Sức mạnh quân sự có giúp Nga giữ Viễn Đông khỏi tay Trung Quốc?

Bảo An |

(Soha.vn) - Sức mạnh quân sự có giúp Nga lấy lại vị thế ở khu vực Viễn Đông đang bị Trung Quốc chiếm ưu thế bởi sức mạnh kinh tế và nhân khẩu học?

Gần đây, có một số thông tin cho rằng đã có một liên minh mới ra đời giữa Trung Quốc và Nga, trong bối cảnh Mỹ đang xoay trục sang châu Á. Theo những nguồn tin này, chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ đã làm tăng mối lo ngại của Nga về khu vực Viễn Đông, khiến quốc gia này phải đẩy mạnh sự hiện diện chính trị và kinh tế trong khu vực.

Tuy nhiên, mặc dù Nga và Trung Quốc đã có nhiều cuộc tập trận chung gần đây, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Moscow và những dấu hiệu khác cho thấy sự hợp tác ngày càng tăng giữa hai quốc gia này thì trên thực tế, Trung Quốc vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với sự hiện diện của Nga ở khu vực Viễn Đông.

Bất cứ khi nào Moscow quyết định khẳng định vị thế trong vòng ảnh hưởng của mình trên toàn cầu hay tại một khu vực nhất định, quân đội sẽ là thành phần chủ chốt trong chiến lược của quốc gia này. Hiện tại, quân đội Nga đã trở nên chủ động hơn nhiều so với trước đây, từ các kế hoạch hiện đại hóa, tạo ra một lực lượng cơ động và tinh nhuệ cho tới tăng số lượng các cuộc tập trận tại những khu vực có tầm quan trọng chiến lược.

Vào giữa tháng 7 vừa qua, Trung Quốc và Nga đã tổ chức một cuộc tập trận hải quân chung lớn nhất từ trước tới nay. Bắc Kinh đã điều 7 chiến hạm (từ Hạm đội Bắc và Nam Hải) tham gia tập trận chống khủng bố và cướp biển cùng tàu tuần dương tên lửa Varyag, tàu ngầm lớp Kilo và các phương tiện quân sự khác của Hạm đội Thái Bình Dương thuộc Hải quân Nga. Trong cuộc tập trận này, hai nước cũng vận hành các hệ thống chống ngầm, phòng thủ mặt nước và phòng không, các hoạt động này được cho là nhằm đối phó với Hải quân Mỹ và các đồng minh của Washington.

Nga từng bước lấy lại vị thế ở Viễn Đông như thế nào?
 
 	Hình ảnh cuộc tập trận

Hình ảnh cuộc tập trận "Hiệp lực trên biển – 2013"

Cuộc tập trận chung Nga-Trung Quốc cũng diễn ra sau cuộc tập trân chung giữa hải quân và lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ với Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại ngoài khơi bang California, nhưng Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ding Yiping tuyên bố cuộc tập trận của nước này với Nga không nhằm vào bất cứ một nước thứ 3 nào mà chỉ nhằm mục đích tăng cường hợp tác chống cướp biển giữa 2 quốc gia.

Nga từng bước lấy lại vị thế ở Viễn Đông như thế nào?
 

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích quân sự vẫn nhận định rằng cuộc tập trận chung Nga-Trung Quốc cho thấy dấu hiệu của sự hợp tác giữa 2 cường quốc này để chống lại chiến lược chuyển hướng sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

Không chỉ hợp tác thông qua tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung, Nga và Trung Quốc còn duy trì một cuộc tập trận trung thường nên có tên là “Sứ mệnh hòa bình”. Cuộc tập trận này được tổ chức luân phiên tại hai quốc gia.

Trực thăng Z-9 Trung Quốc tham gia tập trận
Trực thăng Z-9 Trung Quốc tham gia tập trận "Sứ mệnh hòa bình 2013"

“Chúng ta duy trì thành công quan hệ hợp tác quân sự và công nghệ quốc phòng”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì. “Cuộc tập trận mới kết thúc gần đây đã chứng minh cho điều này.”

Mặc dù Tổng thống Putin và Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga Nikolai Patrushev đánh giá cao chất lượng các mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh, nhưng yếu tố lịch sử và địa lý cần được xem xét kỹ trong mối quan hệ của hai cường quốc này.

Ngay sau cuộc tập trận hải quân chung với Trung Quốc, Nga đã tiến hành một cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ thời kỳ Liên Xô cũ. Mục đích của cuộc tập trận là kiểm tra sức mạnh hiện tại của quân đội và gửi tín hiệu cho thấy rằng Bắc Kinh không phải là cường quốc mạnh nhất trong khu vực về sức mạnh quân sự. Cuộc tập trận có sự tham gia của khoảng 160.000 binh sĩ, 130 máy bay và 70 tàu chiến.

Đánh giá về kết quả cuộc tập trận, ông Putin cho rằng cuộc tập trận đã thành công “hơn cả mong đợi”. Trong khi đó, ông Alexander Golts, Phó Tổng biên tập tờ báo mạng Yezhednevny Zhurnal, viết trên tờ The Moscow Times rằng: “....vượt ngoài mong đợi của Tổng thống Putin, tất cả các đơn vị của hai Quân khu miền Đông và miền Trung đã hợp thành một tập thể thống nhất, cho dù phần lớn các đơn vị chưa từng được triển khai hay tham gia chiến đấu."

Một trong những thành phần quan trọng trong kế hoạch khẳng định vị thế của Nga tại khu vực là Hạm đội Thái Bình Dương. Sau một thời gian dài bị bỏ rơi, Hạm đội Thái Bình Dương đã được trang bị thêm một số loại vũ khí mới nhất và hiện đại nhất của Nga. Hiện tại, hạm đội này đang biên chế tàu tuần dương tên lửa Varyag, 4 tàu khu trục lớp Udaloy, 1 tàu khu trục lớp Sovremenny và hàng chục tàu ngầm (bao gồm 5 tàu ngầm hạt nhân lớp Delta III được trang bị tên lửa đạn đạo).

Nhưng với kế hoạch hiện đại hóa quân sự, đặc biệt là Hải quân Nga, mà ông Putin đưa ra và chính sách chuyển hướng sang vùng Viễn Đông, Hạm đội Thái Bình Dương dự kiến sẽ nhận thêm một số tàu chiến hiện đại nhất và mới nhất trong kho vũ khí của Nga. Trong vài năm tới, hạm đội này sẽ nhận được một trong hai tàu tấn công Mistral, một số tàu khu trục lớp Stereguschy và một trong số tàu ngầm hạt nhân lớp Borei đầu tiên. Dự kiến, 8 tàu ngầm hạt nhân lớp Borei được đóng và mỗi tàu ngầm sẽ được trrang bị 16 tên lửa đạn đạo Bulava.

Các cuộc tập trận quân sự là một minh chứng cho thấy Nga không còn trong lớp vỏ bọc của quân đội từ những năm 1990 và rất nhiều những thiếu sót trong cuộc chiến tranh năm 2008 với Gruzia đã được giải quyết. Moscow đã xác định rằng quốc gia này không cho phép Trung Quốc dùng sức mạnh kinh tế và nhân khẩu thâu tóm toàn bộ khu vực Viễn Đông. Đó là lý do tại sao nỗ lực để tổ chức chuỗi các cuộc tập trận lớn và hiệu quả là rất quan trọng trong việc thể hiện sức mạnh của Nga trong khu vực.

Từ năm 1991, dân số của Nga tại khu vực Viễn Đông đã giảm 20% và hiện chỉ còn 6,28 triệu người. Số lượng này sẽ giảm xuống 4,6 triệu người vào năm 2025. Trong khi đó, 3 tỉnh phía đông bắc của Trung Quốc có số dân lên tới 110 triệu người. Về mặt kinh tế, giữa tháng 8 vừa qua, Ngân hàng phát triển Trung Quốc thông báo họ đang xem xét đầu tư 5 tỷ USD vào nhiều dự án tại khu vực Viễn Đông, trong khuôn khổ các chương trình của Nga nhằm tập trung vào phát triển khu vực. Đây chỉ là động thái gần đây nhất trong một chuỗi các hoạt động mà Nga đã tạo điều kiện cho Trung Quốc để tăng vai trò của mình trong sự phát triển của khu vực này. Phương tiện truyền thông Trung Quốc năm 2011 đưa tin nguồn đầu tư của Trung Quốc vào khu vực Viễn Đông đã lên tới 3 tỷ USD, trong khi khoản đầu tư của Moscow vào khu vực này ít hơn 1/3 số tiền đầu tư năm 2010.

Vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực Viễn Đông đã được đề cập trong một bài viết trên báo Nhật Bản trước khi được dịch sang tiếng Nga và đăng trên trang inosmi.ru vào tháng 8 vừa qua. Bài báo đề cập tới vấn đề người dân Trung Quốc sống ở khu vực dọc biên giới với Nga tiếp tục tìm cách vượt biên vào vùng Viễn Đông để canh tác nông nghiệp, bất chấp lệnh cấm người nước ngoài sở hữu hay cho thuê đất tại đây.

Một công nhân người Trung Quốc có tên là Su Shaoyuan đã nhận vài triệu USD thông qua các khoản vay từ những ngân hàng Trung Quốc để mua thiết bị nông nghiệp sử dụng tại trang trại ở Viễn Đông. Trong vòng vài năm, người công nhân này có thể hoàn trả tất cả các khoản vay ngân hàng và bắt đầu thu lợi nhuận từ công việc sản xuất nông nghiệp.

Bất chấp những nỗ lực hạn chế công nhân Trung Quốc đổ sang vùng Viễn Đông, Su thừa nhận: “Tôi có thể đảm bảo 100% rằng sau khi chứng kiến sự thành công của tôi, số lượng người Trung Quốc muốn đầu tư như tôi sẽ tăng lên. Vùng đất là một kho báu đang chờ khai thác.” Lo ngại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, chính quyền địa phương của Nga ở Viễn Đông đang khuyến kích các nhà đầu tư Nhật Bản xây dựng những dự án nông nghiệp tại đây.

Tại khu vực tự trị của người Do Thái ở vùng Viễn Đông của Nga, 40% đất nông nghiệp hiện tại đang dưới quyền quản lý của những người Trung Quốc. Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, 90% rau xanh tiêu thụ ở Viễn Đông vào năm 2012 được sản xuất bởi các công nhân Trung Quốc. Ước tính khoảng 500.000 người Trung Quốc đang làm việc tại Viễn Đông.

Những thay đổi về nhân khẩu học đã khiến các nhà lãnh đạo Nga khá lo lắng, điều này được thể hiện rõ qua tuyên bố của Tổng thống Medvedev vào tháng Tám năm 2012. Hai ngày sau khi hai tàu ngầm hạt nhân mới đã được điều đến Hạm đội Thái Bình Dương, Tổng thống Medvedev cảnh báo rằng cần phải bảo vệ vùng Viễn Đông từ "sự mở rộng quá mức của các nước giáp biên giới". Dễ dàng nhận thấy câu nói này của ông Medvedev là nhằm vào Trung Quốc.

Viktor Ishayev, một quan chức được Tổng thống Putin giao cho phụ trách khu vực Viễn Đông, đã bắt đầu chương trình phát triển vùng bằng cách thu hút hơn 1,1 triệu công nhân mới, gồm cả những công nhân từ nước ngoài đến khu vực này trong vòng 10 năm tới. Khoảng từ 240.000 đến 280.000 công nhân nước ngoài từ Caucasus và Trung Á đã tới Viễn Đông. Đây là được coi là một lực lượng lao động đáng kể so với dân số bản địa đang suy giảm.

Tuy nhiên, chuyên gia Marlene Laurelle nhận định rằng: “Nếu Nga sử dụng lực lượng này để phát triển kinh tế Viễn Động, dân số người Hồi giáo và Trung Á ở Nga sẽ tăng nhanh, đây là một vấn đề mà hiện Moscow chưa thể giải quyết”. Chiến lược thu hút lao động nhập cư sẽ không chỉ gây căng thẳng về sắc tộc trong khu vực mà còn khiến người dân bản xứ rời khỏi Viễn Đông, trong khi người dân bản xứ ở đây vốn đã rất thưa thớt.

Các nhà chính trị Nga đã đưa ra một đề xuất khác để phát triển vùng Viễn Đông, đó là di chuyển thủ đô của nước này từ lãnh thổ châu Âu sang châu Á. Đề xuất bị cho là ngớ ngẩn này được đưa ra bởi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu và thị trưởng thành phố Vladivostok. Mặc dù vậy, để xuất cũng cho thấy Moscow ngày càng lo lắng rằng khu vực Viễn Đông sẽ tuột khỏi tầm kiểm soát của họ nếu không được quan tâm sát sao.

Những nỗ lực phát triển cho đến nay cho kết quả rất hỗn tạp. Mikhail Delyagin, giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề về toàn cầu hóa tại Moscow, đã chỉ trích những nỗ lực của Bộ Phát triển Viễn Đông trong một cuộc phỏng vấn mới đây, khi cho rằng những gì bộ này đạt được chỉ là xây dựng một sân bay vũ trụ. Ông cho biết sự thống trị của Trung Quốc ở Viễn Đông vẫn “tiếp tục với tốc độ nhanh”.

Việc trang bị thêm vũ khí và phương tiện hiện đại cho Hạm đội Thái Bình Dương không chỉ tương phản với cơ sở hạ tầng đang xuống cấp nhanh chóng tại Viễn Đông mà còn những lực lượng định hướng tương lai của Viễn Đông. Sức mạnh địa chính trong thế kỷ 21 được quyết định phần lớn bởi nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và lao động nhập cư, hai yếu tố này cũng quan trọng không kém sự hiện diện của các thiết bị quân sự. Việc tăng cường sức mạnh của Hạm đội Thái Bình Dương sẽ không làm được gì nhiều để giữ khu vực Viễn Đông khỏi tuột ra ngoài tầm ảnh hưởng của Nga.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại