Tàu ngầm Nga vào tầm ngắm của Mỹ

Có tất cả 7 chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga thực hiện 5 đợt tuần tra các vùng biển quốc tế trong năm 2012. Một báo cáo bất ngờ vừa được Mỹ công bố.

Theo Hiệp hội Khoa học Mỹ, 7 chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga bị “theo dõi” là các tàu thuộc Dự án 667BDR Kalmar, 667BDRM Delphin và 955 Borei. Báo cáo của hiệp hội này cho biết các tàu ngầm Nga thực hiện các chuyến tuần tra kéo dài trung bình từ 40-60 ngày.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga

Được biết, báo cáo trên được xây dựng dựa trên các thông tin nhận được chủ yếu từ Hải quân Mỹ trong khuôn khổ Đạo luật về tự do thông tin. Tuy nhiên, báo cáo này cho thấy Mỹ rất quan tâm và giám sát chặt chẽ tới hoạt động của các tàu ngầm Nga.

Trong biên chế Hải quân Nga, hiện có tất cả 12 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, trong số đó 4 chiếc đang được hiện đại hóa, sửa chữa hoặc trang bị lại.

Cụ thể, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga hiện có các tàu K-433 Svyatoi Georgi Pobedosets và K223 Podolsk thuộc Dự án 667BDR Kalmar (theo phân loại của NATO là Delta III).

Trong biên chế Hạm đội biển Bắc của Nga hiện có tàu ngầm hạt nhân chiến lược K-51 Verkhoturye, K114 Tula, K-117 Bryansk, K-18 Karelya và K-407 Novomoskovsk thuộc Dự án 667BDRM Delphin (NATO gọi là Delta IV). Đặc biệt, tàu ngầm tối tân nhất của Nga là Yuri Dolgoruki Dự án 955 Borei hiện cũng thuộc biên chế hạm đội này.

Các hầm phóng tên lửa trên tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga

Trong khi đó, Hải quân Mỹ hiện có 18 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio. Trong đó, 14 chiếc được trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân Trident II.

Theo báo cáo trên của Mỹ, mỗi tàu ngầm chiến lược của nước này có thể mang tối đa 24 tên lửa đạn đạo và mỗi năm thực hiện từ 2-3 đợt tuần tra đại dương.

2 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga tuần tra tại vùng lãnh hải quốc tế ngoài khơi bờ biển phía Đông của Mỹ nhiều ngày.

Tháng 8/2012, Bộ Quốc phòng Nga đã công khai tuyên bố các tàu ngầm chiến lược của nước này đang tuần tra trên khắp các đại dương. Tuyên bố được đưa ra sau khi truyền thông Mỹ đưa tin một tàu ngầm hạt nhân lớp Akula của Nga đã đi lại tự do ở vùng biển vịnh Mexico suốt hai tháng 6 và 7/2012 mà hải quân Mỹ không thể phát hiện.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio của Mỹ

Chỉ sau đó 3 tháng (11/2012), truyền thông Mỹ tiếp tục đưa tin một tàu ngầm hạt nhân chiến lược thuộc Hạm đội biển Bắc của Hải quân Nga tiếp tục tiến sát bờ biển phía Đông nước Mỹ.

Nguồn tin quân sự Mỹ cho biết chiếc tàu ngầm này thực hiện việc theo dõi các tàu ngầm mang tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Hải quân Mỹ đóng tại căn cứ hải quân Kings Bay ở Georgia.

Đây là căn cứ của hai tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường và 6 tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của Hải quân Mỹ. Các tàu ngầm này được biết đến là một mục tiêu của các tàu ngầm tấn công của Nga.

Trước đó, vào tháng 8/2009, Bộ quốc phòng Mỹ thông báo 2 tàu ngầm hạt nhân của Nga đã tuần tra tại vùng lãnh hải quốc tế ở ngoài khơi bờ biển phía Đông của Mỹ trong nhiều ngày.

Theo các quan chức quốc phòng Mỹ, đây được coi là hành động bất thường của Nga, song cho biết tàu ngầm Nga chưa gây bất cứ hành động khiêu khích nào khiến Mỹ quan ngại.

Giới chức Mỹ cũng khẳng định Nga có quyền thực hiện các cuộc diễn tập hải quân và đang thực hiện theo luật quốc tế.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại