Sức mạnh tàu ngầm tấn công số 1 của Hải quân Nga

Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei là vũ khí tấn công chiến lược uy lực mạnh nhất của Hải quân Nga hiện nay.

Ngày 30/12/2012, Hải quân Nga chính thức hạ thủy tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei (project 955) mang tên Vladimir Monomakh. Đây là chiếc thứ 3 trong lớp tàu Borei được hạ thủy, trước đó ngày 1/1/2013, Hải quân Nga đã chính thức tiếp nhận và đưa vào phục vụ tàu ngầm hạt nhân Borei đầu tiên mang tên Yuri Dolgorukiy.

Chiếc thứ hai mang tên Aleksandr Nevskiy đã hạ thủy từ tháng 10/2010 và đang chạy thử nghiệm trên biển. Hải quân Nga mong đợi con tàu sẽ sẵn sàng phục vụ vào năm 2014.

Hải quân Nga có kế hoạch đóng 8 tàu ngầm hạt nhân lớp Borei tính tới năm 2015. Và tàu ngầm lớp Borei sẽ là "xương sống" lực lượng hạt nhân chiến lược Hải quân Nga trong nhiều thập kỷ tới.

Tàu ngầm hạt nhân Borei được thiết kế nhằm thay thế tàu ngầm chiến lược Delta III và Typhoon chế tạo từ thời Liên Xô. Borei do cục thiết kế trang bị hải quân Rubin thực hiện và nhà máy đóng tàu Sevmash đóng mới.

Chiếc tàu đầu tiên mang tên Yuri Dolgorukiy chính thức được khởi công từ năm 1996, nhưng do thiếu kinh phí mà phải tận năm 2008 mới được hạ thủy.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Borei (project 955).

Lớp Borei (project 955) có lượng giãn nước 14.720 tấn (trên mặt nước) hoặc 24.000 tấn (dưới mặt nước), dài 170m. Tàu được trang bị 1 lò phản ứng hạt nhân, 1 động cơ tuốc bin khí AEU, 1 chân vịt kiểu bơm phụt.

Với hệ động lực chạy bằng năng lượng hạt nhân cho phép con tàu đạt tốc độ tối đa 54km/h dưới mặt nước, lặn sâu 450m, tầm hoạt động  không giới hạn.

Những thông tin chi tiết về hệ thống điện tử hàng hải trang bị trên tàu cho tới hôm nay vẫn còn là tuyệt mật. Tuy nhiên, có thể nói, Borei sẽ là tàu trang bị hiện đại nhất của Hải quân Nga.

Về sức mạnh tấn công, ban đầu thì người Nga dự định trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa R-39UTTH Bark (NATO định danh SS-N-28) cho tàu Borei. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cả 3 lần thử nghiệm loại tên lửa này đều thất bại, vì vậy Nga đã “đặt niềm tin” vào hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa RSM-56 Bulava.

Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm RSM-56 Bulava (NATO định danh là SS-NX-30) do Viện Công nghệ Nhiệt Moscow thiết kế.

RSM-56 Bulava dài 12,1m, đường kính thân 2,1m, trọng lượng phóng 36,8 tấn. Tên lửa được thiết kế với 3 tầng động cơ đẩy gồm: 2 tầng động cơ nhiên liệu lỏng và 1 tầng động cơ nhiên liệu rắn cho phép cơ động ở giai đoạn tiếp cận mục tiêu.

Bulava có thể phóng từ một vị trí nghiêng, cho phép một chiếc tàu ngầm bắn trong khi di chuyển. Đặc biệt, tên lửa sở hữu khả năng phòng thủ tiên tiến làm cho nó có khả năng đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương ở giai đoạn tiếp cận mục tiêu. Hệ thống phòng vệ tên lửa gồm: cơ động lẩn tránh, hệ thống mồi bẫy và đầu đạn hạt nhân được bảo vệ chống tác nhân vật lý và điện từ.

Bắn thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava.

Tên lửa đạn đạo RSM-56 Bulava trang bị hệ thống dẫn đường kết hợp giữa hệ định vị quán tính với hệ thống định vị toàn cầu GLONASS đem lại độ chính xác cao, mặc dù điều này là không cần thiết khi mang đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa có khả năng đạt tầm bắn từ 8.000km tới 16.000km, lắp phần chiến đấu MIRV có 6-10 đầu đạn hạt nhân loại 150 kiloton.

Đầu đạn kiểu MIRV (Multi Indepently Targeted Reentry Vehicle - dịch ra nghĩa là khoang trở về khí quyển mang nhiều đầu đạn hạt nhân tiến công các mục tiêu độc lập) có thể hiểu là một đầu đạn này có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân, khi tiến công mục tiêu các đầu đạn sẽ tách rời ra và đánh vào mục tiêu.

Mỗi tàu ngầm lớp Borei (project 955) được thiết kế để mang 16 tên lửa đạn đạo liên lục địa RSM-56 Bulava. Trong khi đó, biến thể Borei project 955A được cải tiến mang 20 tên lửa Bulava.

Ngoài “mũi thương hạt nhân” Bulava, tàu ngầm lớp Borei còn thiết kế 6 máy phóng ngư lôi cỡ 533mm bắn được ngư lôi chống ngầm hoặc tên lửa hành trình chống ngầm RPK-2 Viyuga (tầm bắn 35-45km, lắp đầu đạn hạt nhân 5 kiloton hoặc ngư lôi).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại