Trung Quốc hay Mỹ muốn 2 miền Triều Tiên thống nhất?

Hai miền Nam-Bắc Triều Tiên thống nhất được hay không vấn đề là lãnh đạo 2 miền có đặt quyền lợi dân tộc, lòng tự trọng dân tộc trên hết hay không.

Hai miền Nam-Bắc Triều Tiên thống nhất được hay không vấn đề là lãnh đạo 2 miền có đặt quyền lợi dân tộc, lòng tự trọng dân tộc trên hết hay không.

Động thái của CHDCND Triều Tiên (BTT)

Hội đồng bảo an LHQ ra nghị quyết trừng phạt vào ngày 07/03/2013 khi Bắc Triều Tiên tiến hành thử VKHN lần thứ ba . Ngày 11/03/2013, Mỹ-Hàn Quốc tổ chức tập trận lớn.

Trước hết mà nói thì việc Bắc Triều Tiên thử VKHN, tên lửa đạn đạo…bị LHQ cấm vận, trừng phạt đã quá quen. Nghị quyết lần này thực chất “có cũng như không” vì trên thực tế tất cả các hành động trên của Liên hợp quốc đều đã được triển khai đã lâu, chỉ có điều nó không được luật hóa bằng một nghị quyết mà thôi.

Đối với cuộc tập trận thì đây cũng không phải là lần đầu Mỹ và Hàn Quốc tổ chức diễn tập quân sự liên hợp mà nó cũng không phải là một cuộc diễn tập lớn nhất trong năm nay.

Thế nhưng, đột nhiên Bắc Triều Tiên nâng mức độ đối đầu giữa hai bên lên cao hơn nhiều so với quá khứ. Bắc Triều Tiên tuyên bố bãi bỏ hiệp ước đình chiến đã ký với Mỹ năm 1953, có nghĩa là tuyên bố 2 miền đang là chiến tranh; cắt đường dây nóng với Seoul; đe dọa tấn công phủ đầu hạt nhân vào nước Mỹ…toàn là những tuyên bố và hành động khiến cho dư luận yêu chuộng hòa bình sởn tóc gáy.

Trẻ em Triều Tiên chơi đùa bên sông Yalu. Ảnh: AP.

Liệu chiến tranh hạt nhân có xảy ra không? Chắc chắn là không. Bởi nếu có thì cũng chỉ 2 miền Triều Tiên bị “xóa khỏi trái đất” chứ nước Mỹ thì không đời nào bị ảnh hưởng dù chỉ một sợi tóc. Hơn ai hết Bắc Triều Tiên quá hiểu điều này.

Chiến tranh thông thường có thể xảy ra nhưng liên quân Mỹ-Hàn vượt trội thì chỉ khi nào giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên muốn tự xóa sổ chế độ của mình mới chủ động tiến hành, còn liên quân Mỹ-Hàn thì không bao giờ muốn chiến tranh với Bắc Triều Tiên ít nhất là trong tương lai gần.

Vậy động thái của Bắc Triều Tiên là gì?

Có thể nói tuyên bố, hành động quyết liệt của Bắc Triều Tiên trong tình hình vừa qua là tạo ra một “môi trường sạch” nhằm mục đích đàm phán trực tiếp với Mỹ.

“Môi trường sạch” đó là một nước CHDCND Triều Tiên độc lập, không phụ thuộc vào Trung Quốc như đã từng.

Tại sao Trung Quốc lại ra đòn với Bắc Triều Tiên là đồng minh thân cận hay tại sao Bắc Triều Tiên bị ăn đòn của Trung Quốc? Đơn giản là Bắc Triều Tiên không nghe theo cái gậy chỉ huy của Bắc Kinh.

Binh sĩ Triều Tiên tham gia cuộc tập trận gần Bình Nhưỡng hôm 6/3

Tuyên bố của Bắc Triều Tiên là “Độc lập (không phụ thuộc) quan trọng hơn cuộc sống” là nhằm vào Trung Quốc. Trước lần thử VKHN lần thứ 3, Bắc Triều Tiên cũng từ chối, không tiếp vị phái viên đặc biệt của chính phủ Trung Quốc về bán đảo Triều Tiên Vũ Đại Vĩ với lời tuyên bố: “Việc thử hạt nhân là quyền chủ quyền của Bắc Triều Tiên và Trung Quốc chả có liên quan gì đến việc này”.

Và hơn 4 tháng nay tất cả các phương tiện truyền thông Bắc Triều Tiên không đưa một tin nào về Trung Quốc(THX), Bắc Triều Tiên coi như Trung Quốc không còn tồn tại bên cạnh họ.

Việc phớt lờ Mỹ, và ngay cả Trung Quốc tiến hành phóng vệ tinh, thử VKHN, Bắc Triều Tiên muốn khích động chủ nghĩa dân tộc Triều Tiên.

Dân Hàn Quốc, những người hiểu biết, có lòng tự trọng đỡ bớt phải xấu hổ, nhục nhã khi chính quyền Hàn Quốc muốn tăng tầm bắn của tên lửa cũng phải xin phép Mỹ. Họ-dân tộc Triều Tiên có quyền tự hào.

Ngay trong lĩnh vực phát triển kinh tế, Trung Quốc là một trung tâm kinh tế thế giới nhưng Bắc Triều Tiên vẫn không định hướng phát triển theo mô hình Trung Quốc mà họ có vẻ như chọn mô hình của Việt Nam là không phải không có lý do của nó.

Hơn ai hết, giới lãnh đạo mới, trẻ, của Bắc Triều Tiên đã nhận thức được là đồng minh với Trung Quốc trong 60 năm qua thì được cái gì, mất cái gì. Hơn ai hết họ đã hiểu hòa bình, độc lập, hòa nhập cùng thế giới của Bắc Triều Tiên chả là gì so với lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Một dấu hiệu, một hành động thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc của Bắc Triều Tiên là quá rõ ràng. Đã đến lúc mà Bắc Triều Tiên phải đi theo con đường mà mình đã chọn, không để kẻ nào lợi dụng, mặc cả trên lưng của mình.

Trung Quốc hay Mỹ muốn 2 miền Triều Tiên thống nhất?

Trước hết nói về Trung Quốc. Thực ra, Trung Quốc dùng Bắc Triều Tiên làm “vùng đệm” nó chỉ có ý nghĩa chiến lược của thập niên 70 thế kỷ trước. Nhưng hiện nay, thế kỷ 21 khi chiến tranh đã chuyển sang một phương thức, khái niệm mới bởi việc sử dụng vũ khí công nghệ cao thì “vùng đệm” lại không có ý nghĩa gì về chiến lược.

Đặc biệt khi Mỹ và Trung Quốc không có khả năng xảy ra chiến tranh thì “vùng đệm” Bắc Triều Tiên này đã phản tác dụng.

Tình hình Bắc Triều Tiên bây giờ lại trở thành một gánh nặng cho Trung Quốc. Đồng minh thì yếu, bị cô lập với thế giới, lại là nguyên nhân để cho Mỹ, Nhật Bản…hình thành một liên minh, một hệ thống phòng thủ bao vây chống Trung Quốc mà Trung Quốc khó có thể phản đối.

Mỗi lần Bắc Triều Tiên thử tên tên lửa, VKHN là mỗi lần Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hoàn thiện, tăng cường hệ thống lá chắn tên lửa nhằm vào Trung Quốc. Trung Quốc không bực tức với Bắc Triều Tiên khi an ninh quốc gia bị đe dọa mới đáng ngạc nhiên.

Nếu ai đó nói rằng Trung Quốc muốn bán đảo Triều Tiên “không có hòa bình, không xảy ra chiến tranh, không bất ổn” thì có lẽ là sách lược ngày xưa. Bây giờ Trung Quốc chỉ muốn 2 miền Triều Tiên thống nhất nhưng phải trong hòa bình (vì Trung Quốc không muốn có hàng triệu người Bắc Triều Tiên tị nạn) hơn ai hết.

Tuy nhiên, một bán đảo Triều Tiên “không có hòa bình, không xảy ra chiến tranh, không bất ổn” lại là sách lược Mỹ muốn duy trì để thực hiện chiến lược châu Á-TBD của mình, kiềm chế Trung Quốc.

Tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ không căng thẳng, sẽ phi vũ khí hạt nhân khi chỉ cần Mỹ ký với Bắc Triều Tiên một hiệp ước hoà bình, không xâm phạm Bắc Triều Tiên trước thì ngay lập tức Bắc Triều Tiên sẽ hủy bỏ kế hoạch chế tạo VKHN. Nhưng Mỹ không đồng ý mà yêu cầu Bắc Triều Tiên phải hủy bỏ chế tạo VKHN vô điều kiện.

Rõ ràng đây là cuộc nói chuyện, trao đổi của “hai người điếc” với nhau và bất kỳ một người bình thường nào cũng nhận thấy hành xử của Mỹ là “ăng ô”, cố tình gây khó, ngang ngược.

Nguyên nhân là do Mỹ không bao giờ muốn ký với Bắc Triều Tiên một hiệp ước hòa bình dù không bao giờ tấn công Bắc Triều Tiên.

Nếu có hiệp ước hòa bình với Bắc Triều Tiên thì căn cứ quân sự với 30000 quân Mỹ ở Hàn Quốc có lý do gì để tồn tại? Dân Hàn Quốc để cho căn cứ Mỹ, quân Mỹ tồn tại hay không? (Trong khi đó cứ cho rằng, gần gấp đôi số quân đó ở căn cứ trên Nhật Bản sẽ không đi đâu vì Trung Quốc gây hấn là có lý do chính đáng)…

Nói chung là thế chiến lược, thế trận của Mỹ bị thay đổi hết sức không có lợi khi một mắt xích của vòng cung Đông Á bị đứt. Và điều này là gì nếu như không phải là có lợi cho Trung Quốc.

Mỹ không muốn Triều Tiên thống nhất, dù cho thống nhất theo kiểu của nước Đức, là điều chắc chắn.

Chính vì vậy, động thái của Bắc Triều Tiên đã chứng tỏ, với họ, không còn tồn tại việc đàm phán 6 bên. Bắc Triều Tiên muốn có một “môi trường sạch” để đàm phán trực tiếp với Mỹ chắc chắn không phải mục đích mơ ước là ký với Mỹ một hiệp ước hòa bình, vết xe đổ của giới lãnh đạo tiền nhiệm, mà sẽ có một hướng khác đầy bí mật, bất ngờ.

Với tinh thần, ý đồ đó, thế giới đang lo lắng, chăm chú theo dõi diễn biến ngày hôm nay khi bắt đầu diễn ra cuộc tập trận thường niên của Mỹ-Hàn Quốc sẽ khiến cho Bắc Triều Tiên không kiềm chế, chiến tranh lớn sẽ nổ ra…là hảo huyền, thiếu cơ sở.

Có thể nói vấn đề thống nhất 2 miền Triều Tiên các thế lực ngoại bang dù có muốn hay không muốn là ý định của họ. Thế lực ngoại bang có thể đè đầu cưỡi cổ, chỉ huy điều khiển với một chế độ nhưng với một dân tộc thì không bao giờ.

Hai miền Nam-Bắc Triều Tiên thống nhất được hay không vấn đề là lãnh đạo 2 miền có đặt quyền lợi dân tộc, lòng tự trọng dân tộc trên hết hay không. Nếu đồng lòng thì không một thế lực nào có thể ngăn cản sự thống nhất của 2 miền. Chỉ có dân tộc Triều Tiên mới tự định đoạt được số phận của mình.

Chuyện kể rằng, có một doanh nhân là chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp lớn người Hàn Quốc sang Việt Nam. Người Việt hỏi “Ông sang Việt Nam, ông thấy kinh tế Việt Nam cách Hàn Quốc bao nhiêu năm?”. Ông ta trả lời: “Chừng 30 năm”. Người Việt bỗng dưng buồn.

Nhưng ông ta nói tiếp một câu: “Thế nhưng về thống nhất đất nước, chúng tao cách chúng mày không biết bao nhiêu năm!”. Tự nhiên người Việt thấy lòng mình đầy tự hào nhớ về ngày 30/4/1975 lịch sử.

Có lẽ chỉ có người ngoài, những người đồng cảnh, người ta mới nhìn thấy cái vĩ đại của một dân tộc khác, bởi vì đó chính là nỗi mơ ước đến khát khao, đến cháy bổng của dân tộc họ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại