của Việt Nam, xua nhiều tàu cá xuống Biển Đông… Ông có nghĩ rằng khi chúng ta có tàu ngầm, họ sẽ bớt đi những hành động bất chấp luật pháp và tình hữu nghị giữa hai nước?

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Tất nhiên, đối với những người chỉ huy quân sự, đó là điều phải suy tính đến. Còn với từng cá nhân thì họ có lúc rất hung hăng, cảm thấy như vậy là bộc lộ uy quyền nước lớn, họ không nghĩ rằng đã có rất nhiều ví dụ trên thế giới này về việc sai lầm của một người lính dẫn đến chiến tranh.

Việc đụng độ trên biển cũng vậy. Hành động từ cấp dưới của những người thừa hành nhiệm vụ như vậy thì ta phải luôn cảnh giác. Chúng ta phải hết sức bình tĩnh tránh những sự khiêu khích như vậy từ họ.

PV: Dù nhận tàu ngầm Kilo là một sự kiện trọng đại, nhưng không thể phủ nhận rằng Hải quân Việt Nam còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Theo ông những khó khăn đó là gì và chúng ta cần khắc phục như thế nào?

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Đúng là chúng ta còn rất nhiều khó khăn mà cái chính là nền kinh tế

của chúng ta phát triển chưa cao, trình độ khoa học kỹ thuật của chúng ta phần lớn là mới bắt đầu. Không so sánh đâu xa, chúng ta so với Hàn Quốc đã thấy thua rất xa. Họ đóng được tàu ngầm, sản xuất được máy bay, làm được tàu khu trục… trong khi đó những thứ này ta phải đi mua. Vì vậy chúng ta phải phấn đấu làm sao để tự sản xuất những phương tiện phục vụ cho quốc phòng, an ninh.

Thứ hai là mua tàu ngầm về thì phấn khởi thật nhưng tiền để "nuôi" tàu ngầm, giữ cho chúng luôn có sức sống, sức chiến đấu ở trên biển xứng tầm với những trang bị thì cũng không phải là ít. Tôi biết rằng để nuôi dưỡng một tàu ngầm lớp Kilo để nó hoạt động theo tuổi thọ khoảng 40 năm thì mỗi năm chúng ta phải tốn khoảng 20 triệu USD, bao gồm việc nuôi kíp tàu và các hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng.

Do đó phải làm thế nào để kinh tế của chúng ta phát triển, khi đó sức mạnh quân sự của chúng ta mới khiến nhiều nước kiêng nể. Còn khi kinh tế kém phát triển, chúng ta không thể đầu tư cho quốc phòng một tỷ lệ lớn được bởi điều đó sẽ khiến việc đầu tư cho đời sống của nhân dân bị thu hẹp đi.

"Để nuôi dưỡng một tàu ngầm lớp Kilo để nó hoạt động theo tuổi thọ khoảng 40 năm thì mỗi năm chúng ta phải tốn khoảng 20 triệu USD, bao gồm việc nuôi kíp tàu và các hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng.

Do đó phải làm thế nào để kinh tế của chúng ta phát triển, khi đó sức mạnh quân sự của chúng ta mới khiến nhiều nước kiêng nể."

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm

(Còn nữa)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại