Tên lửa đạn đạo đặt dưới biển: Thách thức và tính khả thi

Mới đây, Tổ hợp thiết kế hàng hải Rubin và Viện Phát triển công nghệ tên lửa quốc gia mang tên Makeev đã hoàn thành việc phát triển tên lửa đạn đạo hải quân (SLBM) Skif có thể đặt dưới biển trong thời gian dài và tự động phóng tấn công mục tiêu theo lệnh điều khiển.

Dự kiến, nếu vượt qua lần phóng thử tổ chức cuối tháng 6 này, Skif sẽ được chuyển tiếp tới gian đoạn thử nghiệm cấp quốc gia và cung cấp cho hải quân Nga sau đó. Tuy nhiên, vượt qua giai đoạn thử nghiệm không phải là vấn đề chính đối với SLBM Skif, mà trở ngại chính là các ràng buộc chính trị giữa Nga với các quốc gia khác, trong đó đáng kể nhất là thỏa thuận với Mỹ không cho phép triển khai vũ khí chiến lược bên ngoài tàu ngầm ở dưới biển sâu.

Theo kế hoạch, quá trình phóng thử Skif sẽ được thực hiện dưới Biển Trắng với phương tiện đưa kết cấu tên lửa tới địa điểm phóng là tàu chạy diesel-điện thực nghiệm công nghệ B-90 Sarov. Toàn bộ thông tin về SLBM Skif hiện chưa được công bố.

Không được thiết kế mang SLBM, tàu ngầm vận chuyển B-90 Sarov cần được thay đổi để tham gia thử nghiệm SLBM Skif.

Ý tưởng đầu tiên về việc phát triển SLBM có thể triển khai ở dưới lòng biển xuất hiện từ những năm 1960. Tuy nhiên, ý tưởng này từ đó tới nay chưa được hiện thực hóa, chí ít là theo các nguồn tin công khai. SLBM triển khai dưới lòng biển có ưu thế rất lớn về tính bí mật và bất ngờ. Với tiết diện nhỏ và khó phát hiện bởi tàu ngầm và phương tiện trinh sát của đối phương, SLBM triển khai trong lòng biển là một hướng đi trong cuộc đua phát triển vũ khí hạt nhân trong chiến tranh Lạnh. Phương thức triển khai vũ khí chiến lược dưới lòng biển cũng giúp tiết kiệm ngân sách đáng kể do chúng không cần điều kiện bảo vệ phức tạp để tránh bị tấn công hạt nhân phủ đầu.

Trong thập kỷ 1970, Mỹ từng đưa ra ý tưởng tương tự, nhưng bị bác bỏ để tập trung cho các chương trình xây dựng hầm phóng tên lửa đạn đạo trên bộ có tính bền vững cao, chống chọi được trong điều kiện chiến tranh hạt nhân. Tới nửa sau những năm 1980, Liên Xô cũng phác thảo dự án SLBM tương lai có chức năng triển khai dưới lòng biển và tới đầu thập kỷ 1990, Viện Phát triển công nghệ tên lửa quốc gia mang tên Makeev bắt tay vào phát triển dòng vũ khí này. Thông tin về dự án vũ khí này hiện chưa được giải mật. Chỉ biết rằng, năm 2005, Nga đã chế tạo thử mẫu SLBM đầu tiên có khả năng hoạt động thời gian dài dưới biển. Tới năm 2008, mẫu vũ khí này bắt đầu thử nghiệm sơ bộ và tới năm 2009, từ công nghệ thu được, Nga bắt đầu chế tạo mẫu SLBM chính thức.

NATO xếp SLBM Skif (SS-N-23) vào lớp định danh dòng SLBM 3 tầng sử dụng nhiên liệu lỏng R-29RM. Hải quân Nga hiện có 2 dòng SLBM thuộc loại này là R-29RMU-2 Sineva và R-29RMU2.1 Linner (trang bị trên tàu ngầm chiến lược lớp thuộc Đồ án 667BDRM Delphin). Do cùng là sản phẩm của Viện nghiên cứu Makeev, không rõ Skif và Sineva, Linner có phải là cùng một loại SBLM chỉ khác phiên bản hay không?

SLBM Sineva.

Hiện chưa biết Skif thích hợp với đầu đạn hạt nhân loại nào và thùng phóng chuyên dụng hoạt động dưới biển sâu của SLBM này hoạt động ra sao. Tuy nhiên, thùng phóng của Skif ít nhất phải đủ chắc chắn để bảo vệ đạn tên lửa lâu dài trước áp lực lớn ở biển sâu, sự ăn mòn của nước biển, khả năng kết nối tin cậy với trung tâm chỉ huy và nổi lên độ cao cần thiết để tên lửa có thể khai hỏa (thường là 50m). Không loại trừ khả năng, để tiết kiệm, Nga có thể sử dụng thiết kế của SLBM Sineva hoặc R-30 Bulava để cho ra mắt phiên bản mới.

Các chuyên gia nhận định, theo cách đơn giản nhất, Nga có thể sử dụng ống phóng có hệ thống phao hơi sử dụng khí nén. Phương pháp này vừa giúp ống phóng có thể nổi lên, cũng như chuyển từ phương nằm ngang sang thẳng đứng dễ dàng. Cùng với đó, việc chuyên chở ống phóng tên lửa tới địa điểm cất giấu cũng dễ dàng hơn – tàu ngầm chỉ cần kéo ống phóng tới địa điểm dự kiến, neo giữ và kiểm tra hệ thống kết nối xong là có thể rời đi.

Một vấn đề lớn là làm thế nào để đảm bảo kết nối giữa ống phóng tên lửa nằm giữa biển sâu với trung tâm chỉ huy và Nga chưa có hệ thống thiết bị cần thiết để triển khai ống phóng SLBM dưới biển sâu. “Điểm trừ” nữa là, chương trình phát triển vũ khí chiến lược hải quân trong cơ cấu bộ ba chiến lược của Nga đang tính tới khả năng nâng cấp các tàu ngầm lớp Delphin, phát triển SLBM Linner và đóng mới tàu ngầm lớp Borey mang tên lửa Bulava. Như vậy, Nga vẫn chú trọng vào tàu ngầm chiến lược trong bộ ba hạt nhân vì rõ ràng chúng vẫn có giá trị về tính bí mật, bất ngờ (tới thời điểm phóng tên lửa), khả năng thay đổi vị trí liên tục và khả thi hơn một hướng phát triển hoàn toàn mới là SLBM triển khai dưới biển.

Tiếp đó, khác với tàu ngầm chiến lược, việc triển khai SLBM dưới lòng biển bị hạn chế theo các thỏa thuận quốc tế. Năm 1972, cộng đồng quốc tế đã ban bố Hiệp ước “Cấm triển khai dưới đáy biển, đại dương và lòng đất các dòng vũ khí hạt nhân hay hủy diệt hàng loạt” gọi tắt là Hiệp ước Đáy biển với việc cấm triển khai vũ khí dưới biển, đại dương ngoài đường nội thủy 12 hải lý. Hiệp ước này đã được 94 quốc gia trên thế giới tham gia (trừ Pháp, Pakistan và Triều Tiên).

Tàu ngầm chiến lược lớp 667BDRM Delphin - tên NATO là Akula

Không triển khai ngoài đại dương được, Nga có thể triển khai Skif ở các vùng hồ, biển kín tại Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương. Theo phương án này, Skif có thể nằm ở hồ Ladoga (sâu 230m), biển Kaspi (1.025m) hay hồ Sayano – Shushe (220m).

Cần nhấn mạnh rằng, SLBM Skif được triển khai, quốc gia không vui nhất chính là Mỹ. Năm 2010, Moscow và Washington đã ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới START-3 và nó có hiệu lực từ năm 2011, nhưng lại không tính tới khả năng phát triển và chế tạo vũ khí hạt nhân triển khai dưới lòng biển. Nếu muốn triển khai SLBM Skif, Nga phải đàm phán với phía Mỹ. Chắc chắn Mỹ sẽ từ chối hoặc nếu đồng ý sẽ yêu cầu nhượng bộ về việc triển khai lá chắn tên lửa ở châu Âu.

Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa có tuyên bố chính thức về việc phát triển SLBM Skif và nó cũng không nằm trong chương trình mua sắm vũ khí quốc gia của Nga tới năm 2020. Mọi kết luận về số phận của SLBM Skif hiện là quá sớm, nhưng từ các thông tin được công bố, SLBM này có thể là sản phẩm được phát triển từ thời Liên bang Xô viết đã được cải tiến công nghệ theo các dòng SLBM hiện đại của Nga.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại