Siêu cơ tiền tấn của Mỹ có qua cơn 'nguy kịch'?

Theo vietnamnet |

(Soha.vn) - Một số quốc gia châu Á vẫn có hứng thú với chương trình phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm của Mỹ là F-35.

Nhưng việc Canada định ‘giã từ vũ khí’ với dự án này, liệu điều này có ảnh hưởng tới các đối tác châu Á còn lại?

Siêu cơ F-35 của Mỹ

Tương lai của chương trình vũ khí F-35 từng quá sáng lạn, đủ cho Mỹ và các đồng minh lên kế hoạch ‘hoành tráng’ nhằm cho ra lò 3100 chiếc F-35 ngay từ khi nó vẫn chỉ là một ý tưởng không hơn. 

F-35 từng được kỳ vọng sẽ là một siêu vũ khí để bảo toàn cho vị thế siêu cường của Mỹ và các đối tác của mình giữa thế kỷ này.

Nhưng kể từ khi chi phí cho chương trình đội lên thành con số khổng lồ, các chi tiết kỹ thuật phức tạp, những lần lỡ hẹn bàn giao, F-35 trở thành một tội đồ, một thảm họa về ngân sách quốc phòng. 

Nhiều nhà chỉ trích còn nói rằng F-35 sẽ bay thẳng tới viện bảo tàng trước khi nó kịp đưa vào sử dụng.

Tin xấu đến với chương trình vũ khí đắt đỏ này là một trong những đối tác của họ đã hết kiên nhẫn. Canada đã ấn nút ‘tái thiết’ đối với kế hoạch mua 65 chiếc máy bay này có thể coi là thiệt hại nghiêm trọng nhất. 

Canada là một trong 8 đối tác nước ngoài làm việc với chương trình của Mỹ, họ đã rất ủng hộ cho F-35 cho tới khi một nhà kiểm toán độc lập phát hiện ra rằng phi đội máy bay này có thể sẽ ngốn đến 45,8 tỉ USD trong ‘quãng đời’ 42 năm tồn tại. 

Con số này hầu như đã tăng gấp đôi so với ước tính ban đầu của chính phủ Canada.

 

Việc ‘tái thiết’ không có nghĩa là Canada hoàn toàn từ bỏ F-35, nhưng đối với chính phủ thì trông rất ‘khó coi’ về mặt chính trị khi quay ngoắt 180 độ và sau đó lại mua các máy bay này. 

Canada đang kiểm định các phương án khác ở mức giá phải chăng hơn, bất kể là bao nhiêu.

Các quốc gia đối tác cũng đang dao động, nhưng mối đe dọa lớn nhất đối với chương trình này lại nằm ở phía Mỹ khi mà trên 500 tỉ USD sẽ bị lấy đi từ ngân sách quốc phòng trong thập kỷ tới, bên cạnh các khoản cắt giảm cũng đã được thông qua.

Là chương trình vũ khí đắt đỏ nhất của Lầu Năm Góc, khó có thể hình dung F-35 có thể ra lò mà không bị ‘sứt mẻ’ mặt này mặt khác. 

Hiện nay, chương trình này ngốn 396 tỉ USD cho các hợp đồng mua bán cơ bản và 1,45 nghìn tỉ USD cho toàn bộ chi phí trọn gói. 

Mỹ cũng khó mà mua được 2400 chiếc máy bay theo mong muốn của quân đội nếu như không thể tìm ra các khoản tiết kiệm khổng lồ trong ngân sách quốc phòng.

 

Bất chấp các khó khăn và những điểm không chắc chắn này, một số các khách hàng châu Á và khách hàng tiềm năng vẫn kiên trì theo dõi tiến triển của F-35 và hy vọng rằng nó vẫn có thể duy trì được lời hứa ban đầu.

Australia và Nhật đều đã đặt hàng các máy bay F-35 nhưng cũng giống như Canada, họ đều bày tỏ lo ngại và nghi ngờ về các chi phí tăng cao. 

Hàn Quốc vẫn trong quá trình lựa chọn một chiếc máy bay mới với F-35 là một trong số ba đối thủ chính. Singapore đang đánh giá về chiếc máy bay này. Và Ấn Độ đã lọt vào tầm ngắm của Washington để trở thành khách hàng trong tương lai, đặc biệt là đối với Hải quân Ấn.

Nhà thầu chính của F-35 là Lockheed Martin về bản chất tự nhiên lại thích nói vống lên các tiến triển của máy bay hơn là sửa chữa các sai sót. Và tất nhiên không thể phủ nhận là chương trình đang tiến triển.

“F-35 đang có tiến triển vững chắc trong chương trình thử nghiệm” – Dave Scott, giám đốc phụ trách các khách hàng quốc tế của F-35 của Lockheed nói. 

Với 16 chiếc máy bay đang trải qua các thử nghiệm, Lockheed “tự tin cao độ rằng chương trình thử nghiệm này sẽ hoàn tất vào năm 2016” – Scott nói.

F-35 thử nghiệm vũ khí.

Các máy bay đang dần được xuất xưởng. Hãng DoD và Lockheed đã đạt được một thỏa thuận vào tháng 11 sau các đàm phán kéo dài về chi phí của loạt máy bay mới nhất gồm 32 chiếc. 

Không lực Hoa Kỳ đang chuẩn bị bắt đầu đợt huấn luyện phi công vào tháng sau. Và lực lượng Thủy quân Lục chiến đang lên kế hoạch triển khai các máy bay F-35 tại Nhật vào năm 2017.

Đà tiến tới này cho thấy một điều chắc chắn là chương trình F-35 sẽ ‘qua cơn nguy kịch’, ít nhất là vì Mỹ có hàng trăm máy bay già cỗi cần được ‘về hưu’ và hiện vẫn chưa có gì thay thế. 

Một điều nữa là Mỹ cũng không thể nào vứt bỏ chương trình máy bay chiến đấu tàng hình khi mà Nga và Trung Quốc đều đang sở hữu các loại máy bay tương tự. 

Nhưng liệu mục tiêu sản xuất ra 3100 máy bay có thành hiện thực được không? – “Mục tiêu này chắc chắn là đạt được” – Scott nói.

Nếu như Lockheed cần bất kỳ hy vọng nào để xây dựng số F-35 đó, họ cần khuyến khích các đối tác ở châu Á và những nơi khác giữ niềm tin vào dự án này. 

Nhưng Lockheed cần thêm nhiều khách hàng nữa để hạ thấp giá thành, tuy nhiên, mức giá ‘trên trời’ như hiện nay vẫn khiến tầm với tới các khách hàng tiềm năng là xa vời.

Việc ‘chốt’ giá thành hiện nay của F-35 có khi còn khó hơn cả việc phát hiện các máy bay tàng hình này trên rađa. Loạt máy bay mới nhất có thể ngốn của Lầu Năm Góc trên 200 triệu USD cho mỗi chiếc mặc dù mua ‘buôn’ thì sẽ rẻ hơn là mua lẻ, đơn hàng càng nhiều thì giá càng giảm. 

Các chi phi đang giảm dần – Scott nói. Ông cho rằng Lockheed tiếp tục “tin tưởng rằng đây sẽ là một chiếc máy bay rất đáng giá cùng với những chiếc F-16 hoặc là F-18”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại