TQ thâu tóm các công ty hàng không châu Âu với mưu đồ quân sự gì?

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Tờ Epoch Times (trụ sở tại New York, Mỹ) nhận định Trung Quốc vừa mới tiến một bước gần hơn trong nỗ lực thách thức sức mạnh trên không của Mỹ.

Ngày 19/5 vừa qua, Guangdong Elecpro Electric Appliance Holding, một công ty của Trung Quốc đã công bố các kế hoạch mua hai không ty hàng không vũ trụ của châu Âu. Một trong hai công ty đó là Mistral Engines SA có trụ sở tại Thụy Sĩ, chuyên sản xuất động cơ cho máy bay hạng nhẹ, trực thăng và các phương tiện quân sự không người lái (UAV), công ty thứ hai là SkyTrac của Đức chuyên phát triển trực thăng rotor đồng trục.

Theo tạp chí quốc phòng danh tiếng Jane's Defence Weekly (Anh), trước đó Tập đoàn công nghiệp hàng không của Trung Quốc (AVIC) đã mua lại công ty thiết bị hàng không Fischer Advanced Composite Components của Áo năm 2009 và công ty chuyên sản xuất động cơ máy bay Thielert Aircraft Engines năm 2013. Những vụ mua bán trên diễn ra trong thời điểm Trung Quốc mong muốn thúc đẩy chương trình không gian vũ trụ của mình, đồng thời rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ quân sự với phương Tây ở cả thị trường dân dụng và các hệ thống quân sự.

Các thỏa thuận với Nga

Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực hàng không vũ trụ bằng cách mua lại các công ty châu Âu có trình độ công nghệ đã được thừa nhận, gần đây Trung Quốc cũng có thêm một lực đẩy khác thông qua mối quan hệ với Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm Trung Quốc ngày 20/5 vừa qua và có các cuộc hội kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong ngày đầu của chuyến thăm kéo dài 2 ngày, Trung Quốc và Nga đã công bố 49 thỏa thuận mới, bao gồm các chương trình từ tăng cường mối quan hệ chính trị tới các kế hoạch hợp tác quân sự. Sự chú ý hầu hết tập trung vào thỏa thuận 400 tỷ USD về việc cung cấp khí đốt kéo dài trong vòng 30 năm mà lãnh đạo hai nước kí kết ngày 21/5.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (đứng bên trái) và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký kết hợp đồng cung cấp khí đốt lịch sử. Ảnh: AP
Tổng thống Nga Vladimir Putin (đứng bên trái) và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký kết hợp đồng cung cấp khí đốt lịch sử. Ảnh: AP

Điều ít được chú ý hơn lại là những dự án liên doanh về lĩnh vực không gian vũ trụ vốn là trọng tâm chú ý của báo giới Nga thời điểm trước chuyến thăm. Cụ thể Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc một loại trực thăng mới dựa trên chiếc Mi-26, đây là một trực thăng vận tải quân sự và dân sự có khả năng chuyên chở tới 82 binh sĩ mang đầy đủ vũ khí trang bị. Bên cạnh đó, Nga và Trung Quốc cũng sẽ phát triển một loại máy bay thương mại thân rộng 400 ghế ngồi, được hai bên kì vọng là đối thủ cạnh tranh với hãng Airbus và Boeing.

Khao khát phát triển

Trung Quốc dành sự quan tâm rất lớn tới việc phát triển lĩnh vực không gian vũ trụ của mình. Theo một báo cáo năm 2013 của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh: “Không gian vũ trụ đã được coi là những phương tiện cơ bản để nâng cao trình độ kinh tế nói chung của Trung Quốc thông qua việc tiến lên nấc thang cao hơn của giá trị kinh tế công nghệ cao”. Sự quan tâm về mặt quân sự thậm chí còn lớn hơn nhiều do những tham vọng bá quyền của Trung Quốc.

Tuy vậy, sự phát triển của Trung Quốc đã chậm lại. Cũng theo một báo cáo khác của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh, Hội đồng nhà nước Trung Quốc đã công bố một chính sách định hướng năm 2011 trong đó đề cập quá trình tiến triển nghèo nàn và hàng loạt những thách thức của các chương trình không gian vũ trụ dân sự của Trung Quốc.

Tiêm kích J-10
Tiêm kích J-10

Trên thực tế các chương trình hàng không vũ trụ dân sự của Trung Quốc lại có sự gắn kết chặt chẽ với các chương trình quân sự, theo đó không quân Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng trì trệ tương tự. Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã tuyên bố sở hữu ít nhất 1.321 máy bay tiêm kích của cả Hải quân và Không quân.

Theo Kyle Mizokami, một chuyên gia về quốc phòng an ninh ở châu Á đề cập trong blog “War is Boring”, số lượng máy bay Trung Quốc chỉ ít hơn một chút so với của quân đội Mỹ. Vấn đề hiện nay đặt ra với Trung Quốc là thực tế hầu hết các máy bay của họ đã khá cũ kĩ. Mizokami đề cập rằng chỉ có 502 chiếc tiêm kích của Trung Quốc thuộc loại hiện đại, trong đó có 296 chiếc Su-27 mua của Nga và còn lại 206 chiếc J-10 của chính Trung Quốc.

Trong số 819 chiếc tiêm kích còn lại, hầu hết là những mẫu máy bay được thiết kế từ những năm 1960 và chế tạo trong những năm 1970. Mizokami cho hay “chúng sẽ không tồn tại được lâu trong một cuộc chiến tranh ác liệt”. Do vậy Trung Quốc đã dồn những nguồn lực của họ vào việc phát triển thế hệ máy bay tiêm kích mới, đó là J-20, tuy nhiên quá trình phát triển của loại máy bay hiện đại này cũng diễn ra khá chậm chạp.

J-20 được cho là sao chép tiêm kích MiG 1.44 của Nga
J-20 được cho là sao chép tiêm kích MiG 1.44 của Nga

Tiêm kích J-10 của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các động cơ AL-31FN nhập khẩu từ Nga, trong khi đó, J-20 bị nghi ngờ là bản sao của tiêm kích MiG-1.44 Nga, thời gian hoàn thành dự kiến của chiếc J-20 hiện phải chờ tới giai đoạn 2017-2020. Về phần mình đến năm 2020, dự kiến Mỹ đã bước vào việc phát triển một loại máy bay thế hệ mới.

Mặc dù vậy, Trung Quốc đã nhắm đến những nguồn lực bên ngoài để phát triển ngành hàng không vũ trụ của mình thông qua việc mua lại các công ty nước ngoài. Epoch Times nhận định bằng cách này, Trung Quốc có thể kí kết quan hệ đối tác và đánh cắp những thiết kế thông qua hoạt động gián điệp mạng khi mà những lời đề nghị của họ không được chấp nhận.

J-20 Trung Quốc bay thử nghiệm

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại