Trung Quốc, Nhật Bản ngày càng tái diễn bối cảnh Thế chiến I

Tương tự như bối cảnh trước khi nổ ra Thế chiến I, chủ nghĩa dân tộc hiện cũng được nhắc tới nhiều tại Nhật Bản và Trung Quốc.

Nhiều ý kiến nhận định căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật thời gian qua giống như bối cảnh đã làm bùng phát cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất.

Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất, hay ngắn gọn hơn là Thế chiến I, là một trong những cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất và gây ra hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Nhìn lại lịch sử 100 về trước, nhiều nguyên nhân làm bùng phát Thế chiến I đã được chỉ ra.

Ngoài nguyên nhân sâu xa là mâu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc thì những nguyên nhân trực tiếp được chỉ ra là liên minh quân sự, chạy đua vũ trang và chủ nghĩa dân tộc. Các nhà phân tích cho rằng những điều này dường như đang lặp lại trong bối cảnh căng thẳng ở Đông Bắc Á không ngừng gia tăng, đặc biệt là thế đối đầu giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Mỹ.

Ngoài ra, nguy cơ bùng nổ xung đột liên quan tranh chấp quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản quản lý mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền được các nhà phân tích ví với sự kiện khởi đầu cho Thế chiến I.

Cách đây gần 100 năm, Thế chiến I đã bùng phát (tháng 8/1914) giữa hai phe, một bên là Khối Liên minh (Đức-Áo-Hung) với Khối Hiệp ước (Anh-Phap-Nga).

Thời kỳ này, các quốc gia tìm kiếm lôi kéo thành lập các hiệp ước liên minh quân sự để tăng cường thế lực, bành trướng ảnh hưởng. Các liên minh được hình thành đã làm cho tình hình thế giới trở nên cực kỳ căng thẳng. Chỉ cần một xung đột nhỏ có thể trở thành xung đột quốc tế.

Khu vực Đông Bắc Á

Tại khu vực Đông Bắc Á hiện nay, liên minh chính trị-quân sự giữa Mỹ và một số nước trong khu vực được nhận định đang hình thành thế bao vây Trung Quốc. Chiến lược trở lại châu Á của Mỹ đang được triển khai trên thực tế. Mỹ đã lập ra một hệ thống các liên minh và các căn cứ quân sự, các đối tác chiến lược trên khắp khu vực, như Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản để đối chọi với Trung Quốc.

Về vấn đề chạy đua vũ trang tại khu vực không phải bây giờ mới nóng khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba mà đã được bàn đến trong nhiều năm qua với ngân sách quốc phòng không ngừng tăng của Trung Quốc.

Theo xu hướng hiện nay, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng lên mức 238,2 tỷ USD vào năm 2015 (so với 119,8 tỷ USD của năm 2011). Như vậy, tốc độ gia tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trung bình mỗi năm lên tới gần 19%.

Trung Quốc đang hiện đại hóa quân đội một cách rất mạnh mẽ với tham vọng thu hẹp sự chậm tiến 20 - 30 năm hiện nay. Trung Quốc đang mạnh tay chi cho các dự án phát triển các loại máy bay chiến đấu kiểu Thành Đô J-10B hoặc hiện đại hơn là J-20, tương tự F-22 của Mỹ.

Tên lửa, đặc biệt là loại đối không tầm xa, cũng nằm trong diện được ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Bắc Kinh đang nỗ lực cải thiện các khả năng không gian cho loại tên lửa này. Về hải quân, Bắc Kinh đang tiến hành hiện đại hóa khả năng tốc độ cho các tàu chiến của Quân giải phóng nhân dân (PLA).

Mục tiêu tối thượng là trang bị bằng được ít nhất một tàu sân bay thực thụ và điều này có vẻ đang được hiện thực hóa với việc đại tu chiếc Varyag mua lại của Ucraina năm 1998. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đẩy nhanh việc tự chế tạo một tàu sân bay cho hải quân.

Tàu hải quân Trung Quốc

Trước năng lực quốc phòng ngày càng gia tăng cũng như hành động mang tính quyết đoán của Trung Quốc đối với tranh chấp Senkaku, Nhật Bản cũng đã quyết định tăng ngân sách quốc phòng.

Ngày 29/1, Nội các Nhật Bản đã phê chuẩn tổng ngân sách trị giá 92.600 tỷ yên (1.020 tỷ USD) cho tài khóa 2013. Trong số đó, ngân sách quốc lên tới 4.753,8 tỷ yên (52,5 tỷ USD), tăng 40 tỷ yên so với tài khóa 2012.

Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng 11 năm qua, Nhật Bản quyết định mở rộng chi tiêu quốc phòng. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên trong 8 năm qua, Nhật Bản cũng tăng thêm 287 quân nhân cho SDF, hiện có khoảng 228.000 người.

Nhiều nước xung quanh khu vực này như Nga, Indonesia…cũng tăng ngân sách quốc phòng và đẩy mạnh mua sắm vũ khí.

Tương tự như bối cảnh trước khi nổ ra Thế chiến I, chủ nghĩa dân tộc hiện cũng được nhắc tới nhiều tại Nhật Bản và Trung Quốc. Giới phân tích nhận định những nguy cơ càng nghiêm trọng và rõ nét hơn sau cuộc bầu cử hồi tháng 12/2012 ở Nhật Bản.

Kết quả là một nội các mới của Nhật Bản đã được thành lập, chủ trương thi hành chính sách dân tộc thuần túy và cứng rắn, sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ "Washington Post” của Mỹ ngày 21/2 cho rằng chương trình giáo khoa mang nặng chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc đã cổ xúy tâm lý chống Nhật.

Theo ông Abe, tâm lý chống Nhật bắt nguồn từ chương trình giáo dục đã cản trở quan hệ hữu nghị giữa hai nước, đồng thời hạn chế sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Một tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản dùng vòi rồng xua đuổi các tàu "lạ" xâm nhập vùng biển gần Senkaku

Một trong những vấn đề nóng nhất hiện nay là nguy cơ xảy ra xung đột Trung-Nhật liên quan tới tranh chấp quần đảo Senkaku. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại rằng một cuộc xung đột có thể nổ ra chớp nhoáng giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Việc Nhật Bản “quốc hữu hóa” các hòn đảo này, sau đó là các cuộc tập trận diễn ra liên tục của cả hai nước ở gần khu vực Senkaku càng làm tăng thêm nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột công khai. Trong trường hợp này, nước Mỹ khó có thể đứng ngoài cuộc.

Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) vừa công bố một báo cáo cho thấy Mỹ "có thể can dự trực tiếp vào một cuộc xung đột quân sự" giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan tới quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông.

Báo cáo của CRS nhận định: "Trung Quốc đã gia tăng các hành động khiêu khích bằng cách điều cả tàu quân sự và tàu hải giám cũng như máy bay tới khu vực trên (Senkaku)" kể từ khi Chính phủ Nhật Bản mua một số đảo thuộc quần đảo này từ chủ sở hữu tư nhân người Nhật hồi tháng Chín.

Báo cáo cũng cho rằng việc Trung Quốc chĩa rađa về phía tàu khu trục Nhật Bản ở vùng biển gần quần đảo không người nói trên "được coi là hành động leo thang đáng kể trong vụ đối đầu này".

Theo đó, "Nhật Bản có nhu cầu cấp thiết tăng cường lực lượng quân đội, được gọi là Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, để tăng cường khả năng phòng vệ ở phía Tây Nam quần đảo này (Senkaku)".

Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm rằng một nguyên nhân sâu xa nữa dẫn đến tình hình căng thẳng địa chính trị và chủ nghĩa dân tộc hiện nay ở châu Á là do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới sâu sắc. Các cường quốc đang thổi bùng lên một cuộc chạy đua thực dân mới trên khắp thế giới để giành nguyên liệu, thị trường và nhân công rẻ...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại