Tàu ngầm Kilo Ấn Độ nổ vì phức tạp và… lạc hậu?

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Vụ nổ gây chấn động thế giới này có nguyên nhân từ đâu?Từ hiện trường vụ nổ và các thông tin liên quan có thể nhận định rằng nguyên nhân của vụ nổ là do hệ thống pin của tàu ngầm.

Tàu ngầm là một tổ hợp trang thiết bị phức tạp và cực kỳ hiện đại. Mỗi chiếc tàu ngầm xuất xưởng đều được thử nghiệm, hiệu chỉnh rất nhiều lần. Trước và sau mỗi lần ra khơi làm nhiệm vụ, tàu ngầm lại được kiểm tra rất kỹ lưỡng tại trạm kỹ thuật. Quy trình vận hành cũng rất nghiêm ngặt nhưng có thể như vậy cũng không loại trừ được hết nguyên nhân của một vụ nổ tàu ngầm.

Ấn Độ có thể phải mất rất nhiều thời gian để tìm ra nguyên nhân đích thực của vụ nổ nhưng với hiện trường vụ việc có thể phỏng đoán phần nào nguyên nhân.

Những nguyên nhân có thể

Trên tàu ngầm bất kể một hệ thống nhỏ đến lớn nào cũng có thể gây ra thảm họa, với các sự cố cháy nổ có thể chỉ ra các vùng phát sinh như sau:

1. Kho vũ khí của tàu, bao gồm các tên lửa, ngư lôi, thủy lôi có đầu đạn nặng tới hàng trăm kg thuốc nổ. Đây chính là thùng thuốc súng khổng lồ.Việc nổ kho vũ khí có thể xảy ra khi sử dụng hoặc khi chưa sử dụng.

2. Hệ thống động lực bao gồm động cơ diesel, động cơ điện và hệ thống nhiên liệu. Đây là khu vực sản sinh ra một nhiệt lượng cực lớn, có thể coi như lò lửa trên tàu. Nếu như hệ thống làm mát vận hành không tốt có thể gây ra hỏa hoạn bất cứ lúc nào. Hoặc sự rò rỉ nhiên liệu, bắn tia lửa điện từ động cơ cũng có thể gâu cháy nổ.

3. Hệ thống điện trên tàu: các mạch điện, hệ thống dây điện có thể bị chập gây cháy hoặc các biến áp, động cơ điện, tụ điện, ắc quy…không được làm mát, tản nhiệt kịp thời nên tích tụ nhiệt gây cháy, nổ.

4. Hệ thống khí: các bình gas, bình oxi cũng có thể gây cháy nổ nếu việc bảo quản, sử dụng không đúng qui trình. Các bình cao áp chứa khí nén để vận hành hệ thống trên tàu cũng có thể phát nổ nếu áp suất vượt quá giới hạn cho phép.

Nguyên nhân vụ nổ tàu ngầm Kilo của Ấn Độ
 

Kịch bản nào cho vụ nổ

Bây giờ chúng ta sẽ căn cứ vào thông tin về hiện trường để tìm ra nguyên nhân có khả năng cao nhất:

Trước hết chúng ta thấy vụ nổ có vị trí xảy ra ở phần đầu của tàu do vậy nguyên nhân từ hệ thống động lực nằm ở phần cuối tàu có thể bị loại bỏ.

Vụ nổ và hỏa hoạn trên tàu INS Sindhurakshak đã làm hư hỏng một tàu ngầm được neo đậu bên cạnh. Chiếc tàu ngầm thứ hai đã được xác định là INS Sindhuratna. Mảnh vỡ của tên lửa trên tàu INS Sindhurakshak đã được tìm thấy trong các xưởng đóng tàu hải quân Mumbai.

Tàu INS Sindhurakshak chuẩn bị cho chuyến tuần tra trên biển nên được trang bị đầy đủ cơ số vũ khí do vậy có thể khẳng định rằng kho vũ khí trên tàu là nguyên nhân của vụ nổ.

Do tàu đang ở cảng nên chắc chắn chưa được sử dụng vũ khí, như vậy là do vũ khí phát nổ bất ngờ.

Tuy nhiên việc phát nổ của vũ khí chỉ là hậu quả chứ không phải là nguyên nhân gây ra tai nạn này. Nhận định này dựa trên các căn cứ sau:

1. Chúng ta nên nhớ rằng, các loại vũ khí thông minh như tên lửa, thủy lôi, ngư lôi đều có cơ chế kích nổ hết sức phức tạp. Để kích nổ được một vũ khí kiểu này, trước hết phải mở chốt an toàn trước khi phóng, sau khi phóng đi một thời gian thì cơ cấu an toàn tiếp theo mới được mở, sau một khoảng thời gian nữa thì cơ cấu an toàn tiếp theo mới được mở (ít nhất cũng có hai cơ cấu an toàn trên đầu chiến đấu). Sau đó khi nhận được tín hiệu từ mục tiêu thì ngòi nổ mới làm việc và kích nổ đầu chiến đấu. Trước và sau mỗi lần lắp đặt các vũ khí này lên tàu ngầm chúng đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Do vậy xác suất để kho vũ khí là nguyên nhân gây ra tai nạn là rất nhỏ.

2. Ngoài ra có đến 34 người đã thoát ra ngoài kịp thời trong tổng số 52 người của thủy thủ đoàn do vậy trước khi kho vũ khí phát nổ chắc đã có một thời gian nhất định.

3. Có một thông tin cần quan tâm đó là con tàu này đã từng xảy ra tai nạn vào 2/2010. Tai nạn này đã làm chết một thành viên của thủy thủ đoàn. Nguyên nhân của vụ việc này được xác định là do sự tích tụ khí hydro trong một pin sạc. Hydro tạo ra trong quá trình sạc pin được hút ra ngoài bằng hai máy thổi. Nếu lượng hydro này đột nhiên tăng lên kết hợp với tia lửa điện và nhiệt độ cao của pin sẽ gây ra cháy nổ.

Tàu ngầm Sindhurakshak cũng như các tàu ngầm diesel-điện khác được vận hành dựa trên sự kết hợp của máy phát điện chạy bằng diesel và pin điện. Sindhurakshak có bộ pin khổng lồ lên đến 500 phần tử.

Sau vài tháng sử dụng, những cục pin này được kiểm tra bằng mắt thường. Việc kiểm tra những hư hỏng trên pin chưa thể tự động hóa được nên không tránh khỏi nhận định sai do chủ quan của con người.

"Các tàu ngầm loại Kilo không có hệ thống giám sát tự động mà phải giám sát bằng con người", một cựu thuyền trưởng tàu ngầm lớp Kilo đã chia sẻ. Như vậy thì quá trình vận hành nếu bị xảy ra cháy nổ pin sẽ không được điều chỉnh và khắc phục kịp thời.

Nguyên nhân vụ nổ tàu ngầm Kilo của Ấn Độ
 

Công nghệ pin hiện nay chính là một rào cản lớn mà các nhà khoa học đang nỗ lực vượt qua. Các pin sử dụng cho máy tính, thiết bị cầm tay…hiện nay đều có thời gian sử dụng và tuổi thọ không cao so với chính thiết bị đó.

Máy bay hiện đại nhất Boeing 787 là minh chứng rõ ràng nhất vấn đề pin của các phương tiện lớn. Máy bay này có công nghệ hết sức tinh vi, được mệnh danh là chiếc 'máy bay điện'. Nhưng một loạt các sự cố xảy ra với hệ thống pin khiến loại máy bay này đang bị đình chỉ bay mặc dù đã được đưa vào sử dụng bởi nhiều nước. Các vụ việc với loại máy bay này bao gồm:

Ngày 8/1/2013, hệ thống pin của máy bay đã phát lửa trên chiếc 787 của hãng Hàng không Nhật Bản tại sân bay Logan International ở Boston, Mỹ. Vụ phát lửa này đã gây thiệt hại nặng nề cho máy bay trong bán kính 50cm.

Tiếp đó ngày 13/1/2013, một chiếc máy bay 787 khác, khi ở trên độ cao 9.100m đã xuất hiện 'mùi và khói lạ' trên hệ thống pin. Các chỉ số trong buồng lái cho thấy khói phát ra từ phòng phát điện của máy bay nơi bố trí các pin chính.

	Máy bay Boeing 787 Dreamliner liên tục gặp sự cố về pin

Máy bay Boeing 787 Dreamliner liên tục gặp sự cố về pin

Nên nhớ rằng chiếc máy bay sử dụng pin lithium ion do hãng sản xuất hàng đầu GS Yuasa đóng tại Kyodo sản xuất. Và Boeing cũng là nhà sản xuất máy bay hàng đầu, đây lại là sản phẩm mà Boeing rất kỳ vọng nên rất nghiêm ngặt trong quá trình chế tạo và thư nghiệm.

Vì vậy có thể phỏng đoán kịch bản của tàu ngầm Sindhurakshak như sau: bộ pin được kiểm tra không kỹ do sự chủ quan của con người đã bị tích tụ hydro kết hợp với nhiệt độ cao gây cháy nổ, đám cháy này đã gây nổ buồng vũ khí của tàu ngầm gây ra thiệt hại lớn hơn.

Tất nhiên đây chỉ là phỏng đoán ban đầu, việc tìm ra nguyên nhân cụ thể sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại