Trục vớt Su-22: Máy bay có thể đã vỡ trước khi lao xuống biển

Thiên Minh |

Hôm nay (18/4), lực lượng tìm kiếm cứu nạn tiến hành trục vớt các mảnh vỡ của máy bay Su-22 được tìm thấy.

Tối 18/4, trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân nhận định:

“Từ những gì vớt được, nhiều khả năng máy bay đã bị vỡ trước khi lao xuống biển. Hiện vẫn chưa có thông tin gì về hai phi công trong vụ việc này. Lực lượng tìm kiếm cứu hộ sẽ cố gắng hết sức mình”.

Ông Nguyễn Trường Thanh, Đội phó nghiệp vụ Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý (Bình Thuận) cho biết, công tác tìm kiếm máy bay và phi công gặp nạn hôm nay có kết quả không như mong đợi.

“Hiện tại, lực lượng tìm kiếm mới chỉ phát hiện các vết dầu loang và một số mảnh vỡ, nghi của máy bay Su-22. Một số mảnh khác được người nhái tìm thấy ở độ sâu 40m nhưng chưa thể trục vớt”, ông Thanh cho biết

Cũng theo ông Thanh, thân máy bay chưa được tìm thấy nên tung tích 2 phi công vẫn không thể xác định.

Tàu Biên phòng 11-1901 chở những mảnh vỡ trục vớt được cập cảng Phú Qúy, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Zing

Trước đó, lúc 17h20: Theo thông tin từ lực lượng Bộ đội Biên phòng huyện đảo Phú Quý trực tiếp tham gia tìm kiếm cứu nạn:

Hiện đội đặc công nước đã tạm ngừng lặn tìm, sẽ tiếp tục vào sáng mai (19.4). Các lực lượng khác, trong đó có Cảnh sát biển vẫn cố gắng tìm kiếm thêm trước khi trời tối.

Ngoài những mảnh vỡ trục vớt được và đã được đưa về tàu chỉ huy điều tra, vẫn chưa có tung tích gì của 2 phi công lái 2 chiếc tiêm kích bom Su-22.

Theo các cơ quan chức năng, trong hôm nay đã có 23 đặc công nước của Lữ đoàn đặc công 5, 60 Cảnh sát biển cùng nhiều tàu của Cảnh sát biển, Hải quân, Biên phòng, Kiểm ngư cùng tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Đặc biệt, hôm nay, ban chỉ huy còn điều động thêm 2 tàu dò mìn, kim loại của hải quân và 2 tàu (tàu tuần tra 2009 và tàu cứu hộ cứu nạn 9002) của Cảnh sát biển Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đặc công vớt các mảnh vỡ máy bay rơi

Đặc công vớt các mảnh vỡ máy bay rơi. Ảnh: Người lao động

17h: Một nguồn tin từ tàu của lực lượng đặc công người nhái nhận định máy bay Su 22 có thể đã vỡ trước khi lao xuống biển.

Theo các chiến sĩ Lữ đoàn đặc công 5, trong quá trình lặn tìm kiếm chiều nay, ngoài khung kính buồng lái, lực lượng người nhái đã tìm được thêm một số thiết bị của buồng lái máy bay Su 22 và một số mảnh vỡ từ thân máy bay.

Cho đến 16h30 chiều nay, Lữ đoàn đặc công 5 đã tạm ngưng việc lặn tìm kiếm và sẽ tiếp tục vào sáng mai 19-4.

16h: Các mảnh vỡ vừa trục vớt vào đầu giờ chiều nay được cơ quan chức năng xác định là:

2 thùng dầu phụ, khung kính trước của buồng lái, 1 ống kim loại (chưa rõ là bộ phận gì trên Su-22), cùng một mảnh vỡ nghi là đuôi máy bay.

Một bộ phận có thể là của chiếc máy bay Su 22.  Ảnh: VOV

Một bộ phận có thể là của chiếc máy bay Su-22. Ảnh: VOV

14h40: Theo Tuổi Trẻ, lúc 14h25, Thượng tá Hoàng Văn Số chính ủy lữ đoàn đặc công 5 cho biết:

"Các chiến sĩ đặc công đã phát hiện và trục vớt thành công khung kính buống lái của một trong hai máy bay Su-22.

Chi tiết này của máy bay Su-22 đã được chuyển ngay đến tàu chỉ huy, nơi có các sĩ quan của Sư đoàn không quân 370 để phân tích và lên phương án tiếp tục tìm kiếm".

Ngoài ra, các chiến sĩ đặc công nước còn phát hiện một đoạn ống thép dài nhưng đã bị gẫy làm đôi chưa rõ là bộ phận nào của máy bay.

Theo thượng tá Hoàng Văn Số việc phát hiện được khung kính máy bay là thông tin rất quan trọng để xác định vị trí của máy bay.

Đến 14h40, Thượng tá Hoàng Văn Số tiếp tục thông tin từ hiện trường cho biết, các người nhái vừa phát hiện một đoạn chi tiết máy bay hình trụ có chu vi khoảng hơn một vòng ôm.

Thượng tá Số phán đoán " đây có thể là một đoạn thân máy bay, nằm ở phần đuôi".

Hiện nay, các chỉ huy Đoàn đặc công 5 đã tức tốc từ tàu cứu nạn xuống rừng cao su để đến vị trí phát hiện bộ phận nghi là thân máy bay.

Bên cạnh đó, Thượng tá Số tái khẳng định, mảnh vỡ được phát hiện vào chiều 17-4 không phải là mảnh vỡ đuôi máy bay Su 22.

Hình ảnh được cho là vết dầu loang ở hiện trường 2 máy bay mất tích. Ảnh: Zing

11h21: Theo VOV, trong sáng 18/4, các đặc công cùng thợ lặn chuyên nghiệp đã trục vớt được một số mảnh vỡ, nghi là của hai máy bay tiêm kích Su-22 gặp nạn.

Tuy nhiên đến trưa nay, vật thể nghi là phần đuôi của máy bay Su 22 vẫn chưa được vớt lên.

Lực lượng cứu hộ đang chờ một chiếc tàu chuyên dụng ra phối hợp trục vớt, phục vụ công tác điều tra nguyên nhân gây ra tai nạn.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, lực lượng cứu hộ mới phát hiện thêm một ống phóng tên lửa nghi của một trong hai chiếc máy bay Su-22 gặp nạn.

Một bộ phận mảnh vỡ của máy bay Su 22 được vớt lên

Một bộ phận mảnh vỡ của máy bay Su 22 được vớt lên. Ảnh: VOV

11h00: Theo ban chỉ huy tiền phương tại đảo Phú Quý, tàu CSB phát hiện thêm một khu vực có vết dầu loang rộng cách đảo Phú Quý khoảng 15 km. Lực lượng tại hiện trường đang cho tàu đến kiểm tra dấu vết này.

10h20: Thượng tá Hoàng Hồng Song, Phó Lữ đoàn trưởng đoàn Đặc công 5 đang chỉ huy lực lượng tìm kiếm tại hiện trường cho biết:

"Đến thời điểm này vẫn chưa xác định rõ bộ phận máy bay được phát hiện hôm 17-4 có phải là đuôi máy bay hay không".

Theo Thượng tá Song, qua mô tả của các đặc công tiếp cận vị trí của bộ phận máy bay rơi và qua phân tích của bộ phận kỹ thuật không quân, thì có thể bộ phận được phát hiện là thùng xăng phụ của máy bay Su-22.

Các thợ lặn tìm xác máy bay trên biển Phú Quý. Ảnh: VOV

9h30: Thông tin từ bộ chỉ huy tiền phương cho biết, rạng sáng nay (18-4), hai tàu quét mìn của hải quân từ Quảng Ngãi đã được điều đến hiện trường để tham gia tìm kiếm. Hiện, hai tàu này đang trên đường đến hiện trường.

Với khả năng dò quét và phát hiện những mảnh vỡ kim loại, sự có mặt của hai tàu quét mìn này sẽ tạo thuận lợi nhiều hơn cho lực lượng tìm kiếm.

Trong sáng nay, thời tiết tốt, sóng chỉ cấp ba, cấp bốn nhưng do nơi máy bay rơi dòng chảy khá xiết gây khó khăn cho việc lặn tìm kiếm.

Một trong những máy bay tham gia tìm kiếm hai phi công và tiêm kích Su-22 gặp nạn. Ảnh: Hải An

Một trong những máy bay tham gia tìm kiếm 2 phi công và tiêm kích Su-22 gặp nạn. Ảnh: Zing

8h15: Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, phó tư lệnh Quân chủng Không quân và trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Chính ủy quân chủng đã có mặt tại hiện trường.

Một sĩ quan không quân phân tích dù đã phát hiện các phần của máy bay, nhưng việc đưa các bộ phận này lên mặt nước là không đơn giản.

Trong đó, phức tạp nhất là việc máy bay có thể đang được cài chế độ "phóng ghế tự động" và trong quá trình vớt cần hết sức lưu ý để bảo đảm an toàn và đạt hiệu quả.

Sau khi trục vớt phần đuôi máy bay có thể được đưa về Sở chỉ huy tiền phương đặt tại đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận).

Hiện nay rất đông nhân nhân, họ hàng của hai phi công là trung tá Lê Văn Nghĩa và đại úy Nguyễn Anh Tú đã được trung đoàn 937 đưa vào Phan Rang - Tháp Chàm để động viên tinh thần và chờ đợi thông tin.

Riêng vợ và hai con nhỏ của trung tá Lê Văn Nghĩa vẫn đang ở lại TP.HCM.

Trước đó, theo Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng:

Trong ngày 17/4, các lực lượng được huy động tham gia tìm kiếm hai chiếc máy bay Su-22 của Trung đoàn 937, Sư đoàn Không quân 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) bị nạn, gồm:

- Cảnh Sát biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận, Quân chủng Hải quân;

- Lữ đoàn 918 và Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không Không quân);

- Lữ đoàn 5 Đặc công (Bộ Tư lệnh Đặc công), ngư dân tỉnh Bình Thuận cùng 6 thợ lặn chuyên nghiệp.

Tại sân bay Phan Rang, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức thành lập Sở Chỉ huy phía trước do Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân chỉ huy.

Ngoài ra, để hỗ trợ, điều hành công tác tìm kiếm, tại đảo Phú Quý, Sư đoàn Không quân 370 đã đặt Sở Chỉ huy nhẹ do Đại tá Trần Văn Lâm, Phó Sư đoàn trưởng Quân huấn Sư đoàn 370 trực tiếp chỉ đạo.

Đến 16 giờ 02 phút, các lực lượng tìm kiếm đã phát hiện được 01 động cơ máy bay và 01 cánh máy bay.

Trong đêm qua, các thợ lặn và lực lượng đặc công cùng các lực lượng khác tiếp tục triển khai công việc tìm kiếm hai phi công cùng các máy bay bị mất tích.

Riêng các máy bay tham gia tìm kiếm đã tạm dừng công việc lúc 16 giờ 30 phút do tầm quan sát vào ban đêm bị hạn chế, ảnh hưởng đến công tác tìm kiếm.

Cũng trong ngày 17/4, ông Lê Văn Hội, Chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Thuận, cho biết lực lượng tìm kiếm cứu nạn phối hợp đã tìm thấy đuôi của một chiếc Su-22 nằm dưới đáy biển tại khu vực được khoanh vùng tìm kiếm.

Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cũng xác nhận đã tìm thấy phần đuôi một chiếc Su-22 tại vùng biển giáp ranh Ninh Thuận và Bình Thuận, ở độ sâu 32 m.

Song, do trời tối nên lực lượng tìm kiếm cứu nạn đánh dấu tọa độ để ngày 18/4 trục vớt.

Theo nhận định của Thiếu tướng Tuấn thì 2 máy bay có thể rơi rất gần nhau.

Ông Tuấn cho hay, từ vị trí đuôi chiếc máy bay đầu tiên được phát hiện, lực lượng đặc công nước đã tiếp tục lặn tìm xung quanh và hy vọng có thể sớm tìm được chiếc máy bay thứ hai.

Về khả năng hai máy bay rơi gần nhau, ông Tuấn đánh giá là xác suất khá cao, vì cả hai máy bay bay khá gần nhau trong quá trình luyện tập và gặp sự cố cùng một lúc.

Về tung tích hai phi công, cho đến 18h20, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn chưa tìm thấy bất cứ tín hiệu nào. “Chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm và hy vọng”, Thiếu tướng Tuấn nói.

Tiếp tục cập nhật...

Lúc 11 giờ 45 phút ngày 16/4/2015, hai máy bay Su-22 của Trung đoàn 937, thuộc Sư đoàn 370 bay huấn luyện, bài bay công kích, bổ nhào, cơ động phức tạp, đường bay Phan Rang - Mũi Rinh, Phú Quý, Bình Thuận đã bị mất liên lạc với Sở Chỉ huy.

Hai phi công gặp nạn gồm:

- Phi công Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), lái máy bay Su-22, số hiệu 5857, cấp bậc Trung tá, chức vụ Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.

- Phi công Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3) điều khiển máy bay Su-22, số hiệu 5863, cấp bậc Đại úy, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.

Tấm ảnh mới nhất của phi công Nguyễn Anh Tú chụp tại trung đoàn 937 (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, Trung tá Lê Văn Nghĩa (với 1.400 giờ bay) và đại úy Tú (với 400 giờ bay, cùng gặp tai nạn máy bay trên biển với Trung tá Nghĩa) đều là phi công giỏi của Trung đoàn 937.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại