Trung Quốc có thể ra tay tấn công phủ đầu Mỹ

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Do nhận thức được tiềm lực của mình yếu hơn nhiều so với Mỹ, rất có khả năng Trung Quốc sẽ ra tay tấn công phủ đầu trước trong trường hợp có khủng hoảng nổ ra.

Tôn tử từng nói: đạo quân nào đến chiến trường trước đối phương sẽ có thể xung trận với tất cả sức mạnh của mình, đạo quân nào đến sau sẽ phải xung trận vội vã và mệt mỏi.

Do nhận thức được tiềm lực của mình yếu hơn nhiều so với Mỹ, rất có khả năng Trung Quốc sẽ ra tay tấn công phủ đầu trước trong trường hợp có khủng hoảng nổ ra. Không những thế, phương thức tác chiến Không-Hải mà Mỹ sử dụng có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế, theo như phân tích của một số chuyên gia Mỹ.

Chiến lược quân sự mà Trung Quốc phát triển để đối phó với Mỹ được dựa trên nhận thức về sự yếu thế của mình trước các cường quốc phương Tây, bắt đầu từ cách đây gần 200 năm với thất bại trong Chiến tranh nha phiến lần 1 trước đế quốc Anh (1839-1842). Người Mỹ gọi nó là chiến lược “chống tiếp cận/phòng thủ chiến trường” còn Trung Quốc tự gọi là chiến lược “chống can thiệp” hay “phòng thủ chủ động”. Larry Wortzel, một chuyên gia về Trung Quốc, từng phát biểu: “Quân đội Trung Quốc vẫn xem họ ở chiếu dưới so với đối thủ tiềm tàng nhất của mình, quân đội Mỹ”.

Xe tăng Trung Quốc
Xe tăng Trung Quốc

Nhận thức này có thể có mặt tích cực trong việc ngăn chặn Trung Quốc động binh. Nhưng mặt khác, nó cũng có thể khuyến khích Trung Quốc ra tay một cách bất ngờ và táo bạo. Lịch sử quân sự hiện đại của Trung Quốc có không thiếu những ví dụ như vậy, từ Chiến tranh Triều Tiên, xâm lược Việt Nam, cho đến vụ tranh chấp bãi Scarborough với Phillippines. Đặc điểm chung của các ví dụ trên là việc Trung Quốc sử dụng một lực lượng áp đảo và ra tay bất ngờ nhắm vào các điểm trọng yếu của đối phương.

Theo Wortzel: “Quân đội Trung Quốc được xây dựng thiên nhiều về việc tấn công phủ đầu. Vấn đề là nếu Trung Quốc nhắm vào các điểm trọng yếu của Mỹ, điều đó sẽ đồng nghĩa với việc tấn công các mục tiêu tại Nhật, Hawaii, và các bang dọc bờ Thái Bình Dương. Tấn công các địa điểm này có thể khiến xung đột leo thang nghiêm trọng”.

Phương thức tác chiến Không-Hải cũng có thể góp phần vào sự leo thang đó. Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào tên lửa đạn đạo, tên lửa đạn đạo diệt hạm, đường truyền vệ tinh khi có xung đột với Mỹ. Những hệ thống này đều đòi hỏi các cơ sở hạ tầng trên bộ. Do đó, Mỹ nhiều khả năng sẽ phải tấn công các mục tiêu sâu bên trong nội địa Trung Quốc, và có thể khiến nước này đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Trung Quốc cho rằng mình có thể hấp thụ thiệt hại gây ra bởi một cuộc tấn công hạt nhân có giới hạn tốt hơn là Mỹ.

Kịch bản chiến tranh

Đòn tấn công phủ đầu của Trung Quốc sẽ như thế nào?

Theo một số quan chức Mỹ, như cựu chuẩn đô đốc Michael McDevitt và cựu tuỳ viên quân sự tại Bắc Kinh Dennis Blasko, Trung Quốc sẽ chưa tấn công nếu chưa đưa ra một số dấu hiệu cảnh báo để đối phương có cơ hội nhượng bộ. Trong vài tuần trước khi xảy ra cuộc tấn công sẽ có những lời lẽ tuyên truyền ngày càng gay gắt, đồng thời là những vụ tấn công trên không gian mạng với mức độ nghiêm trọng tăng dần. Tuy nhiên, khi nhìn lại lịch sử, đế quốc Nhật cũng từng đưa ra một số dấu hiệu cảnh báo ngầm, nhưng phía Mỹ vẫn hoàn toàn bất ngờ khi Trân Châu Cảng bị tấn công.

Khi Trung Quốc động binh, nó sẽ diễn ra dồn dập với quy mô lớn. Trung Quốc sẽ tìm cách vô hiệu hoá các giàn radar trên bộ và trên biển bằng cách sử dụng các loại virus quân sự tương tự như Stuxnet, áp chế điện tử, tên lửa diệt radar Harpy do Israel thiết kế (tương tự như tên lửa HARM của Mỹ nhưng bay chậm hơn và tầm bắn xa hơn).

Hệ thống phòng không S-300PMU2 Trung Quốc mua từ Nga
Hệ thống phòng không S-300PMU2 Trung Quốc mua từ Nga

Các giàn tên lửa phòng không tầm xa như S-300 sẽ nhắm tới mọi mục tiêu trên không trong vòng 200km từ bờ biển Trung Quốc đại lục, bao gồm toàn bộ đảo Đài Loan và một phần Nhật Bản. Hàng loạt tên lửa đạn đạo sẽ được phóng đi, tấn công mọi sân bay trong vòng bán kính 2.000km. Trong số đó sẽ bao gồm 4 sân bay quân sự chính của Mỹ tại Nhật và Hàn Quốc.

Các tên lửa đạn đạo này sẽ phá huỷ các máy bay chưa kịp rời mặt đất, phá thủng đường băng, và rải các quả bom con nổ chậm trên khắp sân bay để ngăn chặn việc sửa chữa. Tên lửa hành trình tầm xa phóng đi từ trên bộ, tàu chiến và tàu ngầm sẽ hướng đến mục tiêu là các tàu chiến Mỹ và đồng minh trong khu vực. Và nếu Trung Quốc có đủ năng lực và sự may mắn, họ có thể có đủ thông tin về vị trí chính xác của tàu sân bay Mỹ để có thể phóng tên lửa đạn đạo tiêu diệt.

 	"Sát thủ diệt tàu sân bay" DF-21D Trung Quốc

"Sát thủ diệt tàu sân bay" DF-21D Trung Quốc

Đó là kế hoạch mà Trung Quốc có thể sẽ sử dụng. Tuy nhiên, liệu nó thực sự có hiệu quả? Không ai có thể khẳng định chắc chắn có hoặc không, vì có rất ít hoặc không có tiền lệ. Chưa từng có cuộc xung đột trực tiếp nào giữa các cường quốc kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên, chưa từng có việc sử dụng tên lửa diệt hạm quy mô lớn kể từ sau Chiến tranh Falkland năm 1982, và chưa từng có cuộc chiến nào mà cả 2 bên đều sở hữu những công nghệ hàng đầu về không gian, không gian mạng, tác chiến điện tử, vũ khí chính xác.

Những nhân tố vô hình nhưng rất quan trọng có thể quyết định kết quả của cuộc chiến, đó là tác chiến điện tử và không gian mạng. Theo một nhà phân tích người Mỹ, hai nhân tố này sẽ được sử dụng ở quy mô chưa từng có nếu 2 nước có chiến tranhvới nhau. Người này cũng đánh giá năng lực tác chiến điện tử của Trung Quốc hiện nay không thua kém Mỹ quá xa, và nước này cũng rất tích cực trong việc thực hiện những chiến dịch tấn công mạng thường xuyên vào nước Mỹ.

Mặc dù trong thời gian qua, Mỹ vẫn tiếp tục đầu tư nghiên cứu cho tác chiến điện tử, nhưng chủ yếu là đối phó với các đối thủ yếu hơn, như vô hiệu hoá bom tự tạo tại Iraq và Afghanistan, không phải nhắm tới đối thủ ngang hàng. Trong khi đó, Trung Quốc tập trung đầu tư phát triển nhắm tới một đối thủ cụ thể là Mỹ. Một khía cạnh mà Trung Quốc có thể đang có lợi thế trước Mỹ là việc họ nhận thức từ sớm hơn rằng tác chiến điện tử và tác chiến không gian mạng có liên hệ mật thiết với nhau, thậm chí có thể xem là một.

Hạn chế về kinh nghiệm thực tế của quân đội Trung Quốc

Một lợi thế lớn không thể chối cãi của người Mỹ là họ có rất nhiều kinh nghiệm thực tế sử dụng hầu như mọi loại vũ khí của mình. Trong khi đó, Trung Quốc không tham chiến trong một cuộc xung đột quy mô lớn nào kể từ sau chiến tranh với Việt Nam năm 1979, và lần đó họ phải chịu tổn thất nặng nề. Ngược lại, quân đội Mỹ, đặc biệt là lục quân và không quân, liên tục tham chiến trong suốt gần 25 năm nay. Hải quân Mỹ, mặt khác, không có nhiều kinh nghiệm thực tế như vậy, trừ các đơn vị không quân đóng trên tàu sân bay. Cán cân giữa hải quân hai bên, do đó, là một ẩn số lớn cần tìm lời giải.

Lục quân Trung Quốc có quy mô lớn nhưng hầu như vô dụng. Họ thiếu phương tiện cần thiết để vượt eo biển Đài Loan và đổ bộ thành công. Quân đội Đài Loan đủ sức nghiền nát bất kì cuộc đổ bộ quy mô nhỏ nào mà Trung Quốc có thể thực hiện.

Tiêm kích Su-30MKK của Không quân Trung Quốc.
Tiêm kích Su-30MKK của Không quân Trung Quốc.

Không quân Trung Quốc cũng có quy mô lớn, nhưng chưa thật sự hiện đại toàn diện. Họ có một số máy bay hàng đầu, như Su-30MK, nhưng phi công ít được huấn luyện kỹ càng như phía Mỹ.

Mặt khác, hải quân Trung Quốc có thể có lợi thế, đặc biệt là lực lượng tàu ngầm. Trung Quốc hiện có từ 50-60 tàu ngầm diesel-điện, nổi tiếng về sự yên lặng, và 5 tàu ngầm hạt nhân. Tuy vậy, tàu ngầm Trung Quốc cũng có rất ít thời gian huấn luyện. Ngoài ra, cả Mỹ và Nhật đều có năng lực tác chiến chống tàu ngầm rất tốt.

Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc không phải ở trang thiết bị hay huấn luyện, mà là một điểm khác.

Gót chân Asin của Trung Quốc

Nguyên nhân cho những thắng lợi quân sự của Mỹ sau Chiến tranh lạnh, cho dù có thể có những sai lầm về chính trị, là khả năng hiệp đồng tác chiến đa quân chủng. Điều này cần được đúc rút từ kinh nghiệm của nhiều thập niên mà Trung Quốc mới chỉ bắt đầu thực hiện.

Một ví dụ là mới chỉ từ gần đây mà các quân chủng không quân, hải quân và tên lửa được chỉ huy bởi chính các vị tướng từ quân chủng đó. Trong thời gian trước, các vị trí này do các tướng lục quân đảm trách.

Nếu như trong tình huống một đối một, chiến đấu cơ hay tàu chiến Trung Quốc khó có thể thắng chiến đấu cơ hay tàu chiến Mỹ hay Nhật thì trong thực tế chiến đấu, khi các đơn vị phối hợp chiến đấu với nhau thay vì hoạt động riêng lẻ, thì khả năng Trung Quốc giành chiến thắng càng khó khăn.

Pháo binh Trung Quốc tập trận
Pháo binh Trung Quốc tập trận

Trong kịch bản chiến tranh, Trung Quốc đặt nhiều hy vọng vào Đệ nhị pháo binh, hay quân chủng tên lửa. Tuy nhiên, họ gặp 2 vấn đề lớn. Thứ nhất, bản thân quân chủng này chưa từng trên thực tế phóng cùng lúc từ 10 tên lửa trở lên, chưa đủ để lọt qua hệ thống phòng thủ của hạm đội Mỹ. Thứ hai, quân chủng này cũng chưa từng phối hợp tác chiến với các quân chủng khác, đặc biệt là hải quân và không quân. Theo truyền thống, các quân chủng khác nhau của Trung Quốc thường tự lên kế hoạch cho các chiến dịch độc lập.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang tích cực khắc phục điểm yếu này. Thông qua các chiến dịch cứu trợ thiên tai, và đợt thao diễn “Tiên phong 2009”, quân đội Trung Quốc đang hoàn thiện cơ chế chỉ huy đa quân chủng của mình. Người chỉ huy các chiến dịch trên, tướng Phan Thanh Long, đã được thăng chức rất nhanh lên làm phó chủ tịch Quân uỷ trung ương, chỉ đứng sau chủ tịch Tập Cận Bình về mặt quân sự. Trung Quốc cũng bắt đầu sử dụng khái niệm tác chiến đa quân chủng trong học thuyết quân sự của mình từ năm 1999.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại